Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu đủ bảo hiểm xã hội: Không dễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thu đủ bảo hiểm xã hội: Không dễ

Ông Nguyễn Huy Cận (giữa), Chủ tịch liên đoàn lao động TPHCM đang bày tỏ những vướng mắc trong cuộc họp sáng nay. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Làm sao để Nhà nước không thất thu bảo hiểm xã hội (BHXH) và đảm bảo được quyền lợi của người lao động là chủ đề thảo luận chính trong cuộc họp của đoàn đại biểu quốc hội về giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH tại TPHCM sáng 12-3.

Thất thu BHXH

Cho đến thời điểm này, BHXH vẫn không thể quản lý được số lao động không tham gia BHXH bắt buộc, cũng không nắm bắt được tình hình hoạt động và việc ký kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng không khai báo đúng, đầy đủ số lao động phải tham gia với cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Trong kết quả khảo sát vừa qua của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và BHXH TPHCM, trong số hơn 110.000 lao động được khảo sát thì chỉ có gần 74.000 lao động có ký hợp đồng, tức chỉ khoảng 66%. Trên con số lao động có ký hợp đồng lao động thì 93,8% là có đóng BHXH.

Bên cạnh đó, việc quản lý các doanh nghiệp của cơ quan nhà nước còn lỏng lẻo, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM dẫn chứng “trong hơn 14.000 đơn vị được khảo sát, có gần 12.600 doanh nghiệp hiện đang hoạt động, số còn lại không biết đi đâu vì không có ở địa chỉ đăng ký kinh doanh và chỉ có hơn 3.300 doanh nghiệp có ký hợp đồng với người lao động, chiếm tỷ lệ chỉ có 26%”.

Theo ông Sang thì nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động né tránh, chưa có ý thức trách nhiệm tham gia đóng BHXH.

Bên cạnh đó, tình trạng mức lương ghi trên hợp đồng lao động thấp hơn mức lương thực nhận của người lao động là rất phổ biến. Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch liên đoàn lao động TPHCM lấy ví dụ là có một công ty, lương trung bình của người lao động cỡ 4 triệu đồng, nhưng mức đóng BHXH chỉ trên 1,5 triệu đồng. thường thì doanh nghiệp chọn mức lương chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút ghi trên hợp đồng để đóng bảo hiểm. Tại một số doanh nghiệp thì bảng lương được lập thành 2 bản, một bản dùng để đóng thuế, một bản dùng để đóng bảo hiểm.

Nợ đọng khó đòi

Trong năm 2008, số tiền BHXH thu được là 5,7 tỉ đồng, thấp hơn mức phải thu hơn 4 tỉ đồng. Trong đó, có 56 doanh nghiệp còn nợ BHXH, số nợ đọng lên đến hơn 54 tỉ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo ông Sang thì trong năm 2009, số nợ này còn có thể tiếp tục tăng lên khi tình hình suy thoái kinh tế ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Ông Sang cho biết  cơ chế kiểm tra và chế tài còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Với mức phạt quy định còn quá thấp (nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho toàn bộ lao động thì mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng). Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận đóng phạt rồi tiếp tục tái phạm.

Ông Sang cũng bức xúc, trong 2 năm qua, BHXH TPHCM đã đưa đơn kiện lên tòa án 8 doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy vậy cho đến nay chỉ có 4 đơn vị đã nộp, trong đó doanh nghiệp Kwang Nam, được tòa án Phú Nhuận tuyên xử buộc phải trả 7,2 tỉ vào quỹ BHXH, hạn chót là tháng 9 năm ngoái, nhưng cho đến nay, doanh nghiệp này mới đóng được 1 tỉ đồng. Ngoài Kwang Nam, 4 doanh nghiệp khác tòa vẫn chưa xử.

Trong khi đó, khi doanh nghiệp có nợ đọng, chậm nộp, không đóng BHXH thì cơ quan BHXH sẽ từ chối giải quyết quyền lợi cho người lao động, nhưng luật lại không quy định việc ai sẽ giải quyết những quyền lợi này. “Vì vậy, người lao động là thiệt thòi nhất trong chuyện này”, ông Cận nhấn mạnh.

Đã có nhiều người lao động đi khiếu kiện các doanh nghiệp vì không đóng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của họ nhưng đến lúc thắng kiện, chỉ người lao động đưa đơn kiện mới được giải quyết quyền lợi, còn số đông còn lại vẫn không được hưởng.

Kiến nghị bổ sung thêm quy định

Trên cơ sở những vấn đề còn tồn đọng từ trước đến nay, BHXH TPHCM đã đề xuất những kiến nghị cho quốc hội trong kỳ họp tới về việc sửa đổi và bổ sung thêm các điều khoản trong luật BHXH.

Đó là vấn đề quy định lại về các khoản phụ cấp phải đóng BHXH, quy định lại việc thu BHXH dựa trên bảng lương đóng thuế, bổ sung các điều luật như khi doanh nghiệp nợ đọng hay không đóng BHXH thì doanh nghiệp phải giải quyết các chế độ cho người lao động và phải quy định cơ quan giám sát việc này.

Bên cạnh đó, việc cần nhất mà BHXH đề xuất là phải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ký hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp. Phải có biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm BHXH thật triệt để. Mức phạt phải tương ứng với số nợ BHXH chứ như hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM thì luật cũng nên quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý lao động, cơ quan đại diện người lao động và BHXH để có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý vi phạm của doanh nghiệp và bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.

THANH THƯƠNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới