Thu hút đầu tư tư nhân bằng tính cạnh tranh của thị trường năng lượng
Y. Minh
(TBKTSG Online) – Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển nguồn năng lượng mới, đều yêu cầu lượng vốn lớn, nếu chỉ có Nhà nước thì không thể theo kịp, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã xác định mục tiêu tạo thị trường năng lượng minh bạch, cạnh tranh và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào ngành này.
Khuyến khích tư nhân phát triển nguồn năng lượng mới
![]() |
Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch và xu hướng của tương lai, nhưng để tận dụng và thu hút nguồn đầu tư cần có sự tính toán, quy hoạch ngành một cách bài bản hơn. Ảnh minh họa: TTXVN |
Định hướng mang tính chiến lược dài hạn
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 11-2 thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng trong bối cảnh ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế; mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Đặc biệt khi một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ, một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.
Là cơ quan xây dựng nội dung Nghị quyết 55, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là những điểm có thể tháo gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng, giải quyết bài toán năng lượng phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai. Nói về ý nghĩa của Nghị quyết này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết trong những thành quả chung của giai đoạn sau đổi mới, ngành năng lượng có sự đóng góp hết sức to lớn. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc.
Ông Bình đã phân tích 2 quan điểm có ý nghĩa then chốt. Thứ nhất, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.
Ghi nhận và thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân
Đầu tư vào ngành năng lượng yêu cầu lượng vốn khổng lồ, và để theo kịp yêu cầu phát triển, cần có sự tham gia tích cực từ khối doanh nghiệp tư nhân. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết trước nay lĩnh vực này là độc quyền của nhà nước, mà Nghị quyết 55 của Bộ chính trị nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đi vào truyền tải. Các nhà đầu tư tư nhân rất hào hứng với sự thay đổi về định hướng này.
Ông Hoàng Anh Đức, Trưởng đại diện Tập đoàn năng lượng Enterprize tại Việt Nam, cho rằng khi có nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì họ sẽ trực tiếp quản lý và xây dựng, và sẽ không chịu tác động quá nhiều bởi việc thu xếp vốn và đầu tư vốn bởi vì họ đã đi cùng các tổ chức quốc tế để tham gia ngay từ đầu.
Không chỉ là vốn, công nghệ, sự tham gia của tư nhân cũng sẽ khiến ngành năng lượng thay đổi cơ bản, tạo lập được thị trường đúng nghĩa cho phát triển. TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược, Tạp đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, cho biết có sự tham gia của khối tư nhân vào ngành năng lượng thì mới tạo ra thị trường. Theo ông, có tư nhân thì ngành năng lượng mới phát triển theo tư duy của thị trường và tính cạnh tranh của thị trường sẽ cao hơn nhiều. Chính sách phát triển ngành phải bình đẳng trong việc đối xử với các thành phần tham gia thị trường, mà để bình đẳng đối xử, để cạnh tranh cho rõ ràng thì phải công khai, minh bạch.
"Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng, không chỉ đảm bảo vững chắc hơn cho an ninh năng lượng của đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Thành Sơn nói.
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 55 là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là chìa khóa sự thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng. Nghị quyết cũng đã nêu rõ những hạn chế, yếu kém của ngành năng lượng nước ta thời gian vừa qua và đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn để phát triển.
Khi các nguồn năng lượng sơ cấp đã dần cạn kiệt, mục tiêu phát triển các ngành năng lượng tái tạo là hướng đi đúng và tất yếu đối với Việt Nam. Xu hướng này sẽ là kim chỉ nam cho phát triển ngành năng lượng trong tương lai.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch, đã có những định hướng cụ thể trong vấn đề cơ cấu năng lượng để đảm bảo đáp ứng được nhu cần phát triển, thứ nhất là cho dài hạn tăng trưởng kinh tế, đồng thời quan tâm đến câu chuyện khác như là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường”.
TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, cũng cho rằng lâu nay chúng ta bị chói vào cái gọi là năng lượng than, năng lượng truyền thống, thì bây giờ có cơ sở để chúng ta định hướng là ưu tiên phát triển những ngành năng lượng tái tạo mà dựa trên nền tảng công nghệ cao. Định hướng mới giúp giải quyết được một vấn đề rất cơ bản, đấy là vấn đề môi trường, đây là điểm mang tính mấu chốt.
“Nghị quyết này đã yêu cầu là tất cả các bộ, ban, ngành chúng ta cùng phải vào cuộc, và dựa trên cơ sở các nghiên cứu, các phân tích đánh giá mang tính chất khoa học. Chúng ta không thể nào theo cách mà như chúng tôi gọi là “bốc thuốc”, tức là cách thức để mà các bộ, ban, ngành liên quan phải phối hợp với nhau như thế nào để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng cho quốc gia”, ông Hà Đăng Sơn cho biết.
Các nhà phân tích cũng cho rằng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đúng thời điểm, bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, cũng như chiến lược xây dựng phát triển đất nước trong 10 năm tới.