Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thử thách cho AirAsia tại thị trường Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thử thách cho AirAsia tại thị trường Việt Nam

Bình Nguyên

Với khẩu hiệu: “Now everyone can fly” (Mọi người đều có thể đi máy bay), AirAsia được xem là mối e ngại cho các hãng hàng không nhưng cũng đang mang đến cơ hội cho nhiều người đi lại bằng đường hàng không với chi phí thấp – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Tập đoàn hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, AirAsia (Malaysia) đang đối mặt với trở ngại đầu tiên trong kế hoạch thành lập liên doanh với Công ty cổ phần hàng không VietJet (VietJet Air) do Vietnam Airlines đã có ý kiến phản đối.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong văn bản gửi Thủ tướng gần đây, Vietnam Airlines kiến nghị không thông qua việc đầu tư hợp tác của tập đoàn AirAsia vào VietJet Air dưới mọi hình thức để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Kế hoạch của AirAsia

AirAsia đã xác nhận trong thông báo gửi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào tháng 2-2010 rằng tập đoàn hàng không giá rẻ này đã mua 30% cổ phần của VietJet Air và đang xúc tiến thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam với tên gọi VietJet AirAsia.

Trong thông báo đăng trên trang web của mình ngày 10-2, VietJet Air cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã cấp giấy phép vận chuyển hàng không sửa đổi lần thứ nhất của hãng, tạo điều kiện cho việc thành lập liên doanh với AirAsia.

Còn AirAsia cho rằng khi liên doanh VietJet AirAsia được thành lập, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ tư tại khu vực ASEAN mà AirAsia tham gia đầu tư vào một liên doanh hàng không sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia. AirAsia cũng cho rằng việc đầu tư vào liên doanh VietJet AirAsia sẽ giúp tập đoàn mở rộng tầm hoạt động tại Việt Nam và biến thị trường này trở thành một trong các cửa ngõ chính kết nối toàn thị trường Đông Nam Á (ASEAN).

Hãng này cũng cho biết, liên doanh VietJet AirAsia đang hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị cho các đường bay và tần suất bay tại Việt Nam và trên các tuyến quốc tế. Tuy nhiên, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho rằng hiện chưa có thông tin cụ thể về liên doanh hàng không giá rẻ VietJet AirAsia, và AirAsia chỉ đơn thuần mua lại 30% cổ phần của một cổ đông tại VietJet Air. Tên đăng ký tiếng Anh của VietJet Air vẫn là VietJet Aviation Joint Stock Company (Công ty cổ phần hàng không VietJet).

Ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải hàng không của Cục Hàng không, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng VietJet Air đã làm các thủ tục thay đổi cổ đông tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội theo quy định của luật doanh nghiệp và đã báo cáo lên Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải.VietJet Air cũng khẳng định Sở KH-ĐT Hà Nội cũng đã cấp giấy phép kinh doanh sửa đổi cho Công ty cổ phần hàng không và công nhận AirAsia là một cổ đông sáng lập của VietJet Air. Theo ông Đăng, hãng hàng không tư nhân được cấp phép đầu tiên ở Việt Nam này đang chuẩn bị kế hoạch để bắt đầu khai thác vào tháng 5-2010.

Ông Đăng nói, quy định hiện hành cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được nắm cổ phần không quá 30% tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không và phía nước ngoài (nhiều nhà đầu tư) không vượt quá 49% cổ phần.Thực ra việc chuyển nhượng cổ phần đã từng xảy ra tại VietJet Air, và việc chuyển nhượng lần này có khác là có yếu tố nước ngoài.

Tại sao Vietnam Airlines phản đối?

Theo Tuổi Trẻ, trong văn bản gửi Thủ tướng, Vietnam Airlines cho rằng việc cho phép các hãng hàng không chi phí thấp tham gia ồ ạt vào thị trường Việt Nam và tìm cách “lách luật” để mua rẻ thương quyền nội địa của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hãng hàng không mới được thành lập trong nước.

Nếu được thành lập, VietJet AirAsia sẽ hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ của hãng AirAsia nên sẽ cạnh tranh trực tiếp với Jetstar Pacific. Jetstar Pacific chưa đưa ra ý kiến về liên doanh VietJet AirAsia, nhưng hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam này luôn bày tỏ quan điểm là chấp nhận cạnh tranh lành mạnh vì cạnh tranh sẽ làm thị trường phát triển.

Các chuyên gia ngành hàng không cho rằng việc tham gia của AirAsia sẽ giúp VietJet Air có thể đẩy nhanh kế hoạch cất cánh mà hãng đã không thực hiện được trong hơn 2 năm qua sau vài lần trì hoãn kể từ khi được cấp phép cuối năm 2007.

Ngoài đóng góp vốn, AirAsia còn giúp VietJet Air về chuyên môn và cách thực hiện mô hình hàng không giá rẻ mà chính tập đoàn AirAsia đang áp dụng rất thành công. Bắt đầu hoạt động vào 2001, AirAsia cùng với AirAsia X, là hãng hàng không mà AirAsia tham gia đầu tư đã chuyên chở được hơn 85 triệu hành khách.

AirAsia và các hãng thành viên cũng đang khai thác hơn 130 đường bay đến hơn 70 điểm tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ và châu Âu. Tại Việt Nam, AirAsia đang thực hiện nhiều chuyến bay thẳng từ Hà Nội và TPHCM đến Kuala Lumpur và Bangkok; giữa TPHCM và Phuket, và đường bay TPHCM-Jakarta.

Theo các chuyên gia, AirAsia với tiềm lực hiện tại và kế hoạch phát triển mạng đường bay rất nhanh trong thời gian qua đã khiến không chỉ Vietnam Airlines mà các hãng hàng không khác của Việt Nam phải e ngại nếu họ được tham gia sâu hơn vào thị trường hàng không đang phát triển này.

Còn nhớ, chính phản ứng của Vietnam Airlines và Pacific Airlines (lúc chưa đổi tên thành Jetstar Pacific) là một trong các lý do khiến AirAsia không hoàn thành được kế hoạch cùng với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam dẫu rằng cả hai bên đã ký ý định thư để thực hiện kế hoạch này vào tháng 8-2007 tại Kuala Lumpur (Malaysia).

Tại Malaysia, AirAsia đã từng làm điêu đứng Malaysia Airlines khiến hãng hàng không quốc gia Malaysia bị mất nhiều khách, phải giảm đường bay, cắt việc làm chỉ sau vài năm AirAsia tham gia thị trường. Tuy nhiên, cũng chính áp lực cạnh tranh từ AirAsia mà Malaysia Airlines đã cải tổ để trở thành hãng hàng không hoạt động hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, điều dễ nhận thấy rằng từ khi Pacific Airlines chuyển thành hàng không giá rẻ từ tháng 2-2007 và rồi đổi tên thành Jetstar Pacific vào tháng 5-2008, Vietnam Airlines đã áp dụng chính sách linh hoạt hơn, bán nhiều vé khuyến mãi hơn, và lượng khách đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam cũng đã tăng nhiều hơn.

Cụ thể là mới đây, Vietnam Airlines đã công bố “Chương trình khuyến mãi chào mùa hè” để chào bán vé với các mức giá từ 950.000 đồng (49 đô la Mỹ) đến 11.440.000 đồng (599 đô la Mỹ) cho các chuyến bay quốc tế đối với các vé xuất từ ngày 15-3 đến 25-3-2010.

Trong các năm qua, Vietnam Airlines cũng đầu tư mạnh vào hiện đại hóa đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh tốt hơn tại thị trường trong nước và trên các đường bay quốc tế. Hãng đang thực hiện kế hoạch để tham gia Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam và trở thành một trong các hãng hàng không hàng đầu khu vực.

Như vậy, việc đầu tư của AirAsia vào VietJet Air và giúp hãng hàng không này cất cánh sẽ khiến thị trường hàng không Việt Nam thêm sôi động, cạnh tranh hơn sau khi Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) ngừng bay vì khó khăn về tài chính. Và tất nhiên cạnh tranh sẽ giúp nhiều người tiêu dùng Việt Nam mua được nhiều vé rẻ hơn.

Trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào năm 2009, Tổng giám đốc của AirAsia Tony Fernandes khẳng định AirAsia sẽ không từ bỏ ý định tham gia thành lập hãng hàng không liên doanh tại Việt Nam để đáp ứng nhu chính cầu đi máy bay của người tiêu dùng Việt Nam và kích thích thị trường du lịch phát triển.

Ông Fernandes nói thêm cạnh tranh buộc các hãng hàng không phải có giá vé phù hợp và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này sẽ mang lại ích lợi cho chính người tiêu dùng và giúp thị trường hàng không phát triển.

Câu hỏi được đặt ra là liệu VietJet AirAsia và Jetstar Pacific có cạnh tranh trực tiếp với nhau hay không vì vào tháng 1-2010 AirAsia và Jetstar Airways (Úc) đã ký thỏa thuận hợp tác với mục đích giúp hai hãng hàng không cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.Thỏa thuận trên sẽ giúp AirAsia và Jetstar cùng tìm kiếm cơ hội mua loại máy bay tiết kiệm chi phí và chia sẻ thiết bị và dụng cụ máy bay; cùng nhau khai thác dịch vụ mặt đất tại các sân bay, dịch vụ kiểm tra và bảo dưỡng máy bay, và giúp nhau vận chuyển khách bị ảnh hưởng của các chuyến bay chậm, hủy của mỗi bên tại các sân bay thuộc mạng lưới đường bay của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới