Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Thu dọn chiến trường”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Thu dọn chiến trường”

Hồng Phúc

“Thu dọn chiến trường”
Ảnh: THANH TAO.

(TBKTSG) – Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đã gọi cuộc cải tổ ngành ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị bằng cụm từ “thu dọn chiến trường”.

Bức tranh thực về hệ thống ngân hàng

Chiến trường ở đây, theo ông, chính là hệ thống ngân hàng với hơn 100 ngân hàng thương mại, đa số là ngân hàng nhỏ, dịch vụ đều na ná như nhau, quản trị yếu và cạnh tranh khốc liệt trên miếng bánh hạn hẹp là khoảng 12% dân số thu nhập trung bình trở lên.

“Ngay hẻm nhà tôi, có tới năm phòng giao dịch của năm ngân hàng khác nhau mà dịch vụ không có gì khác biệt. Tôi đi qua tất cả các đô thị lớn đều có khoảng 50 ngân hàng ở trung tâm nhưng từ huyện xuống xã thì tìm mỏi mắt chỉ có 1-2 phòng giao dịch nhỏ”, một lãnh đạo ngân hàng nói.

Một phần lớn dân cư, đặc biệt ở nông thôn, không biết đến dịch vụ ngân hàng. Tái cơ cấu là phải trả lại cho ngân hàng chức năng hỗ trợ năng lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp thay vì ngân hàng là nơi ban phát tín dụng cho họ hay chỉ là nơi trung gian để hớt váng kiếm lợi của các giao dịch.

Trong giai đoạn 2007-2008, hơn chục ngân hàng nông thôn được phép nâng cấp lên ngân hàng đô thị và một vài ngân hàng mới ra đời do phong trào đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bùng nổ và giá cổ phiếu ngân hàng thời điểm đó quá hấp dẫn. Việc có quá nhiều ngân hàng không phải là điều xấu, vấn đề chính là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Chính tình hình nợ xấu của các ngân hàng ngày càng trầm trọng khiến cho yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng không thể trì hoãn hơn nữa.

Tái cơ cấu là phải trả lại cho ngân hàng chức năng hỗ trợ năng lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp thay vì ngân hàng là nơi ban phát tín dụng cho họ hay chỉ là nơi trung gian để hớt váng kiếm lợi của các giao dịch.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đặt câu hỏi: thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nợ xấu của toàn hệ thống là hơn 3,1%, nghe chưa có gì ghê gớm lắm, song con số đó đúng hay không?

Một số thống kê khác cho rằng nợ xấu trung bình của hệ thống khoảng 5%, tỷ lệ này ở một số công ty tài chính lớn hơn nhiều. Agribank công bố nợ xấu của họ hơn 6,6%. (Xem thêm bài “Nợ xấu, xấu đến đâu?”, TBKTSG 6-10-2011).

Ba phương án đang được tính đến

Khi nói về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, điều rõ nét nhất được vạch ra đến thời điểm này là cuộc thu xếp lại khối ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, với 38 ngân hàng, mà theo cơ quan quản lý, có khoản chục ngân hàng trong số đó sẽ là đích nhắm đầu tiên. NHNN đang hoàn tất chiến lược với cơ chế “ai không chịu được nhiệt sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”.

Vài con số về hệ thống ngân hàng Việt Nam (tính đến cuối năm 2010)

– Ngân hàng Phát triển: 1

– Ngân hàng Chính sách xã hội: 1

– NHTM nhà nước và có cổ phần chi phối của nhà nước: 5

– NHTM cổ phần: 37

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50

– Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 5

– Ngân hàng liên doanh: 5

– Công ty tài chính: 18

– Công ty cho thuê tài chính:12

– Quỹ tín dụng nhân dân trung ương: 1

– Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở: hơn 1.000

– Tổ chức tài chính vi mô: 1

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

“Nhiệt” ở đây sẽ là hàng loạt các biện pháp: từ những công cụ cơ bản như lãi suất, các tỷ lệ về an toàn vốn, công cụ đo sự dẻo dai về tính thanh khoản, cơ chế cho vay vốn và các rào cản kỹ thuật. Các biện pháp không mới nhưng sẽ “làm ngay, làm chặt chẽ và cương quyết”, theo một nguồn tin từ NHNN. Có ba cách đang được đặt lên bàn cơ quan quản lý.

Thứ nhất, siết chặt các biện pháp kỹ thuật bằng các công cụ sẵn có của NHNN. Trần lãi suất huy động và các mức lãi suất điều hành theo kiểu “hà khắc” hơn như ta đang thấy là một ví dụ. Dư nợ tín dụng cho năm 2012 có thể sẽ không cào bằng mà tỷ lệ sẽ khác nhau ở từng ngân hàng, chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ là một yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng nào không đáp ứng được các yêu cầu này có thể sẽ bị rút giấy phép.

Việc làm ngay là ngân hàng thương mại sẽ làm rõ nợ xấu của từng ngân hàng là bao nhiêu, sau đó sẽ tìm cách làm sạch bảng cân đối tài sản bằng dự phòng rủi ro của chính các Ngân hàng thương mại hoặc thậm chí bằng ngân sách. Mặt khác, về trung hạn, NHNN có thể yêu cầu các ngân hàng có nhiều tài sản xấu tăng vốn điều lệ để sử dụng vốn này bù đắp các khoản thâm hụt trong quá trình xử lý nợ xấu, sử dụng dự phòng rủi ro hay để lại toàn bộ lợi nhuận của ngân hàng để bù đắp nợ xấu. Ngoài ra, có thể đề nghị các ngân hàng này tham gia thị trường mua lại.

Thứ hai, NHNN ưu tiên số một là khuyến khích các ngân hàng tự nguyện mua bán cổ phần và sáp nhập với nhau. Song nếu ngân hàng nào không chịu, NHNN sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, mà khi rơi vào diện này coi như ngân hàng ngừng hoạt động phần lớn vì mất quyền tự chủ.

Các ngân hàng quốc doanh đang được cho là ứng cử viên có khả năng sẽ mua lại các ngân hàng nhỏ nhưng sự hạn chế về tiềm lực tài chính, thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) không cao. Theo Công ty Chứng khoán HSC, việc mua bán sáp nhập các ngân hàng yếu sẽ cần nguồn lực từ bên ngoài hoặc từ Chính phủ. Việc huy động này có thể thông qua tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu dài hạn (trái phiếu kỳ hạn từ năm năm trở lên được tính vào vốn cấp 2). Và các đối tượng mua trái phiếu có lẽ sẽ là các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức trong nước.

Lựa chọn cuối cùng được tính đến, NHNN sẽ mua lại một phần ngân hàng thương mại, trở thành nhà đầu tư nhà nước và thoái vốn khi thuận lợi. Luật NHNN vừa sửa đổi đã bật đèn xanh cho việc NHNN trở thành nhà đầu tư và có quyền mua cổ phần của một số tổ chức tín dụng, đó là cơ sở pháp lý.

Bốn nguyên tắc cơ bản để tái cơ cấu ngân hàng

Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra bốn quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

– Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các ngân hàng lớn làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng; có những ngân hàng nhỏ và vừa, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội.

– Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

– Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

– Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới