Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thử tìm hiểu tiếp về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thử tìm hiểu tiếp về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ

Lương Tuấn Anh (*)

LTS: Đêm 16-1-2021 theo giờ Việt Nam, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ra thông cáo về kết quả cuộc điều tra theo điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 liên quan đến chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam. Cuộc điều tra do USTR khởi động từ tháng 10-2020, song song với điều tra của Bộ Tài chính Mỹ – cơ quan đã xác định Việt Nam thao túng tiền tệ trong báo cáo ngày 16-12-2020.

Tuy USTR kết luận Việt Nam đã định giá thấp đồng tiền nhưng tin tích cực là Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer cho biết “USTR hiện không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến các kết luận trên”, tức là sẽ không có “biện pháp trừng phạt” nào được đưa ra ngay trong ngắn hạn. Như vậy, câu chuyện “Việt Nam thao túng tiền tệ” vẫn còn treo ở đó và vẫn cần phải hóa giải. TBKTSG xin giới thiệu thêm một góc nhìn nữa về câu chuyện này.

Thao túng tiền tệ là gì?

Ngày 16-12-2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Vậy thế nào là thao túng tiền tệ? Và điều kiện nào để một nước bị đưa vào danh sách này?

Theo mục 3004 của Đạo luật về Thương mại và Cạnh tranh năm 1988 (gọi tắt là Đạo luật 1988), Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát và báo cáo nửa năm một lần trước Quốc hội về các chính sách tiền tệ của các nước. Trong đó, quan trọng nhất là liệu một quốc gia có thao túng tiền tệ để “…tạo ra các lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường quốc tế”.

Theo đó, một quốc gia được coi là thao túng tiền tệ nếu trong 12 tháng vừa qua (1) có thặng dư mậu dịch với Mỹ vượt quá 20 tỉ đô la; (2) thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và (3) mua ròng ngoại tệ liên tục trong ít nhất sáu tháng với tổng giá trị vượt quá 2% GDP. Việt Nam và Thụy Sỹ là hai quốc gia bị đánh giá là vi phạm cả ba tiêu chí trên và chính thức bị cáo buộc là thao túng tiền tệ.

Liệu có đúng là Việt Nam đang thao túng tiền tệ?

Sự khác nhau về kết quả của hai mô hình mà IMF sử dụng (tiền đồng của Việt Nam bị kéo xuống khoảng 8,4% và được đánh giá là cao hơn so với dự đoán khoảng 15%) cho thấy không có cơ sở vững chắc để khẳng định tiền đồng của Việt Nam đã bị thao túng một cách bất hợp lý.

Trước hết, hãy xem xét liệu có đúng là tiền đồng bị kéo xuống mức thấp hơn bình thường để tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng?

Để trả lời câu hỏi này, hãy sử dụng đánh giá mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2018. Trong mô hình này, IMF đưa ra dự đoán về cân bằng đối ngoại (External Balance) của một quốc gia, rồi từ đó so sánh với giá trị được quan sát trên thực tế.

Khoảng cách giữa giá trị lý thuyết của mô hình và giá trị thực tế sẽ cho biết đồng tiền của quốc gia có bị chi phối một cách bất thường hay không. Theo mô hình này, IMF cho rằng giá trị của tiền đồng bị kéo xuống khoảng 8,4%, từ đó giúp cho hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn khi xuất ngoại.

Nhưng IMF cũng sử dụng một mô hình thay thế để tính toán tỷ giá hối đoái hiệu dụng (Real Effective Exchange Rates), dựa trên số liệu của các năm trước. Trong mô hình này, giá trị của tiền đồng lại được đánh giá là cao hơn so với dự đoán khoảng 15%. Sự khác nhau về kết quả của hai mô hình trên cho thấy không có cơ sở vững chắc để khẳng định tiền đồng đã bị thao túng một cách bất hợp lý.

Một bằng chứng nữa để cho thấy tiền đồng không bị định giá thấp là khi so sánh với các đồng tiền khác. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng của Việt Nam, sau khi đã điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát, được coi là khá ổn định. So với các đồng tiền của các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam, tiền đồng lại mạnh hơn khoảng 2% nếu so với đầu năm 2018.

Nếu chỉ tính trong năm 2020, tiền đồng tăng khoảng 0,2% so với đô la Mỹ. Để so sánh, đồng tiền của các nước đang phát triển đã sụt giảm đáng kể so với đô la Mỹ. Cụ thể, đồng peso của Argentina giảm 27%, đồng real của Brazil giảm 21% và đồng rúp của Nga giảm 16%.

Đánh giá các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ

Ở trên chúng ta đã thấy rằng không có đủ cơ sở khẳng định tiền đồng bị đánh giá thấp một cách bất hợp lý để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Vậy liệu các tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra có hợp lý không?

Thứ nhất là về tiêu chí cán cân thương mại Việt Nam và Mỹ. Đúng là thặng dư mậu dịch song phương có tăng theo hướng có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên tài khoản vãng lai của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thặng dư mậu dịch song phương với một quốc gia khác mà nó phụ thuộc vào thặng dư mậu dịch với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Lấy ví dụ cụ thể như một anh bán phở và một khách hàng thân thiết của quán. Điều chắc chắn là anh bán phở sẽ luôn có thặng dư và thặng dư này luôn tăng vì người khách hàng của quán chỉ có mua phở chứ không bán gì cho quán phở. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tài khoản của anh bán phở sẽ tăng đều đều. Là bởi vì để làm ra tô phở, anh ta phải mua bánh phở, thịt, rau và các nguồn phụ liệu từ những người khác. Như vậy anh ta sẽ có thặng dư với người này nhưng lại thâm hụt với người kia.

Trở lại vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ, thặng dư mậu dịch tăng giữa Việt Nam và Mỹ không nói lên điều gì đến tài khoản vãng lai của Việt Nam. Nó chỉ cho thấy một sự dịch chuyển trong xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể được lý giải bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Khi hàng hóa của Trung Quốc khó sang Mỹ vì cuộc chiến thương mại này, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để xuất sang Mỹ chứ không hẳn là vì tiền đồng bị đánh giá thấp.

Thứ hai, mặc dù tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2019 chiếm 3,4% GDP nhưng nó được dự đoán sẽ giảm xuống 1,2% GDP vào năm 2020. Và tiêu chí cuối cùng, mặc dù Việt Nam những năm vừa qua có gia tăng dự trữ ngoại tệ nhưng Việt Nam chỉ đứng thứ 27 về dự trữ ngoại tệ, thấp hơn cả các nước láng giềng như Malaysia (24), Philippines (23), Thái Lan (13) và Singapore (10).

Tác động của việc cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ?

Là một nền kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, các chính sách kinh tế của Việt Nam hầu như không có tác động đáng kể lên nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này. Nếu Việt Nam có thao túng tiền tệ như cáo buộc, tác động của nó lên nền kinh tế Mỹ chỉ là việc thay đổi nguồn cung cấp hàng hóa từ các nước khác sang Việt Nam.

Việc cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ sẽ không giải quyết được các vấn đề nội tại của nền kinh tế Mỹ. Nó chỉ dấy lên lo ngại về một làn sóng chiến tranh thương mại giữa các nước, khi Việt Nam có thể sẽ sử dụng một số biện pháp phòng vệ của mình.

(*) Giảng viên kinh tế, trường Đại học De Montfort (Vương quốc Anh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới