Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng kêu gọi chặn đà suy giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng kêu gọi chặn đà suy giảm

Các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước thảo luận các biện pháp kích cầu – Ảnh: Việt Trần

(TBKTSG Online) – Điều quan trọng nhất là tiếp tục tạo sự đồng thuận, gỡ bỏ rào cản để cùng chặn đà suy giảm, Thủ tướng đã nêu rõ thông điệp trên trong buổi làm việc với tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 16-12.

Khác với cuộc triệu tập cũng của Chính phủ hồi tháng 4 năm nay với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về vấn đề chống lạm phát, cuộc gặp tương tự tại Hà Nội hôm 16-12 đặt ra vấn đề ngược lại: chặn đà suy giảm.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc băn khoăn là sẽ có hàng “núi” việc liên quan đến quá trình sửa các luật về đầu tư, đấu thầu và các văn bản khác để cho quá trình kích cầu được khai thông.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng, thực tế gói kích cầu trị giá 1 tỉ đô la Mỹ chỉ là nguồn vốn “mồi”. Còn nếu tính rộng hơn, cả các biện pháp hỗ trợ vốn từ ngân hàng, cắt giảm thuế, giãn thuế cho doanh nghiệp và nhiều hình thức bơm vốn vào lưu thông sản xuất, tiêu dùng thì gói này có thể lên đến chừng 6 tỉ đô la Mỹ như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tạm tính trước đó trong cuộc gặp với các doanh nghiệp trẻ tại Hà Nội cách đây vài ngày.

Thủ tướng lưu ý thêm rằng, nếu không có hàng loạt các biện pháp tháo gỡ cơ chế qua việc sửa luật đầu tư, luật đấu thầu thì số tiền kích cầu vốn đã không nhiều, lại chậm được đưa vào lưu thông, sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì. “Kích cầu đầu tư vào hạ tầng mà hai năm mới thực hiện thì không còn giá trị gì”, Thủ tướng nói và gợi ý về các hình thức linh hoạt khác trong đầu tư, đấu thầu, ngoài hình thức chỉ định thầu.

Ngoài vấn đề sửa luật, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà nói rằng, trong 4 biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, phải chọn lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên vì nguồn vốn ngân sách, bất kể từ nguồn nào, đều không phải là nhiều. “Nếu không các định chế tài chính sẽ mất phương hướng về thứ tự ưu tiên”, ông Hà nói và đề nghị Chính phủ nhanh chóng có thời hạn cụ thể, triển khai các giải pháp, rút kinh nghiệm việc điều hàng 8 nhóm giải pháp thời gian trước còn một số điều chưa ăn khớp, lúng túng giữa các bộ, ngành, ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh về việc Chính phủ luôn chú ý nâng cao hỗ trợ đời sống cho 61 huyện nghèo nhất trong cả nước thông qua một số biện pháp trong 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ mới ban hành ở Nghị quyết số 30 về việc chặn đà suy giảm kinh tế.

Theo đó, hàng loạt các công trình đầu tư vào trường học, nhà công vụ cho giáo viên, các công trình cấp thiết dưới 5 tỉ đồng được phân cấp mạnh cho các chủ đầu tư để đẩy mạnh quá trình đưa vào sử dụng công trình, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Biện pháp cụ thể mà ông Hà đề xuất là thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu, chống bán phá giá dưới tên gọi: “Gói vốn xúc tiến xuất khẩu năm 2009-2010”, lấy từ ba nguồn chính là tồn ngân kho bạc (theo ông Hà là từ 17.000 đến 20.000 tỉ đồng). Ngân hàng nhà nước có thể sử dụng nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại và nguồn từ chính các ngân hàng thương mại, cho doanh nghiệp xuất khẩu vay với lãi suất tối đa là 67,5%/năm. Số vốn kích cầu lãi suất thấp được khấu trừ vào phần hạch toán chi phí, thu nhập doanh nghiệp.

Ông cũng đề nghị hướng đến việc không nên quá chú trọng vào thuế trực thu mà có định hướng điều tiết sản xuất lâu dài thông qua nhiều công cụ khác nữa.

Người đứng đầu BIDV cũng đề xuất các tập đoàn, tổng công ty có thể đóng góp khoảng 4.000 tỉ đồng cho chương trình an sinh xã hội của Chính phủ. Theo đó, mỗi tập đoàn góp từ 120 đến 150 tỉ đồng, các tổng công ty chừng 40 tỉ đồng, mỗi ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng quốc doanh cũng góp khoảng 120 tỉ đồng để giúp đỡ 61 huyện nghèo, xóa nhà tạm, nhà tranh, nhà lá.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ ưu tiên hàng đầu là phát cho mỗi người dân ở 61 huyện nghèo nhất nước mỗi người 1 triệu đồng để ăn Tết như một số quốc gia khác đã áp dụng. ”Đó cũng là một biện pháp kích cầu, để người dân có tiền sắm Tết mà ngành dệt may cũng bán được hàng”, ông gợi ý.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm mà những người đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước còn tranh cãi, ví như ông Hà và ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì đề nghị sớm cởi bỏ cơ chế, tăng lương cho người lao động để đẩy mạnh chi tiêu. Trong khi đó, ông Ân thì đề nghị hoãn tăng lương tối thiếu từ ngày 1-1-2009 sang giữa năm vì đây là biện pháp tăng chi phí, áp lực đầu vào cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một điều mà tất cả các vị này đồng thuận là cam kết với Chính phủ, không để một người lao động nào mất việc, dù thực trạng hiện nay là rất khó khăn, đặc biệt với những ngành dệt may, lắp máy và xây dựng.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới