Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Độc quyền không thể diễn ra”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Độc quyền không thể diễn ra”

Ngọc Lan thực hiện

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Độc quyền không thể diễn ra”
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh Bizlive

(TBKTSG Online) – Xung quanh việc bán, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang chào mời và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, TBKTSG có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về điều kiện và phương thức bán.

TBKTSG: Thưa ông, Bộ GTVT đã đưa ra một danh sách ban đầu các cảng hàng không, cảng biển để chuyển nhượng cho tư nhân nhằm thu hồi vốn đầu tư và dự kiến còn rất nhiều các cơ sở hạ tầng khác sẽ được bán. Có nên xem đây là quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước hay không?

– Ông Nguyễn Hồng Trường: Gọi đây là xã hội hóa thì đúng hơn. Nghị quyết 13/2012 của Ban Chấp hành trung ương Đảng yêu cầu huy động mọi nguồn lực xã hội, đảm bảo lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Vì thế việc chuyển giao quyền quản lý các cơ sở hạ tầng có điều kiện cụ thể là hiện thực hóa chủ trương đó. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm, không làm được hoặc không được phép làm.

Tôi muốn nhấn mạnh là việc chuyển giao này có điều kiện cụ thể, tuân theo những quy định có liên quan hiện hành chứ không chỉ bán, nhượng quyền là hết vai trò của Nhà nước tại đó.

TBKTSG: Điều mà nhiều người quan tâm nhất ở đây là vai trò điều tiết của Nhà nước tại các cơ sở hạ tầng sau khi bán, chuyển quyền sẽ như thế nào, thưa ông?

– Dù các cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của Nhà nước hay các thành phần kinh tế khác thì vai trò quản lý của Nhà nước không thay đổi. Vai trò của Nhà nước vẫn được duy trì bởi các luật chuyên ngành.

Ví dụ như chuyển nhượng cảng biển thì nhà đầu tư vào kinh doanh vẫn phải tuân thủ Bộ luật Hàng hải và các văn bản dưới luật có liên quan. Cơ quan được giao nhiệm vụ điều tiết, quản lý tại các cảng biển là cảng vụ hàng hải. Tàu ra, vào cảng thì cảng vụ cấp phép chứ không phải bên khai thác cảng cấp phép. Đối với hàng không thì phải tuân thủ theo Luật Hàng không, bất kể ai khai thác. Giá dịch vụ tại các cảng hàng không vẫn do Bộ GTVT quyết định. Như vậy, Nhà nước vẫn kiểm soát được hoạt động của nhà đầu tư chứ không phải chuyển giao tất cả các quyền mà luật pháp đã quy định.

Vai trò của Nhà nước ở đây còn là việc lựa chọn phương án: thứ nhất là chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng (Nhà nước giữ lại một số hạng mục tại các cơ sở hạ tầng như giữ lại đường lăn, sân đỗ, một số hạng mục an ninh quốc phòng tại các cảng hàng không) hoặc chuyển nhượng toàn bộ tài sản thông qua hình thức bán doanh nghiệp. Nhưng hình thức nào thì cũng chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành và Luật Đất đai. Nghĩa là vai trò quản lý của Nhà nước vẫn duy trì. Đúng hơn là Nhà nước chuyển qua điều tiết các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Vai trò điều tiết này sẽ dẫn đến nhiều cái được: Nhà nước thay vì trực tiếp vận hành, khai thác thì chuyển giao để tăng nhanh vòng quay thu hồi vốn đầu tư, tiếp tục đầu tư các dự án mới. Người dân sẽ được đa dạng hóa các nhà cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế độc quyền khai thác.

TBKTSG: Nhiều người e ngại sau khi bán/chuyển nhượng tài sản, từ độc quyền nhà nước sẽ chuyển qua độc quyền tư nhân. Bộ GTVT sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

– Độc quyền không thể diễn ra được vì Nhà nước vẫn kiểm soát, điều tiết các hoạt động khai thác, kiểm soát giá.

Không thể có chuyện hãng hàng không này mua nhà ga thì làm khó máy bay hãng kia cất/hạ cánh. Khi chuyển nhượng cảng hàng không thì Nhà nước vẫn nắm quyền quản lý, điều hành các hoạt động cung cấp dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, quản lý chất lượng khai thác dịch vụ. Nhà đầu tư có quyền đảm bảo vận hành khai thác cảng, kinh doanh các dịch vụ hàng không, phi hàng không… Trách nhiệm phân định rất rõ ràng.

Làm được việc này là chúng ta còn tách được vai trò quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu. Càng không nên e ngại việc chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân bởi sau chuyển giao thì quá trình giám sát của Nhà nước sẽ còn chặt chẽ hơn.

TBKTSG: Đến khi nào Bộ GTVT có câu trả lời chính thức cho các nhà đầu tư về việc này vì ngoài lĩnh vực hàng hải có nghị định về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng thì các lĩnh vực còn lại chưa có khung pháp lý?

– Điều kiện để bán các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác các cảng biển, sân bay thì thực hiện theo Nghị định 128/2014/NĐ-CP (ngày 31-12-2014) của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cho phép bán các đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty TNHH một thành viên, công ty thành viên thuộc diện bán bộ phận doanh nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt trong đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước..

Về chuyển quyền khai thác các cơ sở hạ tầng thì thực hiện theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó, việc chuyển quyền khai thác các dự án nhà nước đã đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện theo hình thức O&M (kinh doanh – quản lý). Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong thời hạn nhất định.

Các hình thức kinh doanh này đều được thực hiện trên nguyên tắc chung của Nghị định 128 là bán, chuyển giao có kế thừa công nợ hoặc bán thỏa thuận có kế thừa công nợ, sau mới đến các hình thức khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới