Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thừa tiền – dấu hiệu của tăng trưởng yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thừa tiền – dấu hiệu của tăng trưởng yếu

Nhật Minh

(TBKTSG) – Thanh khoản liên ngân hàng quá dư thừa và lãi suất giảm thấp kỷ lục trong tuần qua cho thấy nguồn vốn đang “ứ đọng” và đầu ra cho dòng tiền trở thành bài toán khó. Có thể do nhu cầu vay mượn của nền kinh tế suy giảm hay chính ngân hàng e ngại rủi ro từ nợ xấu, đầu tư, song nó đều là dấu hiệu của sụt giảm tăng trưởng vì tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế trong những năm qua.

Thừa tiền - dấu hiệu của tăng trưởng yếu

Tiền ứ đọng, lãi suất Liên ngân hàng giảm kỷ lục

Có lẽ thị trường tiền tệ rất hiếm khi có hiện tượng lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng ở mức 0,1%/năm như hiện nay. Cụ thể, lãi suất đô la Mỹ kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,1-0,2% vào trung tuần tháng 5, trong khi lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn có lúc đã giao dịch ở mức 0,1% trong tuần vừa qua. Điều này cho thấy có quá nhiều tiền trên thị trường và chi phí sử dụng chúng đang gần như bằng 0%.

Nhìn từ ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp được điều chỉnh giảm thì thanh khoản dư thừa có thể do hệ quả của việc gia tăng cung tiền trong thời gian qua và khả năng chuyển hóa từ nguồn vốn sang các tài sản sinh lời của ngân hàng có dấu hiệu suy giảm.

Năm 2019, cung tiền tăng 12,1% so với cuối năm trước đó, cao hơn mức tăng 11,34% trong năm 2018. Hai năm qua, cung tiền tăng không hề nhỏ, chủ yếu thông qua các hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một phần từ cho vay trên thị trường mở. Tuy NHNN đã trung hòa lại thông qua hút nội tệ bằng tín phiếu, song đa phần là kỳ hạn ngắn và đan xen các khoảng thời gian ngừng phát hành. Hệ thống ngân hàng vừa trải qua giai đoạn cận Tết Âm lịch mà không cần vay thị trường mở, thậm chí NHNN đã gọi thầu tín phiếu để hút bớt nội tệ, cho thấy lượng tiền cung ứng ra thị trường tương đối lớn.

Nguồn cung tiền đã trở thành dư thừa và “ứ đọng” trong hệ thống ngân hàng, biểu hiện qua lãi suất tiền đồng giảm xuống thấp kỷ lục trong tuần vừa qua do khả năng chuyển hóa nguồn tiền dư này thành tài sản sinh lời có dấu hiệu suy giảm.

Nguồn cung tiền đã trở thành dư thừa và “ứ đọng” trong hệ thống ngân hàng, biểu hiện qua lãi suất tiền đồng giảm xuống thấp kỷ lục trong tuần vừa qua do khả năng chuyển hóa nguồn tiền dư này thành tài sản sinh lời có dấu hiệu suy giảm. Trên bảng cân đối của ngân hàng, cho vay khách hàng và chứng khoán là hai đầu mục chiếm tỷ trọng cao nhất (ví dụ Vietcombank hết năm 2019, cho vay khách hàng chiếm 59%; Chứng khoán đầu tư đã sẵn sàng để bán chiếm 14% tổng tài sản).

Cho vay khách hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tính tới hết ngày 28-4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,32% so với đầu năm, thấp hơn con số 4,6% cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính quí 1 cũng cho thấy nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như VietinBank, SaigonBank,… Và khả năng tín dụng tiếp tục tăng chậm là nguyên nhân chính khiến ngân hàng dư vốn kéo dài.

Tăng trưởng tín dụng chậm có thể do hai nguyên nhân chính: Một là nhu cầu đi vay trong nền kinh tế suy giảm do tác động từ dịch Covid-19. Dịch bệnh làm suy giảm tăng trưởng tại hầu hết quốc gia trên thế giới, gia tăng thất nghiệp và giảm thu nhập người dân, tăng tỷ lệ phá sản doanh nghiệp, khiến cầu tiêu dùng và sản xuất sụt giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng thương mại toàn cầu. Theo thống kê từ NHNN, hết tháng 3-2020, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông có dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng – tương ứng với 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chỉ tăng 0,89% so với cuối 2019. Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 do hạn chế thương mại và du lịch toàn cầu.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tuy chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu dư nợ, song chỉ tăng 0,69% so với cuối năm trước. Dư nợ của lĩnh vực này tăng trưởng yếu có thể do cầu tiêu thụ từ nước ngoài sụt giảm vì tác động của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu vay vốn. Theo Tổng cục Thống kê trong quí 1, xuất khẩu lĩnh vực này giảm 4,5%; riêng ngành thủy sản giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tác động từ dịch bệnh lên nhu cầu tín dụng là hiện hữu.

Hai là ngân hàng thận trọng trong cấp mới tín dụng. Hiện tại, các chương trình cho vay ưu đãi đều sử dụng hoàn toàn vốn của ngân hàng, không có vốn ngân sách. Vì vậy, những lo ngại tác động từ dịch bệnh lên hoạt động tiêu dùng, sản xuất sẽ thổi bùng nợ xấu nếu ngân hàng nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Còn với chứng khoán, trên bảng cân đối của ngân hàng chủ yếu là trái phiếu chính phủ (TPCP). Song thị trường TPCP gần đây đang trở nên kém sôi động. Việc đầu tư TPCP đang gặp nhiều rủi ro khi dư địa giảm thêm lãi suất điều hành thấp, đi kèm bội chi ngân sách áp lực tăng. Vì vậy, việc mở rộng danh mục TPCP thời điểm hiện tại không phải xu thế tại nhiều ngân hàng.

Như vậy, do tính chất rủi ro của các tài sản sinh lời đi kèm nhu cầu vay vốn có dấu hiệu chững lại đã khiến dòng vốn “tắc nghẽn” tại ngân hàng – trung gian tài chính của nền kinh tế.

Dấu hiệu của suy giảm tăng trưởng

Dòng vốn huy động không được quay vòng để sinh lời sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận ngân hàng. Theo phân tích ở trên thì tín dụng tăng chậm cũng cho thấy cầu vốn không cao tại nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải và viễn thông hay nông, lâm, thủy sản,… Điều này có thể đồng nghĩa với nhu cầu sản xuất mới không cao và nền kinh tế sau dịch đang tăng trưởng chậm chạp.

Những đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang đối mặt với sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng do tác động từ Covid-19. Thu nhập suy giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ nước ngoài. Cán cân thương mại đã có biểu hiện của nhập siêu tại tháng 4 với gần 1 tỉ đô la, trong khi tháng 5 nhập siêu ước đạt 900 triệu đô la (theo Tổng cục Thống kê), cũng sẽ gây sụt giảm trong tăng trưởng so với năm ngoái.

Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng thấp như hiện tại, đi kèm động thái hạ lãi suất điều hành liên tiếp của NHNN, cũng góp phần tiết giảm chi phí vốn toàn nền kinh tế. Chúng ta có thể kỳ vọng vào tiêu dùng nội địa sẽ tăng mạnh sau dịch và giải ngân đầu tư công thời gian tới sẽ cải thiện tăng trưởng và lan tỏa hiệu ứng sang lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng – là những động lực chính của nền kinh tế.

Về các liệu pháp kích thích bằng tiền tệ thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hay PBoC (Ngân hàng trung ương Trung Quốc) là những điển hình. Fed mới đây đã thực hiện mua vào trái phiếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp nhằm cải thiện thanh khoản, lan tỏa hiệu ứng đầu tư sang các nhà đầu tư khác với sự trấn an rằng ngân hàng trung ương cũng đã mua khối lượng lớn. Hay như BOJ kiểm soát đường cong lợi suất TPCP ở mức thấp, để đồng thời hỗ trợ chính phủ tiếp tục duy trì các gói mở rộng tài khóa. Các biện pháp đều rất mạnh, song có điểm chung đều làm gia tăng cung tiền nhanh chóng, do đó nếu áp dụng tại Việt Nam sẽ tạo áp lực lớn cho lạm phát, vốn đang khá cao trong thời gian qua.

Xu hướng lãi suất liên ngân hàng thấp như hiện tại thể hiện chính sách tiền tệ đang thiên về nới lỏng. Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng ở ngưỡng khá cao so với mặt bằng thế giới và chúng ta có thể trông đợi vào dòng tín dụng và đầu tư công sẽ khơi thông mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng 2020.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới