Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ đoạn giấu doanh thu trong vụ thất thoát 725 tỉ đồng ở cao tốc TPHCM – Trung Lương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ đoạn giấu doanh thu trong vụ thất thoát 725 tỉ đồng ở cao tốc TPHCM – Trung Lương

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo nhân viên che giấu doanh thu thực tế nhằm chiếm dụng 725,3 tỉ đồng sau khi trúng đấu giá và tiến hành khai thác đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, theo cáo buộc từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Thủ đoạn giấu doanh thu trong vụ thất thoát 725 tỉ đồng ở cao tốc TPHCM - Trung Lương
Cao tốc TPHCM – Trung Lương. (Ảnh: TTXVN).

Một số seri xuất hiện trên hai tấm vé của hai phương tiện khác nhau

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Cáo trạng cho thấy, ông Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo nhân viên che giấu doanh thu thực tế nhằm chiếm dụng 725,3 tỉ đồng sau khi trúng đấu giá và tiến hành khai thác đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Cụ thể, việc thu phí trên tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương được quản lý thông qua phần mềm thu phí ITOLL Plus của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên phong (phần mềm ITD – PV). Phần mềm này được Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) mua, thuê cài đặt tại bốn trạm thu phí: trạm Chợ Đệm, trạm Thân Cửu Nghĩa, trạm Tân An, trạm Bến Lức và bàn giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải, do Tổng công ty Cửu Long tiếp nhận.

Sau đó, Công ty Yên Khánh được bàn giao nguyên trạng toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị thu phí, toàn bộ máy quản lý, lao động thu phí tại các trạm và không được tự ý cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công nghệ thu phí theo hợp đồng mua bán quyền thu phí. Ngoài ra, doanh nghiệp này phải báo cáo định kỳ hai lần mỗi năm về doanh thu thu phí, tình hình cơ sở vật chất, tài sản, thiết bị đã nhận bàn giao.

Trong giai đoạn đầu thu phí vào năm 2014, Công ty Yên Khánh sử dụng phần mềm ITD cài đặt sẵn. Vào những khoảng thời gian có nhiều phương tiện qua trạm thu phí như ngày lễ, tết, cuối tuần, nhân viên các trạm thu phí được chỉ đạo chuyển làn xe vào thành làn xe ra, thực hiện thu phí không qua phần mềm.

“Số tiền thu phí bằng phương pháp thủ công Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu khi báo cáo với cơ quan thuế và Tổng công ty Cửu Long”, VKSND Tối cao cho biết.

Nhưng tới giai đoạn cuối năm 2014 – đầu năm 2015, nhận thấy việc giảm doanh thu bằng hình thức thủ công không hiệu quả do số thu phí thực tế rất cao, ông Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên dưới quyền sử dụng công nghệ cao tiếp tục làm giảm doanh thu để chiếm đoạt nhiều hơn.

Vì vậy, Công ty Yên Khánh đã có hai lần mua phần mềm của Công ty Xuân Phi để can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải theo chỉ đạo của ông Hệ.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Xuân Phi, biết mục đích cắt giảm che giấu doanh thu của Công ty Yên Khánh nên chỉ đạo nhân viên viết một phần mềm khác nhằm can thiệp vào phần mềm ITD tại giai đoạn in vé, từ đó có thể in vé có số sê-ri của vé cũ trước đó.

Phần mềm của Công ty Xuân Phi được cài đặt tại máy tính của ông Trần Văn Miền, Phó giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty Yên Khánh, để quản lý, kiểm soát hoạt động, kết nối với các máy tính ở các trạm thu phí.

Theo nhân viên được chỉ đạo nhặt vé do lái xe không lấy, nhập số seri của vé này vào file excel. Trước khi chạy phần mềm Xuân Phi ở làn nào, trưởng ca được chỉ đạo đóng làn khoảng 3 phút để kết nối phần mềm Xuân Phi với máy tính làn ra, nhập số seri của các vé thu phí đã nhặt. Khi được in ra, vé có số seri của vé cũ đã sử dụng. Từ đó, cùng một số seri được thể hiện trên hai vé của hai phương tiện khác nhau qua trạm.

“Càng về sau mức độ càng tinh vi hơn, số tiền chiếm đoạt càng nhiều hơn”, VKSND Tối cao nhận xét.

Vai trò của ông Đinh Ngọc Hệ

Đến tháng 4-2017, do doanh thu phí thực tăng cao, lượng vé lái xe bỏ lại gom nhặt không đủ dùng cho việc cắt giảm doanh thu, Công ty Yên Khánh yêu cầu Công ty Xuân Phi nâng cấp phần mềm.

Ông Nguyễn Xuân Hiền đã đưa ra ba phương án để cắt giảm doanh thu. Phía Công ty Yên Khánh đã lựa chọn phương án cóp-pi đè lượt xe có mệnh giá vé nhỏ cho lượt xe mệnh giá vé lớn từ làn khác sang để thay đổi mệnh giá vé. Mức phí viết phần mềm này là 120 triệu đồng.

Phần mềm được cài đặt trên máy tính tại phòng làm việc của ông Trần Văn Miền và kết nối với hệ thống máy tính tại bốn trạm thu phí. Đầu tháng, ông Miền sử dụng máy tính tiến hành thao tác xâm nhập vào máy chủ để chạy phần mềm Xuân Phi. Phần mềm có tính năng điều chỉnh quãng đường đi của phương tiện từ chặng dài thành chặng ngắn, thay đổi các loại phương tiên chịu phí cao thành loại chịu phí thấp, thay đổi mệnh giá vé cao thành mệnh giá thấp.

Năm 2018, để che giấu hành vi cắt giảm doanh thu nhằm chiếm đoạt tiền thu phí, ông Trần Văn Miền đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Hiền tìm cách xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về thu phí thực tế của Công ty Yên Khánh.

Ông Hiền đã chỉ đạo nhân viên thực hiện xoá khoảng 20GB dữ liệu trên tổng số 10 máy chủ, đồng thời sao lưu những dữ liệu này trong bốn ổ đĩa đặt tại phòng làm việc của ông Trần Văn Miền. Cơ quan điều tra đã thu giữ bốn ổ đĩa này trong quá trình khám xét.

Ngoài ra, chi nhánh Long An thuộc Công ty Yên Khánh cũng thực hiện nộp một phần tiền thu phí của chi nhánh vào tài khoản ngân hàng BIDV ở các chi nhánh Tiền Giang, Long An, Tây Sài Gòn để phía ngân hàn quản lý, thu nợ. Phần tiền còn lại được thủ quỹ của chi nhánh Long An nộp bằng tiền mặt về văn phòng Công ty Yên Khánh và nộp vào tài khoản của doanh nghiệp với nội dung là các cá nhân Đinh Thị Hiên, Vũ Thị Hoan, Tạ Đức Minh nộp tiền – thay cho nội dung nộp tiền thu phí – nhằm che giấu số tiền thu phí đã được cắt giảm.

Thậm chí, phần lớn số tiền thu phí nộp về Công ty Yên Khánh còn được ông Tạ Đức Minh, thủ quỹ công ty, xử lý theo hướng chi tiền mặt cho Công ty Đức Bình hoặc nộp vào tài khoản Công ty Yên Khánh tại các ngân hàng là Ngân hàng SHB – chi nhánh Sài Gòn, Ngân hàng ACB – chi nhánh Tân Thuận và một số ngân hàng khác, theo chỉ đạo của ông Tô Phước Hùng, Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh.

Cơ quan kiểm sát xác định ông Minh biết rõ nguồn gốc số tiền này, nhưng vẫn ghi thông tin thể hiện là các cá nhân nộp tiền.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định doanh thu phí thực tế là 3.266 tỉ đồng, doanh thu bị điều chỉnh còn 2.541 tỉ đồng. Như vậy, số tiền để ngoài sổ sách và bị Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt là 725,3 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi, không hợp tác khai báo, phủ nhận vai trò chủ mưu trong các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nhưng căn cứ lời khai, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cơ quan công tố xác định ông Hệ đã chỉ đạo nhân viên làm giả hộ sơ năng lực tài chính để tham gia đấu giá.

“Bị can Đinh Ngọc Hệ được xác định đóng vai trò chính trong việc che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước”, VKSND Tối cao cho biết.

Cơ quan kiểm sát đã truy tố ông Đinh Ngọc Hệ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Còn 12 bị can khác bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới