Thứ Bảy, 10/06/2023, 03:25
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thủ tướng Chính phủ: Đầu tư phải bám vào ngành chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng Chính phủ: Đầu tư phải bám vào ngành chính

Lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội trao đổi về biện pháp chống lạm phát – Ảnh: Việt Trần

(TBKTSG Online) – “Ngày 7-4 tới, tại lễ khởi công nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn (Hà Tĩnh), tôi yêu cầu chỉ khởi công trang trọng, không rườm rà, không ăn uống”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở đầu Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về kiềm chế lạm phát bằng câu chuyện cụ thể.

 Hơn 100 đại biểu là các chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty 90, 91 của Nhà nước đã có mặt đầy đủ tại Hà Nội ngày 1-4 theo lệnh triệu tập của Chính phủ mà Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà gọi là “Hội nghị Diên Hồng” chống lạm phát.

Đầu tư phải bám vào ngành nghề chính

Trong nền kinh tế hiện tại, gần 1.300 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn và nhỏ chiếm 40% đóng góp GDP do giữ vai trò chủ chốt của nền kinh tế và nắm “yết hầu” các ngành tạo ra giá trị công nghiệp chủ chốt.

“Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước chiếm 60% lượng vay nợ tín dụng hiện tại ở các ngân hàng quốc doanh và chiếm 70% dư nợ nước ngoài của Việt Nam trong khi chỉ đóng góp 40% vào GDP. Trong tình hình chống lạm phát, các DNNN phải là lực lượng chủ lực, tham gia 8 giải pháp ổn định nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Việc được Thủ tướng nhắc đến mà các DNNN quan tâm đặc biệt là Bộ Tài chính sẽ ban hành văn bản yêu cầu rà soát danh mục đầu tư với tiêu chí “đầu tư ngoài lĩnh vực chính không quá 30%”. Theo một thống kê sơ bộ được chính Thủ tướng Dũng đề cập là con số này ở các DNNN hiện đang ở mức 37%.

“Đầu tư phải bám vào ngành nghề chính. Các dự án nào sắp hoàn thành thì đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng, tạo ra hàng hóa. Đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng không dễ thu lợi nhuận mà thậm chí có thể “chết”, Thủ tướng cảnh báo và cho biết thêm rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước muốn tham gia ngân hàng thì vốn góp vẫn tiếp tục bị khống chế ở mức 15%, muốn thêm 5% vốn góp phải có ý kiến của Thủ tướng vì Chính phủ không chấp nhận lượng vốn góp quá mức này để các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm quyền chi phối ngân hàng. 

Về chủ trương rà soát và siết lại hạn mức đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng đồng thuận. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro VN) Đinh La Thăng cho rằng đó là một biện pháp sốc. Ông Thăng đồng ý với chủ trương chống lạm phát nhưng cho rằng con số 30% hay 70% không nói lên điều gì cụ thể: “Nếu các tập đoàn, DNNN kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành có chiếm đến 40% hay 50% nhưng lợi nhuận họ thu được tốt thì không thể bắt họ rút về, có thể gây đổ vỡ doanh nghiệp”.

Ông Thăng công bố con số 7% đầu tư ngoài ngành mà Petro VN đang thực hiện ở các dự án khác nhau và cho rằng phải thành lập một đoàn cấp Chính phủ rà soát danh mục đầu tư ở từng tập đoàn, tổng công ty rồi xem xét cho triển khai tiếp hay không. Theo ông, nếu chỉ đạo chung chung sẽ không mang lại hiệu quả gì, trừ những con số đẹp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hội ý để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn với các tập đoàn kinh tế nhà nước – Ảnh: Việt Trần

Cho rằng ba bộ, ngành tối quan trọng là Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cũng kêu gọi Chính phủ thành lập ủy ban lâm thời để điều phối việc phối hợp giữa ba cơ quan này. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định luôn rằng: Chính phủ hiện đã có quá nhiều ủy ban và sẽ không thành lập thêm ủy ban như vậy nữa. Việc điều phối công việc giữa ba bộ sẽ cần làm tốt hơn trong cuộc họp giao ban hàng tuần giữa các bộ, ngành của Chính phủ.

Không tăng giá các mặt hàng chiến lược

“Kêu” nhiều nhất tại Hội nghị là các tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Điện lực Việt Nam, Hiệp hội xi măng và thép. Đây là những ngành sản xuất đầu vào chủ chốt của ngành kinh tế mà mỗi sự thay đổi của nó đều tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng. Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá than, điện, xi măng, và bình ổn giá thép từ nay đến tháng 6.

Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển yêu cầu cho phép các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đấu thầu hoặc không đấu thầu để đẩy mạnh tiến độ các dự án cần thiết, bởi nếu chờ áp dụng các quy định, tất cả hợp đồng sẽ không thực hiện được vì giá cả thị trường luôn luôn bị điều chỉnh. “Nếu muốn biến nguy thành cơ, chống lạm phát thậm chí phải có những cơ chế mở trái với quy định hiện hành. Nhưng làm như vậy doanh nghiệp rất dễ vướng vào vòng lao lý”, ông nói.

Ông Kiển dẫn ra ví dụ hồi chống lạm phát những năm 1997, Tổng công ty than Việt Nam đã “làm trái quy định”, mua tắt được 70 xe ô tô chuyên dụng cho ngành với giá 28.000 đô la Mỹ (so với giá thị trường là 43.000 đô la), tiết kiệm cho ngân sách 2 triệu đô la mà không qua đấu thầu. “Cơ chế mạo hiểm” này nhận được sự đồng tình của các DNNN khác.

Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam Đậu Văn Hưng kêu gọi các chủ đầu tư đến thẳng tổng công ty mua thép để được giá tốt nhất (thấp hơn giá thị trường từ 100 ngàn đến 200 ngàn/tấn). Nhân đó, ông Hưng cũng kêu gọi sự ủng hộ thành lập Tập đoàn thép Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết ngoài ngành.

Ngay cả các tập đoàn, DNNN lớn như điện lực, thép, xi măng đều bày tỏ sự đồng thuận về việc không tăng giá than như dự kiến để đảm bảo đầu vào của các ngành sản xuất khác được ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Không thể đổ lỗ từ ngành nọ qua ngành kia trong thời điểm này vì tăng giá ngành này đồng nghĩa với việc làm lỗ qua ngành kia”. 

Lo ngại từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp

Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV còn hướng sự quan tâm của Chính phủ đến một vấn đề rất nóng: sự rút lui của các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang gây áp lực lên nền kinh tế.

Các định chế tài chính toàn cầu cắt giảm hạn mức đầu tư ở các nước khi cảm thấy mức độ rủi ro gia tăng. “Việc các quỹ đầu cơ “hedge fund” rút tiền về để giải quyết các khoản lỗ có thể gây nên những cú sốc nếu Ngân hàng Nhà nước không chuẩn bị đầy đủ, dù việc họ rút ra khỏi nền kinh tế không phải là trách nhiệm của ngân hàng”, ông Hà nói.

Tân chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy nói bên lề hội nghị rằng, đúng ra phải kiểm soát nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam từ một năm trước đây, bởi tính ảnh hưởng dây chuyền của nguồn vốn này đến thị trường tài chính. Hơn thế nữa, nền kinh tế Việt Nam chưa được chuẩn bị và chưa có năng lực vững vàng để chống lại các cuộc khủng hoảng, trong khi thị trường quốc tế có những diễn biến bất lợi khó lường thì chỉ các tập đoàn, DNNN chống lạm phát sẽ là không đầy đủ nếu đặt bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn lớn khác.

NGỌC LAN – Video: VTV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới