Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu hút FDI sau 25 năm, được và mất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thu hút FDI sau 25 năm, được và mất

Tư Hoàng

Thu hút FDI sau 25 năm, được và mất
Các doanh nghiệp FDI đã mang lại sinh khí cho nền kinh tế. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) Ngày 27-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị tổng kết tình hình 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh nguồn vốn này ngày càng trở nên gay gắt trong khu vực.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hội nghị này cho biết, sau hơn 25 năm thu hút lại nguồn vốn FDI, Việt Nam nay có hơn 14 ngàn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 207 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được hơn 97 tỉ đô la (chiếm 47% vốn đăng ký).

Mới chỉ có 100 trong trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam, trong khi hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Á.

Hơn 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng của khu vực FDI đạt bình quân gần 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành.

Đến nay, khu vực FDI đã tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng…

Theo chuyên gia về FDI hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Mại, luồng vốn FDI đã giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế khoảng 3-4% mỗi năm.

Trả lời TBKTSG Online gần đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét, môi trường kinh doanh cần phải tiếp tục được cải thiện hơn nữa để thu hút luồng vốn này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực ngày càng gay gắt.

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), có hàng loạt vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải ở Việt Nam bao gồm tăng tiền lương cho người lao động; khó khăn trong việc nội địa hóa nguyên vật liệu; năng lực, ý thức của người lao động; khó tuyển dụng nhân tài ứng cử làm lãnh đạo; và thủ tục hải quan phức tạp.

Trong khi đó, theo báo cáo PCI 2012 của VCCI, có tới 48% nhà đầu tư nước ngoài coi yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro chính, bên cạnh rủi ro chính sách và rủi ro lao động, mà họ gặp phải.

Bộ Tài chính, trong tài liệu phục vụ hội nghị trên cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Có nhiều doanh nghiệp FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu.

Chỉ riêng năm 2011, sau khi thanh tra tại 921 doanh nghiệp FDI khai lỗ, và có dấu hiệu chuyển giá, bộ này đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỉ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỉ đồng. 

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, và chỉ có vỏn vẹn 6% sử dụng công nghệ cao.

Bộ này nhận định, có chiều hướng dịch chuyển dòng FDI tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam nhưng nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường. Một số dự án chiếm giữ đất lớn nhưng không triển khai gây lãng phí tài nguyên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới