Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thừa nhận con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thừa nhận con người

(TBKTSG) – Tư tưởng phân biệt đối xử từng con người mâu thuẫn với nguyên lý tối thượng: mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng – thể hiện trong hiến pháp hầu hết mọi quốc gia, nền tảng cho thế giới hiện đại ngày nay, thiếu nó không thể có hội nhập toàn cầu.

Nếu tính từ đầu thập kỷ trước, mốc khởi đầu mở cửa, bước vào hội nhập toàn cầu, nước ta phải dăm năm sau mới bãi bỏ được quy định: Hộ chiếu Việt Nam lượt khứ hồi về nước cũng phải xin sứ quán thị thực hệt như đối với người nước ngoài; tiếp mấy năm nữa mới cho phép người dân quyền được cấp hộ chiếu; mãi gần đây người dân mới được quyền đăng ký hộ khẩu thường trú về cơ bản mọi nơi.

Vậy là phải mất tới gần hai thập kỷ, cả cơ quan công quyền lẫn người dân mới vượt qua được nguyên tắc đi lại, cư trú phải theo cơ chế xin cho, để dần theo thông lệ chung của thế giới. Và không biết cần bao nhiêu năm nữa để nguyên tắc xét lý lịch cá nhân trong xin việc, thi cử, nhập học, mở công ty, cất nhắc, đề bạt… trở thành chuyện của quá khứ.

Ở các nước tiên tiến, liên quan đến lý lịch, chỉ có hai loại, lý lịch tư pháp và lý lịch nghề nghiệp, không có loại lý lịch cá nhân với nội dung và vai trò quyết định đến cả số phận như ở ta.

Lý lịch tư pháp do cơ quan tư pháp cấp, chỉ chứng thực đúng một câu: tên đối tượng có (còn) hay không trong danh sách phạt hình sự đang lưu trữ. Điều đó là cần thiết, trước hết vì trong một xã hội pháp quyền, sống và làm việc theo pháp luật, thì tất yếu phải phân biệt giữa người phạm pháp và không phạm pháp, tuy vậy vẫn được quy định phạm vi áp dụng trong từng văn bản luật cụ thể liên quan, chứ không thể tùy tiện.

Hậu quả của việc xét lý lịch nhiều yếu tố là sẽ khó chọn được người theo đúng đòi hỏi nghề nghiệp, đẻ ra vấn nạn cán bộ kém chuyên môn, đẩy những người vướng mắc lý lịch vào thế tuyệt vọng do không thể thay đổi được nguồn gốc của mình, gây ra những bi kịch số phận, rốt cuộc đất nước mất người tài; tạo môi trường phát triển cho tư tưởng vọng tộc, công thần, thân thế.

Lý lịch nghề nghiệp chỉ đơn giản đã học qua những đâu, phổ thông, đại học, tại chức, bồi dưỡng, và đã kinh qua những công tác gì ở đâu, tùy khai, không có mẫu pháp lý. Thông tin trên chính là những dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa ứng viên này với ứng viên khác về khả năng và triển vọng nghề nghiệp của họ, nên rất cần cho việc xét duyệt, để bảo đảm đối tượng được chọn theo đúng những tiêu thức do chính nghề nghiệp đòi hỏi.

Khác với họ, ở ta lý lịch mang tính cá nhân, đời tư bao hàm cả cuộc đời họ trong mọi mối quan hệ, đặc biệt trong quá khứ; kỹ (lý lịch tự thuật) thì từ đời cụ kỵ cho đến vợ chồng con cái chú bác, còn trích ngang thì chí ít cũng ông bà bố mẹ vợ chồng anh chị em ruột; và bao quát mọi lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, thành phần, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, đến tài sản, địa vị…

Hậu quả, xét lý lịch nhiều yếu tố như vậy, sẽ khó chọn được người theo đúng đòi hỏi nghề nghiệp, đẻ ra vấn nạn cán bộ kém chuyên môn, đẩy những người vướng mắc lý lịch vào thế tuyệt vọng do không thể thay đổi được nguồn gốc của mình, gây ra những bi kịch số phận, rốt cuộc đất nước mất người tài; tạo môi trường phát triển cho tư tưởng vọng tộc, công thần, thân thế, dẫn đến không ít con em quyền chức hư hỏng.

Điều quan trọng nhất là thể hiện tư tưởng phân biệt đối xử từng con người, mâu thuẫn với nguyên lý tối thượng: mọi người (nghĩa là bất cứ cá nhân nào) sinh ra (có nghĩa không phụ thuộc nguồn gốc, gia đình, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia, châu lục…) đều có quyền bình đẳng – thể hiện trong hiến pháp hầu hết mọi quốc gia, nền tảng cho thế giới hiện đại ngày nay, thiếu nó không thể có hội nhập toàn cầu.

Chính nguyên lý mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng đã buộc mọi quy tắc ứng xử của nhà nước (luật pháp), cũng như của cộng đồng (tập quán, đạo đức) phải thừa nhận từng cá nhân đã được sinh ra đó, tức là thừa nhận con người trong mọi mối quan hệ của riêng nó (con người cụ thể), không cho phép lấy mối quan hệ riêng có đó làm thước đo, định giá giá trị họ, để phân biệt đối xử, sàng lọc, chọn lựa. Nó lý giải vì sao, đời tư cũng giống như thân thể được hiến pháp, pháp luật bảo hộ hoàn toàn.

Tuy nhiên, quy tắc ứng xử trên không thể phát huy hiệu lực trong mô hình quản lý kinh tế xã hội tập trung, nơi con người sinh ra được nhìn nhận trước hết để phục vụ nhà nước, làm việc cho/vì nhà nước. Công khai đời tư trở thành đòi hỏi tự thân, bởi xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, cống hiến, phấn đấu… vốn liên quan đến quá khứ cùng các thành viên gia đình họ. Tương tự, đi lại, xuất nhập cảnh, lưu trú, không phải chỉ là công việc cá nhân, mà được coi trước hết là công việc nhà nước, nên áp dụng cơ chế hành chính xin cho, cũng hiển nhiên nốt.

Những điều hiển nhiên đó sẽ không còn hiển nhiên, một khi nền kinh tế chuyển sang mô hình thị trường với động cơ lợi nhuận, nơi bất cứ con người cụ thể nào cũng được kích thích làm giàu trước hết cho chính bản thân họ (dù kinh doanh hay làm công).

Trong khi đó, lý lịch cá nhân như một chiếc sàng, phân biệt đối xử, chỉ cho phép những đối tượng lý lịch nhất định đi qua, vừa gây bất bình đẳng về quyền lợi pháp lý nêu trên, vừa tạo bất công về kinh tế, kẻ có/hoặc nhiều cơ hội làm giàu người không/hoặc ít, mâu thuẫn với chính mục đích của nền kinh tế thị trường. Thế nên đã đến lúc vấn đề lý lịch cá nhân không thể không lật lại, đặt lên bàn nghị sự của các cơ quan dân cử, công quyền, nếu muốn có một xã hội công bằng, phát triển nhảy vọt trong ổn định.

TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG (Đức)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới