Thủ tục khuyến mại: Còn lâu mới đơn giản
Ngọc Lan
(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương được Chính phủ biểu dương năm 2017 là bộ dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính với việc cắt giảm, đơn giản hóa 675 thủ tục hành chính các loại. Đợt cắt giảm này tiếp tục kéo dài sang năm 2018.
Tuy nhiên, tại một số Nghị định của Chính phủ mới được sửa đổi mà bộ này tham mưu thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính hóa ra lại khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.
![]() |
Các nhà sản xuất bia, đồ uống, sữa… sẽ phải giải quyết như thế nào các thủ tục hành chính cho mỗi đợt khuyến mại? Ảnh:TL |
Tại nghị định 81/2018 của Chính phủ mới ban hành cuối tháng 5 vừa qua quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (gọi tắt là quy định về khuyến mại), có quy định về thông báo hoạt động khuyến mại (điều 17).
So với trước kia, các hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp thoạt nhìn quy định thì thấy rất đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo trước 3 ngày (chứ không phải xin phép) Sở Công Thương các địa phương thực hiện. Doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản thông báo nội dung đợt khuyến mại theo mẫu văn bản có sẵn. Ngoài ra còn có quy định trong trường hợp nhiều thương nhân cùng phối hợp thực hiện chương trình khuyến mại thì phải nêu rõ tên các thương nhân cùng thực hiện, nội dung tham gia, trách nhiệm cụ thể…
Nếu như chỉ quy định như thế thì đúng là một bước tiến dài về cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp mỗi khi tiến hành các chương trình quảng cáo, khuyến mại.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì sự thật không đơn giản như thế nếu đọc rất kỹ và làm đúng theo hướng dẫn tại các phụ lục cũng đi kèm luôn trong nghị định này.
Hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại theo phụ lục 1 ngoài nêu tên các thương nhân cùng thực hiện đợt khuyến mại và các nội dung đã nêu trên còn phải gửi kèm các văn bản thỏa thuận/hợp đồng. Nghĩa là có bao nhiêu doanh nghiệp, đầu mối tham gia khuyến mại, kể cả hàng trăm đầu mối tại các tỉnh thành thì phải gửi kèm chừng đó hợp đồng/thỏa thuận về cho cơ quan quản lý.
Còn tại phụ lục 02 đăng ký thực hiện khuyến mại yêu cầu doanh nghiệp đồng thời “phải báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại, lưu trữ và chịu trách nhiệm về các chứng từ, tài liệu liên quan đến báo cáo theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất bia đặt câu hỏi rằng doanh nghiệp của ông có 200 đại lý cùng tham gia đợt khuyến mại trên cả nước. Ngoài việc nộp các hợp đồng, thỏa thuận tham gia đợt khuyến mại của doanh nghiệp với đại lý, theo phụ lục 02 thì ông còn phải báo cáo kết quả khuyến mại cho cơ quan quản lý. Nếu chiểu theo quy định sẽ phải gửi kèm từng cái biên bản trúng thưởng.
Như vậy hàng trăm ngàn cái biên bản hoặc xác nhận trúng thưởng sẽ phải lưu giữ hoặc nộp lại rất gây phiền phức cho doanh nghiệp. Trong khi đây là việc quản trị nội bộ của doanh nghiệp và họ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về kết quả đợt khuyến mại trong trường hợp gây tranh cãi là đủ.
Kiểu như dán nhãn năng lượng mới bỏ năm 2017 tại các sản phẩm năng lượng nhập khẩu, không dán không xong mà không người mua nào thèm ngó tới. |
Còn về phía cơ quan quản lý, lấy ví dụ một địa phương năm ngoái có hơn 32 ngàn hồ sơ đăng ký các chương trình khuyến mại. Số lượng như thế không đủ thời gian để đọc. Nay thêm hàng tấn hồ sơ, phụ lục và biên bản đi kèm thì phát sinh thêm hàng loạt những hệ lụy không cần thiết khác cho cơ quan nhà nước, lại chẳng giải quyết được vấn đề gì. Kiểu như dán nhãn năng lượng mới bỏ năm 2017 tại các sản phẩm năng lượng nhập khẩu, không dán không xong mà không người mua nào thèm ngó tới.
Cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh luôn là cái đích cuối cùng mà Chính phủ kiến tạo hướng tới. Nên việc bỏ những điều kiện này mà “cài cắm” điều kiện một cách khéo léo trong các văn bản quy định dưới các hình thức khác nhau, nhất thiết phải được xem lại một lần nữa.
Mời xem thêm: