Thu nhập bình quân đầu người hơn 2.100 đô la Mỹ
Tư Hoàng
![]() |
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh TL |
(TBKTSG Online) – Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2015 đạt 193,4 tỉ đô la Mỹ, bình quân đầu người khoảng 2.109 đô la Mỹ, tính theo giá hiện hành, hoặc 5.800 đô la Mỹ tính theo sức mua tương đương.
Đây là báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ gửi tới kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng nay 21-3 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Vinh, tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm (2011-2015) đạt trên 5,9%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm giai đoạn 2006-2010.
Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, trong khi nhu cầu chi tăng lớn, dẫn đến bội chi NSNN cao hơn mức Quốc hội cho phép là bội chi NSNN đạt dưới 4,5% vào năm 2015, tính cả trái phiếu Chính phủ.
Năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP, năm 2015 khoảng 6,1% GDP.
Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.
Trong 5 năm 2011-2015, tổng số vốn FDI thực hiện (gồm cả phần vốn góp trong nước) đạt 60,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 35,6% so với giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký trong 5 năm 2011-2015 giảm so với giai đoạn trước. Tính chung cả giai đoạn, tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 99 tỉ đô la Mỹ.
Trong 5 năm 2011-2015, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế đạt 27,78 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 26,53 tỉ đô la Mỹ chiếm khoảng 95,5% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,25 tỉ đô la Mỹ chiếm khoảng 4,5%. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn đạt 22,32 tỉ đô la Mỹ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 năm 2011-2015 đạt 656 tỉ đô la Mỹ, tăng bình quân 17,5%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 12%/năm, trở thành một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam không bị giảm sâu trong những năm vừa qua.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 năm 2011-2015 đạt 666 tỉ đô la Mỹ, tăng bình quân trên 14,3%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước là 18,2%.
Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của FDI (không kể dầu thô) trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 49,4% năm 2011 lên 68,2% năm 2015.
Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Á chiếm 50%, thị trường châu Âu 20% và châu Mỹ tăng lên trên 25%. Thị trường châu Phi, Tây Nam Á và châu Đại Dương cũng bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến.
Về cơ cấu thị trường nhập khẩu, tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường châu Á trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 80%.
Về phát triển doanh nghiệp: Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong nền kinh tế đến hết năm 2015 đạt 940.900 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2011-2015 đạt 393.800 doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp dân doanh thành lập mới giai đoạn 2011-2015 đạt 2.413,3 nghìn tỉ đồng.