Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thử thách ở Madagui

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thử thách ở Madagui

Lâm Văn Sơn (*)

Lưu niệm sau trận “chiến đấu” tại Rừng Madagui. Ảnh: Lâm Văn Sơn

(TBKTSG Online) – Nhằm khảo sát mô hình du lịch dã ngoại, các doanh nghiệp thuộc Mekong Group đã cùng nhau thực hiện một chuyến thử nghiệm thực tế và điểm đến được chọn lần này là khu du lịch Rừng Madagui.

Mekong Group (MKG) được hình thành từ nhu cầu liên kết giữa các công ty du lịch, các nhà kinh doanh lữ hành ở 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước đây.

Từ nửa đêm, nhóm thành viên đầu tiên xuất phát từ Cà Mau lần lượt qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Các đồng nghiệp từ An Giang, Kiên Giang cũng về Cần Thơ nhập đoàn rồi cùng qua phà, trên đường đi đoàn tiếp tục đón các bạn lữ hành ở Vình Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre và cuối cùng là Long An.

Con đường huyết mạch, quốc lộ 1A trở thành tuyến liên kết du lịch giữa các đơn vị lữ hành ở vùng ĐBSCL trong chuyến fam trip Madagui – Đà Lạt 3 ngày 2 đêm.

Dân lữ hành – những người thiết kế, tổ chức, điều hành tour, hướng dẫn viên… chuyên nghiệp phục vụ du khách – nay lại đặt mình vào vị trí “khách đi tour” từ khắp vùng ĐBSCL tụ hội về thì cứ như “rồng gặp mây”. Sau màn chào hỏi làm quen trên xe, không khí lập tức sôi động với các trò chơi tập thể trên suốt quãng đường đến khu du lịch rừng Madagui.

Nằm ngay cạnh quốc lộ 20, ở vị trí Km 152 (thị trấn Madagouil, huyện Da Huoai, tỉnh Lâm Đồng) khu du lịch Rừng Madagui (một phần của rừng quốc gia Nam Cát Tiên) với diện tích rộng khoảng 1.200 héc ta nằm trong vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao tăng dần từ 150m – 500m, với một hệ thống sông suối bao quanh và có nhiều hang động.

Thử thách đầu tiên của đoàn chúng tôi là chèo thuyền phao, vượt thác ghềnh. Sau khi thuyền phao đã được bơm căng cứng, đoàn chúng tôi chia thành 4 nhóm trên mỗi chuyến phao. Mỗi người được trang bị mũ bảo hiểm, áo phao và một mái chèo. Mỗi nhóm được chia đều thành hai hàng ngồi dọc bên phao. Chân bên trong phao được móc vào sàn phao.

Hoàn thành chặng vượt sông vất vả. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Khi hiệu lệnh bắt đầu, các nhóm thi nhau bơi thuyền ra giữa dòng suối để bước vào giai đoạn vượt thác ghềnh. Hơn 3km chèo chống của những tay ngang lần đầu cầm chèo, nhiều nhóm phải vướng vào đá, đụng mạnh vào ghềnh đá loay hoay mãi mới đưa được con thuyền phao ra giữa dòng để tiếp tục hành trình. Nhiều người phải đánh liều, nhảy xuống dòng nước chảy xiết hoặc cùng nhau lắc thuyền để kéo thuyền phao khỏi mặc cạn, vướng gai, vướng đá.

Buổi tối ở “Góc nướng Madagui” mang lại cảm giác cồn cào, nôn nao từ những món ăn mà chỉ nghe kể qua thôi đã thấy háo hức như heo nướng than hoa, ếch rừng nướng sả ớt, cá lăng nấu măng chua… Hơn thế nữa là những món ăn chế biến từ cá suối như cá lăng, cá leo, cá trèn, cá chạch… và những loại rau rừng như rau nhíp, đọt đủng đỉnh, hoa chuối rừng, mướp rừng, tàu u, măng rừng v.v…

Đêm lửa trại bắt đầu với những giai điệu của núi rừng ngân vang tiếng cồng chiêng có lúc rộn rã reo vui, lại có khi chùng xuống trong sâu thẳm núi rừng. Chúng tôi được tận hưởng không gian ấm cúng với lời ca tiếng hát hòa nhịp đám đông. “Đêm Trường Sơn chúng cháu nhìn trăng, nhìn mây,… càng về khuya,…”. Một cách tự nhiên, mỗi người chợt nhận ra sự gần gũi giữa các thành viên trong đoàn, một thứ tình cảm mà người ta thường gọi là “tinh thần đồng đội”.

Đoàn khảo sát tour Cảm giác Madagui đến từ các hãng lữ hành ĐBSCL. Tác giả ngồi hàng đầu, thứ ba từ trái sang.

Từ những trò chơi nhỏ trong buổi lửa trại cho đến những cuộc chơi lớn mang tính mạo hiểm, đầy thử thách đều hấp dẫn chúng tôi bởi những trải nghiệm bất ngờ mà cuộc sống hàng ngày chìm trong vòng quay của công việc, chúng ta đã đánh mất.

Những lúc này, chẳng ai còn bận tâm đến việc “vẽ” ra những chương trình khuyến mãi lôi kéo khách hàng, hoặc tìm cách tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành. Hầu như chúng tôi thực sự quan tâm hơn đến những điều thiết thực cần đem đến cho du khách, nhất là sự an toàn nghiêm ngặt nhất trong những tour mang ít nhiều tính chất mạo hiểm thế này.

Gần nửa đêm, chúng tôi vào nghỉ trong những ngôi nhà được đặt tên nghe rất dễ thương như Banana (chuối), Papaya (đu đủ), Guava (ổi), Carambola (khế), Sapodilla (hồng xiêm), Casava (củ sắn), Cherimoya (sơ-ri), Mango (xoài), Avocado (bơ), Pomelo (bưởi), Cainito (vú sữa).

Sáng hôm sau, chúng tôi bước vào hành trình khám phá Công viên Thần Núi, nơi có chiếc cầu treo bắc qua dòng sông Đạ Huoai, dẫn đến Mê cung Ắc Ó. Đây là một cuộc chơi nhằm tìm kiếm “cảm giác Madagui”, bắt đầu từ Thiên Phúc Sơn động, xuyên qua vườn Tre Sưu tập để đến hang Tử thần với độ sâu hơn 15 mét. Sau đó đi bộ xuyên qua Rừng Mưa nhiệt đới, để từ đây lại rong ruổi trên lưng những chú ngựa khỏe mạnh, tận hưởng những cảm giác lắc lư theo nhịp vó câu xông pha trận mạc.

Cuối cùng, hiện ra trước mắt chúng tôi là “trận địa” được bố trí sẵn. Chúng tôi được phát các món “quân trang” như nón chống đạn có kính, vải quấn cổ, vải bó tay, bó chân, áo chống đạn. Vũ khí là súng được trang bị khí oxy để tống đạn đi, đạn được làm từ bột mì, dầu ăn và màu sơn (không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe người chơi).

Nhóm tấn công trong cuộc chơi bắn súng sơn ở Rừng Madagui. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Đoàn được chia làm 2 nhóm: nhóm tấn công với số người nhiều hơn và nhóm trấn thủ với quân số ít hơn. Sau khi được hướng dẫn kỹ cách sử dụng vũ khí và chiến thuật, chúng tôi bầu chọn tiểu đoàn trưởng, rồi được hướng dẫn thực tập địa hình và chuẩn bị chiến đấu.

Cuộc chiến bắt đầu. Sau những hiệu lệnh xung phong của người chỉ huy, nhiều người lao lên tấn công và súng nổ liên hồi. Tuy chẳng đau đớn hay nguy hiểm gì khi trúng đạn nhưng nhiều đợt xung phong của phe tấn công cũng bị đẩy lùi trước làn đạn liên thanh của phe trấn thủ. Xen trong tiếng súng, nhiều tiếng hò reo “trúng rồi” hồ hởi… Nhiều người bị bắn vào trán, cổ, vai để lại dấu sơn, quầng tím, vừa cười vừa xuýt xoa. Cũng có một số người hết đạn hay sợ quá, đã giơ súng lên cao đầu hàng để bước ra khỏi cuộc chơi.

Một trận chiến đấu không có tổn thất với kết quả thắng – thua rõ rệt đã để lại ấn tượng mạnh trong ký ức của các “chiến sĩ” tham gia nhiều điều thú vị. Khi trở về cuộc sống đời thường, ai nấy vẫn nhắc lại, kể cho cho bạn bè, thân nhân với nhiều hào hứng, thú vị. Những chuyến dã ngoại giúp người ta có dịp gần gũi và yêu thiên nhiên hơn. Đó cũng là dịp để các thành viên trong gia đình hoặc một nhóm có chung sở thích vừa giải trí vừa tăng sự hiểu biết, thông cảm và gắn bó nhau hơn.

____________________________________________________________

(*) Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới