Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thông xe hầm đèo Cả ngày 31-7

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thông xe hầm đèo Cả ngày 31-7

Lê Anh

Thông xe hầm đèo Cả ngày 31-7
Phối cảnh hầm đường bộ đèo Cả. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Dự án hầm đường bộ xuyên qua đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ thông xe vào ngày 31-7 sau 4 năm xây dựng.

Một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hôm qua 6-7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã đi kiểm tra tiến độ thi công hầm đèo Cả. Tại công trường, theo báo cáo của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, hiện nay hầm đã được đào thông giữa 2 đầu, các nhà thầu đang thi công phần nền đường trong hầm, đồng thời, tiến hành lắp đặt các thiết bị trong hầm. Dự kiến, sẽ chạy thử trong tháng 7 để ngày 31-7 đưa vào vận hành chính thức, trước 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Theo tính toán của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, khi đưa vào sử dụng hầm đèo Cả, thay vì phải đi đoạn đường dài 21,4 km qua đèo Cả, các xe sẽ đi qua hầm nên quãng đường được rút ngắn còn 13,19 km. Về thời gian, hiện nay để đi qua đèo Cả mất khoảng 45 phút, còn đi qua hầm mất khoảng hơn 10 phút.

Bên cạnh đó, dự án còn giúp giảm thiểu mức độ nguy hiểm, nhất là nạn đá lở thường xuyên diễn ra trong mùa mưa bão ở đèo Cả.

Khi đưa vào sử dụng, hầm đèo Cả sẽ đóng vai trò đảm bảo giao thông thông suốt qua khu vực miền Trung, kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là khu kinh tế Nam Phú Yên và khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa, giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hầm đường bộ qua dèo Cả nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.

Toàn bộ hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài 13,4 km, điểm đầu tại km 1353+500 (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hà – Phú Yên) và điểm cuối tại km 1374+525 (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa). Chiều dài của hầm đèo Cả là 3,9 km, hầm Cổ Mã dài 500 mét, đường dẫn và cầu dài hơn 9 km. Công trình gồm 2 đường hầm chạy song song, mỗi hầm rộng 8,5 mét với 2 làn xe.

Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 15.600 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hầm đèo Cả (theo hình thức BOT) là 10.555 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên toàn tuyến là 4.509 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 539 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT sau đó đã cho rà soát lại và điều chỉnh hướng tuyến nên giảm được 2 km chiều dài hầm, vì thế mức đầu tư giảm hơn 4.000 tỉ đồng.

Do vậy, tổng mức đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả đã được rút xuống còn 11.378 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành thi công đèo Cả, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả sẽ thực hiện mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, giai đoạn 2 với mức đầu tư 5.893 tỉ đồng.

Mời xem thêm:

>> 18-11, khởi công hầm qua đèo Cả

>> Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rút khỏi HĐQT Công ty Đèo Cả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới