Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tục hành chính tại các địa phương còn gây phiền hà cho doanh nghiệp

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện nay việc giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương đã có cải thiện song vẫn còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, cần thêm nhiều nỗ lực cải cách.

Đó là một phần nhận xét từ Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI khảo sát và công bố ngày 27-4.

Công bố báo cáo PCI 2021 vào ngày 27-4

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết kết quả phân tích dữ liệu PCI nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, 87% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.

Kết quả điều tra PCI 2021 cũng cho thấy 57,3% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và 57% doanh nghiệp quan sát thấy việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Song, kết quả điều tra PCI vẫn cho thấy một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp. Thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất. Trong đó, cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ trở ngại khi tuân thủ thủ tục hành chính về thuế, phí và xây dựng trong năm 2021 cao hơn đáng kể so với năm 2020. Nguyên nhân có thể là do các cơ quan chính quyền phải tập trung để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên nguồn lực và năng lực bị phân tán trong thời gian dịch bệnh.

Cải cách điều kiện kinh doanh đã trở thành trọng tâm chính sách của Chính phủ liên tục từ năm 2018 trở lại đây. Dù có những bước tiến, nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính này.

Theo ông Tuấn, chỉ gần 39% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hơn 43% doanh nghiệp cho biết thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định. Chỉ có 39% doanh nghiệp ghi nhận chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Báo cáo PCI 2021 cho biết Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm.

Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Đồng Tháp với 70,53 điểm và Đà Nẵng với 70,42 điểm. Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2021 bao gồm Vĩnh Phúc với 69,69 điểm, Bình Dương với 69,61 điểm, Bắc Ninh với 69,45 điểm, Thừa Thiên-Huế với 69,24 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu với 69,03 điểm, và Hà Nội 68,60 điểm.

Đáng chú ý,  tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quay trở lại top 10 PCI sau 8 năm kể từ PCI 2013 (đứng vị trí thứ 2). Tương tự, kể từ sau PCI 2009 với vị trí thứ 8, đây mới là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu.

Lý giải về sự thành công của Quảng Ninh, ông Tuấn cho biết năm 2021 tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và tiếp cận tín dụng, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập từ sớm tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa của tỉnh để bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, cũng như bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động cung ứng.

Phát biểu tại lễ công bố PCI 2021, Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cải cách thể chế vẫn luôn là một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện song hành với các công cụ tài khóa và tiền tệ.

Ông Công cho biết, khảo sát PCI 2021 thu thập được phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới