Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu hút lao động nước ngoài cho “đại bàng” đến làm tổ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thu hút lao động nước ngoài cho “đại bàng” đến làm tổ

Triêu Dương

(TBKTSG) – Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận dòng vốn quốc tế khổng lồ dịch chuyển, đó là nhận định của không ít tổ chức quốc tế, giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế trong thời gian qua. Dù vậy, việc có tận dụng được cơ hội tuyệt vời này hay không cũng đã được đem ra mổ xẻ, trong đó câu chuyện nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nghẽn quan trọng.

Phần lớn các dự án FDI vào Việt Nam chỉ tập trung ở các khâu gia công lắp ráp đơn giản, nên nhu cầu nguồn nhân lực chỉ dừng lại ở lao động phổ thông là chủ yếu.

Trong năm tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam 10,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn đăng ký cấp mới là 7,4 tỉ đô la, tăng 15,2% so với cùng kỳ và vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm là 3,5 tỉ đô la, tăng mạnh 31,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành gây biết bao thiệt hại trong thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng lên các hoạt động giao thương, đầu tư, thì xu hướng vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật.

Về lâu dài, hầu hết ý kiến đều cho rằng những quốc gia như Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi Trung Quốc, tuy nhiên việc có tận dụng tốt cơ hội này hay không lại là câu chuyện khác, khi mà dòng vốn FDI có thể mang lại nhiều hệ lụy xấu nếu không có giải pháp chọn lọc phù hợp. Nói cách khác, việc lựa chọn các dự án FDI công nghệ cao, có hàm lượng chất xám công việc và chuỗi giá trị gia tăng cao là điều kiện cần thiết và quan trọng nhất trong cơ hội bứt phá lần này.

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam, tức ám chỉ những dự án từ các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang loay hoay với nhiều điểm nghẽn mà có thể làm hạn chế dòng vốn đầu tư chảy vào. Nếu như vấn đề mặt bằng hay cơ sở hạ tầng có thể được giải quyết bằng các chính sách giải tỏa và đẩy mạnh đầu tư công, thì những hạn chế về logistics hay các ngành công nghiệp phụ trợ không thể được xử lý chỉ trong một sớm một chiều. Và trên hết là bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những dự án công nghệ cao, đứng đầu chuỗi cung ứng.

Trong nhiều năm qua, phần lớn các dự án FDI vào Việt Nam chỉ tập trung ở các khâu gia công lắp ráp đơn giản, nên nhu cầu nguồn nhân lực chỉ dừng lại ở lao động phổ thông là chủ yếu. Để thu hút thành công các dự án công nghệ cao, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, nguồn nhân lực trong nước hiện nay vẫn chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng cho các dự án này.

Một nguyên nhân quan trọng là trong nhiều năm qua, các điều kiện giáo dục và y tế vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. Chưa nói đến việc đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế công nghệ cao trong tương lai, cơ chế thu hút người tài, kiều bào, du học sinh quay về nước làm việc vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đối với nhiều doanh nghiệp FDI về công nghệ, lao động nước ngoài tay nghề cao trở thành lực lượng cần thiết để các công ty này kiện toàn bộ máy và vận hành ổn định.

Trong khi nguồn nhân lực chất lượng cần phải mất nhiều thời gian đào tạo, nhưng các chính sách giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thì việc thu hút lực lượng lao động trí thức, tay nghề cao nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam nên là một giải pháp cần được cân nhắc, nhằm chuẩn bị sẵn nguồn lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như là chính sách để thu hút, kêu gọi thêm nhiều dự án công nghệ cao chọn Việt Nam là điểm đến tiềm năng.

Việt Nam trong nhiều năm qua có lợi thế trong việc duy trì tình hình chính trị, an ninh xã hội và phát triển kinh tế khá ổn định so với các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra, nước ta cũng có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, hấp dẫn về du lịch và nghỉ dưỡng. Thực tế, không ít người nước ngoài sau khi đến Việt Nam đã chọn nơi này là điểm định cư lâu dài để ổn định cuộc sống. Điểm bất lợi cần được khắc phục chính là vấn đề giáo dục và y tế, tuy nhiên thời gian qua nhiều tập đoàn trong nước cũng như nước ngoài cũng đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào hai lĩnh vực này.

Ngoài ra, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam không chỉ nổi lên như là hiện tượng chống đại dịch thành công, mà còn thể hiện sâu sắc hình ảnh một đất nước đầy tính nhân văn với chính sách “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những nỗ lực cứu chữa bệnh nhân phi công người Anh dù phải hao tốn nhiều nguồn lực nhưng rõ ràng đã gây ấn tượng tốt với không ít người nước ngoài, do đó cũng mang lại cho Việt Nam cơ hội thu hút thêm nhiều người nước ngoài đến.

Dòng vốn FDI cũng sẽ kéo theo các dịch vụ phụ trợ đi kèm như pháp lý, tài chính,… những lĩnh vực đòi hỏi cần phải có các chuyên gia, lao động trí thức tham gia.

Trong khi đó, chính sách đối với người lao động nước ngoài của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản. Quy định của pháp luật hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo bốn vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được. Các hình thức lao động của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay phát sinh chủ yếu ở dạng hợp đồng lao động, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, được công ty mẹ cử sang hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế thương mại.

Hồi đầu năm nay, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã đề nghị các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động sửa đổi cần quy định rõ quy trình nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động mới, hợp lý cho người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và đã được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam.

Ngoài ra, các chính sách về phúc lợi, bảo hiểm hay thuế thu nhập cũng cần được cải tiến, sửa đổi đủ để hấp dẫn lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam, cũng như thu hút trí thức kiều bào về nước đóng góp. Và để thu hút lực lượng này gắn bó lâu dài với Việt Nam, thiết nghĩ các chính sách nhập tịch cũng cần thông thoáng hơn.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia thời gian qua cũng đã thay đổi chính sách nhập cư để thu hút người lao động nước ngoài. Như Nhật Bản – quốc gia đang đối mặt với thực trạng già hóa dân số ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế, hồi tháng 4-2019 đã ban hành luật nhập cảnh mới để đảm bảo có đủ lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển kinh tế. Đối với nhóm lao động trình độ cao có kỹ năng trong những ngành mà nước này cần, Nhật Bản cho phép những người này được cấp visa lưu trú không thời hạn và có thể đem gia đình theo.

Cũng cần biết rằng nền kinh tế phát triển với các dự án đầu tư công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao có một mối tương quan và gắn kết chặt chẽ. Một tập đoàn đa quốc gia khi muốn triển khai các dự án đầu tư có hàm lượng chất xám cao thường nhìn vào nguồn nhân lực tại địa phương, chứ không chỉ đơn thuần là các chính sách ưu đãi.

Ngược lại, lực lượng lao động trí thức cũng bị thu hút và tìm cơ hội ở những quốc gia có sự hiện diện của những doanh nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi công việc có chất xám, chứ không phải là những dự án lạc hậu gây ảnh hưởng và ô nhiễm môi trường. Nói như vậy để lưu ý rằng “đại bàng” rõ ràng không dễ gì chấp nhận sống chung với “kền kền”, cũng như khách du lịch giàu có sẽ tránh xa những địa điểm tràn ngập khách du lịch theo tour 0 đồng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới