Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu hút đầu tư vào ĐBSCL: Cần có “nhạc trưởng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thu hút đầu tư vào ĐBSCL: Cần có “nhạc trưởng”

Đức Khánh

(TBKTSG) – Tuy có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện thiên nhiên ưu đãi và được nhiều chuyên gia đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng phát triển, song vùng ĐBSCL lại có tốc độ phát triển chậm hơn so với những vùng khác. Việc tăng thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL được “ví” như bài toán chưa có lời giải đáp. Và đó cũng là lý do của hội thảo góp ý đề án: “Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào giữa tuần trước với sự tham gia của lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Năm 1993, ĐBSCL đóng góp 23% GDP của cả nước nhưng tỷ trọng này liên tục bị sụt giảm trong suốt thời gian qua (năm 1996 là 18,4%; năm 2000: 17,2% và hiện nay khoảng 15-16%). Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của ĐBSCL đều thể hiện rõ xu thế đi xuống so với miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Tiềm năng lớn nhất của ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản nhưng hiện đang bị vắt kiệt và làm xuất hiện những nguy cơ về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của phát triển.

Tại hội thảo nói trên, lãnh đạo các tỉnh, thành đều chỉ ra những hạn chế, thách thức đối với việc thu hút đầu tư của ĐBSCL trong thời gian qua là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và hệ thống cảng còn quá yếu. Trong khi tiềm năng về nhân lực thì lại chỉ đông về số lượng mà yếu về chất lượng.

Với tình trạng này, các doanh nghiệp sẽ thực sự gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật, kể cả khi họ tự bỏ tiền ra để đào tạo. Theo nhiều đại biểu, có thể có nhiều nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL nhưng chừng nào chưa giải quyết được hai vấn đề cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động thì chắc chắn ĐBSCL chưa thể “cất cánh”.

Nếu như xu thế chung của cả nước là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp thì với ĐBSCL, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Liệu đã đến lúc cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp như ở một số vùng khác hay chưa? Với những thực trạng như đã nêu, một số nhà khoa học cho rằng trong vài năm tới, ĐBSCL vẫn nên tiếp tục phát huy lợi của các ngành nông nghiệp, thủy sản và chế biến nông thủy sản.

Giáo sư Javier Revilla Diez, trường Đại học Hannover (CHLB Đức), chia sẻ: “Phát triển kinh tế bao giờ cũng đi đôi với các vấn đề xã hội. Để thu hút được các nhà đầu tư, những nhân tố quan trọng nhất cần phải đáp ứng là chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng – giao thông vận tải, viễn thông, bầu không khí xã hội, chất lượng giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, trình độ người lao động…”. Ông Diez góp ý tiếp: “Phải làm thế nào đẩy mạnh, tập trung mọi nguồn lực cho giáo dục – đào tạo nếu không sẽ khó có thể phát triển ở những vùng phát triển thấp”.

Ông Lê Viết Thái cho biết, đề án “Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL” đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách và sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng 9 này. Trong đó, nhấn mạnh tính bền vững và chất lượng của quá trình phát triển, tính đồng bộ của hệ thống chính sách, tính tổng thể và liên kết với các vùng trên cả nước, đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường, quyền tự quyết của các nhà đầu tư.

Mặt khác, cần đánh giá đúng về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của vùng ĐBSCL, phân biệt rõ mục tiêu này với việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu để có cái nhìn khách quan, đảm bảo công bằng cho những người giữ vai trò này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới