Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: Không để giấy phép con cản trở kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng: Không để giấy phép con cản trở kinh doanh

Tư Hoàng

Thủ tướng: Không để giấy phép con cản trở kinh doanh
Cuộc họp Chính phủ đầu tiên dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bàn về việc thi hành Luật DN, Luật ĐT. Ảnh VPCP cung cấp

(TBKTSG Online) – Sáng 25-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Tại cuộc họp, Thủ tướng đề cao tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh.

"Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh", ông nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng lưu ý tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển”, ông Phúc nói. “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì hai luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian, không để khoảng trống pháp lý”.

Thủ tướng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật trên theo quy trình rút gọn (dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước ngày 1-7-2016; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho doanh nghiệp.

Nhiều rào cản khó gỡ bỏ

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế còn không ít vướng mắc, phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, như sự không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư và một số văn bản luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

Theo thống kê của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, hiện còn có khoảng hơn 6.000 điều kiện kinh doanh “cài cắm” trong các văn bản dưới luật.

Kể từ 1-7 tới, những điều kiện kinh doanh không được nâng cấp thành Nghị định do Chính phủ ban hành thì sẽ phải bị vô hiệu hoá. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn.

Trong báo cáo gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mà TBKTSG Online tiếp cận được, nhiều hiệp hội doanh nghiệp địa phương đã phàn nàn về việc thực hiện hai luật doanh nghiệp và đầu tư.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phàn nàn về cấp Giấy phép đầu tư. Theo thủ tục cũ, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy phép đầu tư, trong đó có cả phần Đăng ký kinh doanh. Sau khi có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì phát sinh việc phải đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch và đầu tư; sau đó mới đến Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy phép đầu tư. Khi đầu tư thêm hay mở rộng nhà máy đều phải làm như vậy.

Hiệp hội cho rằng quy trình này đẻ ra thêm nhiều cửa, mất thời gian cho doanh nghiệp. “Rất nhiều doanh nghiệp FDI đã đề nghị sửa đổi về điểm này của Luật Doanh nghiệp”, báo cáo của hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc cho biết.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang phàn nàn hồ sơ thủ tục đầu tư thông qua các cơ quan quản lý nhà nước xử lý còn chậm. Sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai, thì các hồ sơ thủ tục để chuẩn bị xây dựng như Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Phòng cháy chữa cháy, Giấy phép xây dựng… phải mất thời gian trên 4 tháng, làm mất thời cơ của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới