Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thông tin kịp thời để giải tỏa tâm lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thông tin kịp thời để giải tỏa tâm lý

(TBKTSG) – Thật trớ trêu khi cách đây chỉ khoảng một năm, các tổ chức tài chính nổi tiếng trên thế giới đã hết lời ca ngợi Việt Nam như một thị trường mới nổi, một “con rồng tương lai” đầy tiềm năng, nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tài chính.

Chính sự phân tích mang tính thổi phồng ấy đã góp phần làm cho dòng vốn nóng chảy ồ ạt vào Việt Nam, gây nên tình trạng bong bóng ở cả thị trường chứng khoán, lẫn địa ốc. Một cách gián tiếp, dòng tiền này đã tạo ra một ảo tưởng về sự giàu có của nhiều người, nhiều công ty và đã đẩy họ vào những canh bạc đầy rủi ro.

Nay, cũng chính những tổ chức tài chính này, trong mấy tuần gần đây đã lần lượt tung ra các báo cáo rất bi quan về viễn cảnh kinh tế Việt Nam.

Một mặt cần thừa nhận việc điều hành kinh tế và định hướng chiến lược kinh doanh của nhiều công ty, nhất là doanh nghiệp nhà nước lớn đã phạm phải những sai lầm mà lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng thừa nhận. Nền kinh tế Việt Nam đang phải trả giá cho những sai lầm này, kể cả những người không liên quan gì đến vòng xoáy đầu tư tài chính trong năm qua. Nhưng mặt khác, cần thấy rằng các yếu tố cơ bản tạo nên sức hút của Việt Nam sau khi gia nhập WTO vẫn còn đó.

Nếu loại trừ các yếu tố đầu cơ tài chính, địa ốc, giá xăng dầu, suy thoái kinh tế toàn cầu, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn có sự ổn định nhờ vào thị trường tiêu dùng nội địa của trên 80 triệu dân, nhờ vào hoạt động đã đi vào nền nếp của khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế dân doanh. Việt Nam vẫn chủ yếu là nước có nền kinh tế nông nghiệp với hai phần ba dân số làm nghề nông trong bối cảnh giá lương thực thế giới đang tăng cao, cung không đủ cầu.

Chính Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của UNDP cũng phải nhận xét rằng các tổ chức tài chính thế giới, “cần cân bằng hơn trong cách đánh giá tình hình hồi năm ngoái cũng như vào thời điểm hiện nay”.

Các giải pháp giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn đã được bàn luận, đưa ra và thực thi phần nào. Vấn đề hiện nay là yếu tố tâm lý, xuất phát từ sự thiếu hụt thông tin chính thống, trong khi thị trường lại tràn ngập thông tin từ các báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam từ nước ngoài.

Nếu bài học rút ra từ năm ngoái là đừng ảo tưởng về các đánh giá quá thổi phồng thì bài học năm nay là phải cung cấp thông tin chính thức cho thị trường, kèm với những cập nhật liên tục về nỗ lực của Chính phủ trong thực thi chính sách kiềm chế lạm phát, nhập siêu; là sự nhất quán trong bộ máy điều hành và kỷ luật cao đối với tất cả bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước theo định hướng đã thông qua. Chính những yếu tố này sẽ phát ra tín hiệu để ổn định tâm lý nhà đầu tư, không để tài sản đất nước, sau khi bị thổi phồng quá đáng nay lại bị dìm xuống dưới giá trị thật nhiều lần.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới