Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu tối thiểu 248.000 tỉ đồng từ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đặt mục tiêu nộp ngân sách Nhà nước (DNN) tối thiểu 248.000 tỉ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Tại Quyết định số 360 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN tới năm 2025, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh và lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Hoạt động này dự kiến mang về ngân sách Nhà nước ít nhất 248.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết số 23/2021 của Quốc hội khoá XV về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

VNPT và một số doanh nghiệp Nhà nước lớn như MobiFone, Argibank đều lỡ hẹn cổ phần hoá. Ảnh minh hoạ: H. Thắng.

Ngoài ra, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Đồng thời, xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN.

Bên cạnh đó, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ dự kiến triển khai 5 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án, Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước.

Thứ hai, kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh doanh nghiệp Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhà nước và giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, tăng cường chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiếp cận “mô hình quản trị tốt” theo thông lệ quốc tế.

Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao. Lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ.

Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử… tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản Nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Thứ năm, nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại doanh nghiệp Nhà nước.

Phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành doanh nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ này cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để thí điểm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới