Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: Đối thoại 2045 và 8 chữ G trong phát triển ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng: Đối thoại 2045 và 8 chữ G trong phát triển ĐBSCL

Trung Chánh

(KTSG Online) – Sau ba năm thực hiện, Nghị quyết 120 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, từ thực tiễn cho thấy, cần bổ sung thêm những nội dung quan trọng vào nghị quyết để đưa vùng này phát triển bền vững, toàn diện, bao gồm tám nội dung bắt đầu bằng chữ G: “giao, giáo, giang, gắn, giàu, giỏi, già và giới”.  

Ba năm thực hiện nghị quyết 'thuận thiên': chuyển biến song hành cùng thách thức

 

Thủ tướng: Đối thoại 2045 và 8 chữ G trong phát triển ĐBSCL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì "Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu". Ảnh: TTXVN

“Đối thoại 2045” cho ĐBSCL

Phát biểu kết luận "Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” được tổ chức vào hôm nay, 13-3, ở TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định: “ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đã được nhấn mạnh từ lâu, không ai có thể phủ nhận hay xem nhẹ”.

Cụ thể, ĐBSCL với 13 địa phương, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, nhưng đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 55% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, 60% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây của cả nước.

Đối với thế giới, Thủ tướng dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, ĐBSCL là vựa lúa, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thương mại gạo toàn cầu, góp phần đảm bảo lương thực ở châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh.

Từ tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã dành các nguồn lực triển khai nhiều giải pháp để phát huy tìm năng, lợi thế nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh khu vực này đang và sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ cũng trên tinh thần ấy, tức những chính sách, giải pháp và hành động của Chính phủ không đơn thuần chỉ là phát triển kinh tế, mà còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với người dân miền Tây. “Những hạt gạo, con cá chúng ta ăn hàng ngày phần nhiều được “lắng đọng” từ những giọt phù sa và qua bàn tay lao động cần mẫn của người Đồng bằng”, Thủ tướng nói.

Ông dẫn ra câu chuyện Chính phủ vừa tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm chính sách, giải pháp đột phá để hiện thực hoá khát vọng đưa Việt Nam thành nước phát triển. “Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc đối thoại như vậy ở vùng đất “chín rồng” để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị về Nghị quyết 120 lần trước đã từng đưa ra 3 vấn đề, đó là muốn giữ được ĐBSCL, thì phải giữ được "người, đất và nước". “Hôm nay, tôi nói lại văn kiện của ĐBSCL, đó là chúng ta phải coi nhân tài là nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định trong chiến lược ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh và nói rằng, tài lực và vật lực là quan trọng, nhưng quyết định nhất vẫn là nhân lực, tức là con người đóng góp chất xám, trí tuệ.

Thông qua việc tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” ở ĐBSCL, Chính phủ muốn gặp gỡ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đội ngũ doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đang đầu tư ở ĐBSCL để tìm ra giải pháp cho người dân Đồng bằng phát triển nhanh và bền vững hơn.

Bổ sung 8 chữ G trong phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long

Từ những báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học…, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra tám nội dung mới và giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung để giúp vùng này phát triển bền vững, toàn diện.

Chữ “G” đầu tiên được Thủ tướng nêu ra, đó đó là “giao”, tức dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL. Đặc biệt, là hệ thống đường cao tốc tạo sự kết nối thuận tiện với chi phí thấp, thúc đẩy giao thông, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu. “Giao thông hạ tầng hay giao thông thuỷ lợi là chữ G đầu tiên”, Thủ tướng nói.

Chữ “G” thứ hai là “giáo”, tức là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục là "chìa khoá vàng" của phát triển bền vững. “Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho phát triển ngắn lẫn dài hạn”, Thủ tướng cho biết và nói rằng, hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô típ “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.

Cụ thể, giáo dục thứ nhất, đó là giáo dục cơ bản, tức đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em phải được học hết bậc học phổ thông, không được phép để trẻ em nghỉ học vì thiếu điều kiện tài chính.

Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, tức đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản và giáo dục thứ ba, là giáo dục trình độ cao, bao gồm cả quản lý cao cấp, tức là cơ sở để chuyển đổi lên bậc cao hơn về năng suất và thu nhập, bắt kịp nhóm thu hoạch cao của cả nước.

Chữ “G” thứ ba là “giang”, tức là sông. “ĐBSCL là vùng sông nước, tức kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông, cho nên, chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế và phát huy được vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp như: lúa gạo, trái cây, thuỷ sản và giao thông, đặc biệt là logistics đường sông, thì mới thành công, mới có văn hoá của miền Tây”, Thủ tướng cho biết.

Chữ “G” thứ 4 là “gắn”, tức gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt, là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Nhắc lại câu “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng cho rằng, chiến lược phát triển thích ứng biến đổi khí hậu là chiến lược dài hạn và nhiều thách thức, vượt trên phạm vi, chức năng và khả năng của bất kỳ một địa phương nào, cho nên, chiến lược đó cần gắn kết, hợp tác để cùng chia sẻ cơ hội, đóng góp nguồn lực để cùng vượt qua thách thức, nắm lấy cơ hội.

Chữ “G” thứ 5 là “giàu”, tức phải thu hút được người giàu, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư để có nguồn lực phát triển ĐBSCL. “Muốn vậy, cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương”, Thủ tướng gợi ý.

Chữ “G” thứ sáu là “giỏi”, tức phải thu hút tài năng đến đóng góp chất xám, trí tuệ cho phat triển của ĐBSCL. “Muốn vậy, cần có chính sách chung để thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của ĐBSCL”, Thủ tướng cho biết và nói rằng, việc thu hút người giỏi vẫn chưa được đề cập ở nghị quyết 120 là một thiếu sót trong nghị quyết này.

Chữ “G” thứ 7 là “già”, tức là già hoá dân số và chính sách an sinh xã hội. “ĐBSCL có mức độ già hoá dân số cao hơn bình quân cả nước, đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Do đó, vùng cần có chính sách chủ động cho việc dân số già hoá và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để tạo phúc lợi xã hội cho người già và người yếu thế”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh: “Sau 3 năm triển khai nghị quyết 120, chúng ta thấy vấn đề già hoá dân số nổi lên, nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong nghị quyết 120, cần được bổ sung hoàn thiện”.

Chữ “G” cuối cùng là giới, tức phải thúc đẩy bình đăng giới, tạo cơ hội tiếp cận việc làm, phát huy vai trò vị trí của người phụ nữ. “Sự phát triển khoa học công nghệ ở một phương diện nào đó như: tự động hoá đang đe doạ trực tiếp đến cơ hội việc làm của phụ nữ, cho nên, cần có chiến lược đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm, nhất là ngành nghề theo xu hướng 4.0”,

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và đề nghị, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung những nội dung này vào nghị quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới