Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thu hút du khách Hồi giáo – thị trường tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành du lịch Đà Nẵng cũng như miền Trung muốn thu hút một phần trong khoảng 140 triệu khách là những người theo đạo Hồi đi du lịch trong năm 2023 nhằm đa dạng hóa thị trường khách quốc tế. Nhưng còn đó những thách thức nếu muốn tận dụng tiềm năng này.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Đà Nẵng ghi nhận sự phục hồi của khách quốc tế nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong quí 1, Đà Nẵng thu hút 400.000 lượt khách quốc tế. Nếu lấy con số này nhân với ba quí còn lại thì chưa đạt con số của năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19) và chưa như kỳ vọng.

Thu hút khách theo đạo Hồi, đa dạng nguồn khách

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đưa ra nhận định trên tại hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung”, diễn ra hôm 10-6, tại Furama Resort Đà Nẵng.

Bà Marina Muhamad, Giám đốc phát triển du lịch thuộc Trung tâm Du lịch Hồi giáo Malaysia, chia sẻ về xu hướng du lịch của người theo đạo Hồi. Ảnh: Nhân Tâm

“Ngành du lịch đang mở rộng, đa dạng khách thị trường quốc tế, trong đó khách từ thị trường Hồi giáo đóng vai trò quan trọng”, ông Bình nói và cho biết thị trường người theo đạo Hồi đi du lịch nước ngoài sẽ rất lớn. Đây là tiềm năng để Đà Nẵng có thể khai thác để trở thành thị trường mới cho đối tượng khách này.

Cụ thể, việc sớm mở lại đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Singapore, Malaysia, Ấn Độ đã tạo điều kiện thuận lợi cho lượng khách du lịch Malaysia, Singapore, Ấn Độ sang tham quan Đà Nẵng tăng trưởng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, có nhiều đường bay quốc tế trực tiếp từ Malaysia, Singapore đến Đà Nẵng do các hãng hàng không Malindo, Air Asia, Singapore Airlines… khai thác.

Có cùng nhận định, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho hay thị trường khách theo đạo Hồi tại khu vực châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Phillipines… là thị trường tiềm năng mà ngành du lịch Đà Nẵng có thể khai thác.

Ngành khách sạn cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên môn cho các khách sạn thành viên về những nhu cầu cũng như đặc tính đi du lịch của du khách là những người theo đạo Hồi, ông Quỳnh cho biết. Ông nói thêm, tại Furama Resort Đà Nẵng trong thời gian qua cũng đã có những bước chuẩn bị để đón nguồn khách này. Đó là tuyển dụng đầu bếp nấu món ăn theo tiêu chuẩn Halal và cung cấp các dịch vụ đặc thù cho khách Hồi giáo, bao gồm nơi cầu nguyện.

Thách thức nhân rộng dịch vụ theo chuẩn Halal

Tuy nhiên, đối với ngành du lịch miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, để thực sự thu hút một lượng lớn khách du lịch này cần làm nhiều việc. Đó không chỉ là thức ăn theo chuẩn Halal mà còn dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách này.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương – đơn vị cùng Tổng cục Du lịch Malaysia tại Việt Nam và đối tác tổ chức hội thảo này, cho hay trong nhiều năm qua Đà Nẵng và khu vực miền Trung thu hút nhiều khách du lịch đến từ Malaysia (luôn nằm trong top 7 các thị trường khách quốc tế - PV). Tuy nhiên, theo ông Thủy, đa số đây là khách người Malaysia gốc Hoa, chứ không phải người Malaysia theo đạo Hồi gốc. “Có một thực tế là tại Đà Nẵng không có nhiều sản phẩm và dịch vụ mang tiêu chuẩn Halal”, ông Thủy nói.

“Trong nhiều năm làm việc với thị trường các quốc gia Hồi giáo, chúng tôi nhận thấy rằng cộng đồng du lịch Hồi giáo thường không khuyến khích khách đi du lịch tại các quốc gia hay điểm đến có điều kiện cơ sở vật chất, ẩm thực, tín ngưỡng mà không thuận lợi, không phù hợp với thói quen tiêu dùng, phương thức du lịch đặc thù của họ”.

Khu vực buffet tại một nhà hàng trong Furama Resort Đà Nẵng. Phục vụ thức ăn theo chuẩn Halal chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút đối tượng khách này. Ảnh: Nhân Tâm

Một số doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng đồng tình rằng trong khu vực miền Trung, Đà Nẵng được xem là nơi có nhiều sản phẩm và dịch vụ quốc tế đa dạng nhất nhưng lại có hạn chế cho thị trường Hồi giáo. Nhà hàng Halal, nơi cầu nguyện, dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn… là những cái thiếu nổi bật.

Theo bà Marina Muhamad, Giám đốc phát triển du lịch thuộc Trung tâm Du lịch Hồi giáo Malaysia, hiện nay cộng đồng khách du lịch theo đạo Hồi có xu hướng lên mạng để tìm hiểu trước điểm du lịch. Họ thích những nơi có nhiều hoạt động du lịch bền vững, sạch sẽ, vệ sinh, hướng đến sức khỏe, trải nghiệm và đặc biệt có sự trân trọng văn hóa Hồi giáo.

Theo đại diện một doanh nghiệp làm du lịch lâu năm tại Đà Nẵng, xu hướng du lịch trải nghiệm, hướng đến sức khỏe và bền vững là khá phổ biến hiện nay, có thể đáp ứng được, nhưng để nhân rộng những mô hình trên kèm với những sản phẩm, dịch vụ đặc thù dành cho người Hồi giáo thì lại không dễ. Đầu tư nhân rộng nơi cầu nguyện và nhà hàng đảm bảo chất lượng thực phẩm Halal là hai trong số những thách thức.

Vì vậy để có thể thực sự tận dụng tiềm năng từ những du khách này, để mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, cần sự hợp tác từ các lãnh đạo quản lý điểm đến tại địa phương đến các doanh nghiệp quan tâm, nhằm xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp dòng khách du lịch đặc thù này trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới