Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thứ trưởng Bộ NN: Chăn nuôi ĐBSCL bị bỏ quên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thứ trưởng Bộ NN: Chăn nuôi ĐBSCL bị bỏ quên

Trung Chánh

Thứ trưởng Bộ NN: Chăn nuôi ĐBSCL bị bỏ quên
Ngành chăn nuôi ở ĐBSCL bị “bỏ quên”. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang bán heo cho thương lái. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tại hội nghị “Phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thừa nhận thời gian qua bộ này đã “bỏ quên” lĩnh vực chăn nuôi và tập trung quá nhiều nguồn lực cho lúa gạo, thủy sản.

Tại hội nghị được tổ chức ở thành phố Cần Thơ hôm nay, 1-6, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng khi nhắc đến thế mạnh của ĐBSCL, ai cũng nghĩ đến lúa gạo, thủy sản, chứ ít khi quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi.

Dẫn chứng cho điều mình nói, ông Tám cho rằng khi ĐBSCL bị hạn xâm nhập mặn, Bộ NNPTNT đã bàn những giải pháp ứng phó cho cây lúa và thủy sản từ rất sớm. “Nhưng với ngành chăn nuôi, đến bây giờ khi gần như đã chấm dứt hạn, mặn rồi chúng ta mới tổ chức hội nghị này, thì bản thân chúng tôi cũng thấy rằng có thiếu sót”, ông thừa nhận.

Theo ông Tám, việc chậm triển khai các giải pháp giúp ngành chăn nuôi ứng phó với hạn và xâm nhập mặn do lĩnh vực này ở ĐBSCL chưa được xem là thế mạnh. “Bây giờ, khi có hạn mặn như thế này, thì chúng ta mới tìm các giải pháp để bù lại thiệt hại cho lúa gạo, thủy sản và chúng ta mới giật mình thấy rằng chăn nuôi ở ĐBSCL đúng là cũng có rất nhiều lợi thế”, ông cho biết.

Đứng trước thực tế như vậy, ông Tám cho rằng cần phải thay đổi tư duy nhận thức, xem lĩnh vực chăn nuôi ở ĐBSCL cũng là một lợi thế giống như lúa gạo, thủy sản.

Tại hội nghị này, ông Tám cũng đã chính thức giao Cục Chăn nuôi và các địa phương trong vùng ĐBSCL phối hợp lập lập quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi trong điều kiện hạn và xâm nhập mặn. “Các lĩnh vực khác như thủy sản, lúa gạo, thủy lợi…, tất cả đều có quy hoạch hết rồi. Riêng chăn nuôi là chưa có quy hoạch, cho nên tôi đề nghị phải lập quy hoạch để xác định được tiềm năng, lợi thế và các giải pháp để phát triển”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Tám, trước khi lập quy hoạch, các địa phương cần xác định đối tượng nào có lợi thế về thị trường tiêu thụ, có khả năng thích ứng và phát triển trong điều kiện hạn và xâm nhập mặn.

“Ngoài những vật nuôi truyền thống như heo, gà…, một số đối tượng sau đây có thể phát triển được, đó là vịt biển; gia súc ăn cỏ như dê, thỏ, cừu…”, ông gợi ý.

Theo ông Tám, trên cơ sở có quy hoạch, Bộ NNPTNT sẽ đề xuất Chính phủ có sự điều chỉnh ngân sách phục vụ cũng như đề ra các giải pháp kỹ thuật để ngành chăn nuôi ở ĐBSCL phát triển thời gian tới.

Hạn mặn đã bớt gay gắt

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó vụ trưởng Vụ quản lý công trình thủy lợi thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), dẫn thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ trong tháng 5-2016 đã tăng lên so với trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%.

Theo ông Khanh, trong các tháng 6, 7 và 8 tới, tình hình mưa tiếp tục được cải thiện, nhưng lượng mưa vẫn còn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 15-30% và đến tháng 9 và 10 lượng mưa mới đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm 5-15%.

Ông Khanh cho biết do khu vực ĐBSCL đã chính thức vào mùa mưa và kết hợp lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về nhiều hơn, cho nên xâm nhập mặn trên các hệ thống sông trong vùng cũng đã giảm mạnh; nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân hiện đã được đảm bảo.

“Trong tuần đầu của tháng 6, xâm nhập mặn sẽ còn giảm nữa“, ông nói.

Cụ thể, Tổng cục Thủy lợi dự báo xâm nhập mặn ở một số khu vực chính trong vùng ĐBSCL như sau: khu vực sông Vàm Cỏ (vùng lận cận thành phố Tân An và huyện Bến Lức) có khả năng xuất hiện nước ngọt, nhất là vào thời điểm triều thấp; vùng cửa sông Cửu Long ở những nơi cách biển 20-30 km trở lên có khả năng xuất hiện nước ngọt thường xuyên hơn; khu vực ven biển Tây trên sông Cái Lớn cũng có khả năng xuất hiện nước ngọt thường xuyên…

Lượng mưa được cải thiện, trong khi đó, hạn và xâm nhập mặn giảm, cho nên tình hình xuống giống lúa vụ hè thu 2016 cũng đang được các địa phương trong vùng đẩy nhanh và đến ngày 26-5-2016, toàn vùng đã xuống giống được 1 triệu trong kế hoạch 1,6 triệu héc ta, theo Cục Trồng trọt.

Thông tin tại hội nghị cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương trong vùng ĐBSCL tổng cộng gần 250 tỉ đồng, trong đó, dành 138 tỉ đồng đồng cho các khoản điện, dầu, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục; 83,5 tỉ đồng cho các khoản mở rộng như đắp đập tạm, đào ao, giếng; vận chuyển nước sinh hoạt; sửa chữa khẩn cấp công trình, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới