Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thông tư 01 hướng dẫn Luật Công chứng: Nhiều quy định không phù hợp thực tiễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thông tư 01 hướng dẫn Luật Công chứng: Nhiều quy định không phù hợp thực tiễn

Ls. Nguyễn Hoàng Hải(*)

(KTSG) – Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 01/2021/TT-BTP (Thông tư 01) hướng dẫn Luật Công chứng thay thế cho Thông tư 06/2015/TT-BTP (Thông tư 06). Thông tư 01 làm rõ các nội dung mà Thông tư 06 trước đây chưa được hướng dẫn, tuy nhiên có một số nội dung của Thông tư 01 lại không phù hợp, gây khó khăn cho người có yêu cầu bổ nhiệm công chứng.

Thông tư 01 hướng dẫn Luật Công chứng: Nhiều quy định không phù hợp thực tiễn
Khách hàng tại một phòng công chứng ở TPHCM. Ảnh: N.K

Có những quy định làm khó, không cần thiết

Theo quy định của Luật Công chứng, những người hành nghề luật sư khi muốn chuyển sang hành nghề công chứng thì phải thôi hành nghề luật sư và kèm theo đó là giấy tờ chứng minh đã có thời gian công tác pháp luật năm năm. Tại điều 3 Thông tư 01, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật của luật sư gồm chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư, kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với các chức danh này.

Chiếu theo quy định nói trên, luật sư khi muốn được bổ nhiệm làm công chứng viên – ngoài những giấy tờ theo quy định chung như đề cập ở trên – cần phải có sổ BHXH đã tham gia BHXH năm năm trước đó.

Với quy định này, những luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thể được bổ nhiệm làm công chứng viên, bởi hành nghề với tư cách cá nhân thì không có quy định nào bắt buộc phải tham gia BHXH. Hoặc đối với những luật sư làm cộng tác viên tham gia nhiều tổ chức, doanh nghiệp mà trong đó có những doanh nghiệp, những tổ chức hành nghề luật sư nhưng bản thân họ không tham gia BHXH ở tổ chức hành nghề luật sư (họ tham gia ở tổ chức khác, công việc khác) thì cũng không được bổ nhiệm làm công chứng.

Một số tổ chức hành nghề luật sư hiện nay không đăng ký BHXH cho luật sư của mình, điều đó có thể vi phạm quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng xét trên thực tế luật sư đó có làm công tác pháp luật đúng quy định của Luật Công chứng, nghĩa là đã có thời gian công tác pháp luật năm năm vậy hà cớ sao Thông tư 01 không tạo điều kiện để họ trở thành công chứng viên? Đã là luật sư năm năm thì hiển nhiên là trong năm năm hành nghề đó luật sư đã chứng minh mình có thời gian công tác pháp luật, nên việc không đăng ký BHXH không nói lên rằng luật sư không chứng minh được thời gian công tác pháp luật.

Theo điều 20 Luật Luật sư, trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp thẻ, luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức, hoặc không thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn Luật sư có trụ sở hoặc luật sư không hành nghề luật sư trong thời hạn năm năm liên tục sau khi được cấp thẻ luật sư thì ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư xóa tên luật sư đó khỏi danh sách luật sư và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư. Như vậy, luật sư khi đã được cấp thẻ thì phải tham gia hành nghề, nếu không sẽ bị thu hồi thẻ và xoá tên khỏi đoàn luật sư. Điều đó cho thấy thời gian hành nghề từ năm năm của luật sư đã chứng minh rằng luật sư đáp ứng quy định của Luật Công chứng mà không cần bất kỳ giấy tờ nào khác kể cả BHXH quy định tại Thông tư 01.

Quy định của Thông tư 01 cho những người hành nghề đấu giá, thừa phát lại cũng tương tự như những người hành nghề luật sư và những đối tượng này cũng bị ảnh hưởng nhất định khi thôi hành nghề đấu giá, thừa phát lại chuyển sang hành nghề công chứng.

Tại Điều 4 Thông tư 01 về đăng ký hành nghề công chứng và cấp thẻ công chứng viên, đối những người đã từng hành nghề hoặc đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, thừa phát lại thì phải có quyết định thu hồi chứng chỉ đã cấp. Trong khi theo quy định của Thông tư 06 trước đây thì những người đã hành nghề luật sư, đấu giá, thừa phát lại chỉ cần có giấy xác nhận đã thôi hành nghề khi chuyển qua xin cấp thẻ công chứng viên.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư 06 thì Thông tư 01 lại “đẻ” thêm thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, thừa phát lại. Đây là thủ tục không cần thiết, mà nên chăng chỉ cần có giấy xác nhận không hành nghề luật sư, đấu giá, thừa phát lại như trước đây là đủ. Vì những người đã hành nghề công chứng sau khi không hành nghề nữa, muốn quay lại làm luật sư, đấu giá, thừa phát lại thì không cần phải làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề như từ đầu.

Một số nội dung của Luật Công chứng chưa được làm rõ

Thông tư 01 chưa làm rõ nội dung của Luật Công chứng liên quan đến việc công chứng viên không được kiêm nhiệm các công việc thường xuyên khác. Thế nào là kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác cần được hướng dẫn rõ để công chứng viên không vi phạm điều cấm này.

Hoặc thời gian 12 tháng mà người tập sự hành nghề công chứng tập sự có được xem là thời gian công tác pháp luật hay không? Vì người tập sự công chứng khi đi tập sự sẽ được hướng dẫn, được tiếp cận hồ sơ và được thực hiện một số công việc dưới sự giám sát của công chứng viên hướng dẫn. Trong quá trình đó họ đã được “dấn thân” vào nghiên cứu và thực hiện một số công tác pháp luật nên vấn đề này rất cần được hướng dẫn rõ.

Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 đã bỏ quy định về quy hoạch nghề công chứng, tuy nhiên cũng cần phải có một bộ tiêu chí thành lập văn phòng công chứng quy định những tiêu chuẩn khi thành lập một văn phòng công chứng. Các tiêu chuẩn này mang tính “định khung” để cho các tỉnh thành trên cả nước dựa vào đó định hướng xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương mình. Trên cơ sở đó, các tỉnh thành mới cho phép thành lập văn phòng công chứng có chất lượng và hoạt động hiệu quả. Qua đó thể hiện chính sách minh bạch trong việc quản lý hoạt động công chứng của Nhà nước.

Vẫn biết rằng khi xây dựng Thông tư 01, Bộ Tư pháp mong muốn trình tự thủ tục thật chặt chẽ nhằm xây dựng lực lượng công chứng viên được bổ nhiệm có trình độ chuyên môn cao, có chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt khi hành nghề công chứng. Để làm được điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như chương trình đào tạo, giám sát quá trình tập sự, đặc biệt nội dung thi hết tập sự nghề công chứng và sau đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cũng như việc kiểm tra, thanh tra, quản lý và giám sát quá trình hành nghề của công chứng viên. Và, tất cả những quy định đặt ra cần phải không trái luật, phù hợp với xu thế và tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho đối tượng được áp dụng.

(*) Giám đốc Công ty Luật Credent

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới