Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Singapore: “Hãy phá vòng lẩn quẩn” ở biển Đông!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng Singapore: “Hãy phá vòng lẩn quẩn” ở biển Đông!

Thái Bình

Thủ tướng Singapore:
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đọc diễn văn khai mạc Shangri-La Dialogue 2015 tối ngày 29/5/2015. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Hội nghị thường niên Diễn đàn an ninh châu Á-Thái Bình Dương 2015, còn gọi là Đối thoại Shangri-La 2015, đã chính thức khai mạc tối 29-5. Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long đã đọc diễn văn khai mạc, trong đó ông nhấn mạnh đến nhu cầu phải thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn trong vấn đề biển Đông.

Thủ tướng Lý nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và ASEAN đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông càng sớm càng tốt và việc đó sẽ phá vỡ “vòng lẩn quẩn”, không để cho những tranh chấp lãnh thổ làm xấu đi quan hệ giữa các nước.

Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam là những quốc gia và vùng lãnh thổ chính có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và ông Lý cho rằng, các bên sẽ đạt kết quả tốt nhất khi tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế. Các nước không tuyên bố chủ quyền như Singapore, dù không đứng về phía nào, cũng có phần quyền lợi và nghĩa vụ trong các vụ tranh chấp hàng hải và cách thức xử lý các tranh chấp đó.

"Ngay cả khi chúng ta tránh né một cuộc xung đột, nếu như kết quả được quyết định trên căn bản kẻ mạnh luôn đúng thì điều đó cũng tạo ra một tiền lệ xấu".

Thủ tướng Lý Hiển Long

“Nếu một cuộc va chạm vật chất (physical clash) xảy ra, sau đó leo thang thành căng thẳng lớn hoặc xung đột, dù vô tình hay cố ý, thì sẽ là điều rất tồi tệ. Nhưng ngay cả khi chúng ta tránh né một cuộc xung đột, nếu như kết quả được quyết định trên căn bản kẻ mạnh luôn đúng thì điều đó cũng tạo ra một tiền lệ xấu.” Thủ tướng Lý nói.  “Nó có thể không dẫn ngay tới một cuộc xung đột nóng nhưng là một tình huống không vui vẻ gì và không bền vững bởi vì về lâu về dài một trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì chỉ bằng sức mạnh mà đòi hỏi có sự đồng thuận và tính chính danh trong cộng đồng quốc tế, cùng với một sự cân bằng sức mạnh”.

Về tình hình khu vực, ông Lý Hiển Long cho rằng, bối cảnh chiến lược hôm nay rất khác với thời Singapore lập quốc 50 năm về trước, hiện Mỹ và Trung Quốc là hai “tay chơi” chính ở châu Á. “Quan hệ Trung-Mỹ về cơ bản khác hẳn quan hệ Mỹ-Xô viết thời trước và không phải là cuộc chơi ‘được ăn cả, ngã về không’. Có những yếu tố cạnh tranh nhưng cũng có nhiều mối quan hệ ràng buộc phụ thuộc lẫn nhau, nhiều cơ hội đôi bên cùng có lợi”, ông Lý nhận xét và cho biết: “Tất cả các nước Á châu hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ có tính tích cực; không nước nào muốn chọn đứng về một phe giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Bài diễn văn khai mạc của Thủ tướng Lý Hiển Long có tác dụng định hướng cho cuộc Đối thoại Shangri-La sẽ sôi nổi trong ngày hôm nay, vì Diễn đàn năm nay diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trên biển Đông và Washington cũng phản đối mạnh mẽ hơn những hành động của Bắc Kinh trong vài tuần gần đây.

Giới phân tích dự báo, chương trình cải tạo đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện sẽ là trọng tâm phê phán của các phái đoàn tham dự Diễn đàn Shangri-La năm nay.

Chỉ mới tuần trước, Mỹ công bố các ảnh chụp từ vệ tinh và máy bay do thám của Mỹ cho thấy quy mô khổng lồ của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, có đảo đang xây dựng đường băng cho máy bay quân sự cỡ lớn, có đảo đã bố trí hai đơn vị tên lửa di động có khả năng tấn công các quốc gia láng giềng ở biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter – người sẽ có bài phát biểu quan trọng vào sáng nay thứ Bảy – đã từng nói với Bắc Kinh rằng Mỹ phản đối mọi nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế quyền tự do lưu thông gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang bồi đắp. Ông cũng khẳng định, bằng hành động bồi đắp, biển đá thành đảo ở Trường Sa, chính Trung Quốc chứ không phải Mỹ, đang làm thay đổi hiện trạng của khu vực. “Chúng tôi đã bay trên biển Đông nhiều năm, rất nhiều năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy: chúng tôi sẽ bay qua, sẽ chạy tàu, và hoạt động ở bất cứ đâu mà pháp luật quốc tế cho phép. Đó không phải là sự kiện mới”, ông Carter nói. “Sự kiện mới là việc Trung Quốc bồi đắp đảo và quy mô bồi đắp mà họ đã thực hiện; đó không phải là sự kiện của Mỹ mà là sự kiện của Trung Quốc.”, ông Carter phát biểu ở Hawaii trước khi bắt đầu chuyến công du 10 ngày tới châu Á, trong đó có việc đến Singapore dự Diễn đàn Shangri-La và thăm chính thức Việt Nam.

Ông Carter cũng đã chỉ thị cho các sĩ quan dưới quyền lập ra các phương án bố trí tàu chiến và máy bay gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc lập ở Trường Sa; tuy nhiên giới phân tích cho rằng Mỹ có rất ít khả năng ngăn chặn Trung Quốc bởi vì mọi biện pháp mạnh mẽ hơn của Mỹ đều có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự giữa hai cường quốc – một điều mà cả Bắc Kinh và Washington đều cố tránh.

Trung Quốc cử một phái đoàn quân sự cao cấp do tư lệnh hải quân Sun Jianguo dẫn đầu tới Diễn đàn Shangri-La năm nay.

Hội nghị Diễn đàn An ninh châu Á-Thái Bình Dương do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức hàng năm tại Singapore để thảo luận những vấn đề an ninh khu vực. Hội nghị quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân đội các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Phái đoàn Việt Nam tham dự Shangri-La năm nay do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới