Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: Địa phương không được quy định phòng, chống dịch trái với trung ương

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương không được có các quy định trái với quy định chung khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128.

Yêu cầu này được Thủ tướng nêu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch thứ 4 diễn ra sáng 17-10.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 128 của Chính phủ với các quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để thực hiện quy định này mới ban hành cách đây ít ngày.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay do Thủ tướng chủ trì. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân. Vì vậy, ông quán triệt tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Theo đó, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của trung ương trong phòng, chống dịch. Nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.

Về những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch, báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) cho biết công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động.

“Việc chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi, bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, việc ban hành văn bản còn chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhưng khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện việc ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng.

Ngoài ra, có một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết một số nơi, một số cấp còn lúng túng, thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ do bị tác động từ nhiều nguồn thông tin.

Đặc biệt, sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán. Có địa phương chấp hành chưa nghiêm các chỉ đạo của trung ương.

Về tình hình dịch bệnh, đợt dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 5 tháng nhưng tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, theo Ban Chỉ đạo. Cụ thể, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nhưng vẫn ở mức cao.

Một số tỉnh, thành phố vẫn có các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Về tác động của đợt dịch thứ 4, Ban chỉ đạo cho biết dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng thời, tạo ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Điều này, theo Ban Chỉ đạo, khiến GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng giai đoạn năm trước, còn GDP quí 3-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quí 3-2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%. Đây là mức cao nhất tính từ quí 1-2020 đến nay.

Đáng lưu ý, có 560.000 người đã mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất – kinh doanh, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

1 BÌNH LUẬN

  1. Khó khăn nhất trong hoạt động điều hành là làm sao giữ vững được tính thống nhất trong sự đa dạng. Điều này chỉ có thể phát huy hiệu quả thông qua phân cấp và phân quyền hợp pháp và hợp lý. Người điều hành cao nhất ở địa phương có trách nhiệm cao nhất, trước hết là chỉ tuân thủ những gì mà luật pháp cho phép, sao đó chỉ làm những gì mà đa số người dân ủng hộ. Họ không sợ cách chức, từ chức, chỉ trích… mà chỉ sợ mất uy tín chính trị của chính bản thân mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới