Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thừa vốn, ngân hàng đang làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thừa vốn, ngân hàng đang làm gì?

Thụy Lê

(TBKTSG) – Nhu cầu vốn trong nền kinh tế xuống thấp khiến ngân hàng khó giải ngân vốn mạnh mẽ như giai đoạn trước. Trong bối cảnh thừa tiền như vậy, các ngân hàng đang làm gì để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động?

Lối ra ở khách hàng cá nhân

Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 30-9 chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, tương đương hai phần ba mức tăng trưởng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Con số này cũng thấp hơn mức tăng trưởng huy động vốn là 7,7% tính đến ngày 22-9. Xu hướng thừa vốn của hệ thống thể hiện rõ nhất qua việc lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư liên tục giảm mạnh từ tháng 3 đến nay, trong khi lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã rớt về dưới mốc 0,1%/năm.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực trong chín tháng qua, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân. Có thể kể đến MSB với dư nợ cho vay tăng 15,6%, TPBank tăng 15,4%, VIB tăng 15,3%, LienVietPostBank tăng 13,3%, ACB tăng 10,6%, VPBank tăng 8,9%. Ở nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh, Vietcombank cũng đạt mức tăng trưởng 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Đầu tiên, có thể thấy nhóm vẫn duy trì được tăng trưởng tín dụng tích cực hầu hết là những ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ, với phân khúc cho vay khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng lớn.

Nhóm khách hàng cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu, cũng là phân khúc khách hàng chính mà các ngân hàng này phục vụ, không bị ảnh hưởng quá lớn bởi dịch bệnh vừa qua, thậm chí nhiều khách hàng trong số này còn tích cực vay vốn để tìm kiếm cơ hội sinh lời ở các kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán. Ngoài ra, khi nhu cầu vay từ nhóm khách hàng doanh nghiệp giảm sút, các ngân hàng này càng có động lực phát triển cho vay khách hàng cá nhân để bù đắp.

Thứ hai, trước những rủi ro gia tăng của nền kinh tế, trong khi một số ngân hàng thắt chặt các điều kiện vay vốn, hạn chế vốn giải ngân ra, thì những ngân hàng TMCP tư nhân lớn có các chính sách linh hoạt do được quản trị hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc cho vay khách hàng cá nhân với những khoản vay nhỏ lẻ cũng giúp rủi ro được phân tán tốt hơn, nên mức độ thắt chặt điều kiện vay vốn cũng không quá cao như khi cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Thứ ba, Thông tư 01 ban hành đầu năm nay đã cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đáng lưu ý là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng có thể được áp dụng luôn cho các khoản lãi đã phát sinh, do đó các ngân hàng có thể tính gộp các khoản lãi chưa thu được vào luôn nợ gốc khi ký các hợp đồng vay mới với khách hàng gặp khó khăn để cơ cấu nợ, đẩy giá trị các khoản vay sau khi cơ cấu nợ tăng lên, giúp tín dụng vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Và đầu tư mạnh vào trái phiếu

Với những ngân hàng không thể tăng trưởng cho vay như mục tiêu đề ra, việc đẩy mạnh đầu tư là một giải pháp thay thế để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục là kênh đầu tư thu hút không ít ngân hàng tham gia vì lãi suất cao, trong khi trái phiếu chính phủ dù lợi suất liên tục xuống mức thấp nhưng với đặc tính an toàn và vì quá thừa vốn nên cũng được nhiều ngân hàng đẩy mạnh rót tiền.

Trong số này có thể kể đến KienLong Bank, khi dư nợ cho vay chỉ tăng vỏn vẹn 0,9% so với đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 22% ở huy động vốn từ khách hàng (bằng tiền gửi khách hàng + phát hành giấy tờ có giá), khiến tỷ lệ dư nợ cho vay/ huy động vốn từ khách hàng giảm mạnh từ 97,4% xuống còn 80,6%. Theo đó, ngân hàng này đã tăng mạnh số dư chứng khoán đầu tư lên gấp hơn 4 lần, từ 830 tỉ đồng hồi đầu năm lên 3.500 tỉ tính đến ngày 30-9.

Tương tự, VietBank với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 4,3% trong khi huy động vốn tăng 24,8%, khiến tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn giảm từ 78,7% xuống 65,8%, nên cũng tăng nắm giữ chứng khoán đầu tư thêm 9.500 tỉ đồng, tương đương tăng 88,5% so với đầu năm.

Trong khi đó, TPBank dù đạt mức tăng trưởng tín dụng khá nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng huy động là 20,7%, nên cũng tăng nắm giữ chứng khoán đầu tư thêm 16.300 tỉ đồng, tương đương tăng 62,3%, trong đó tập trung tăng trái phiếu chính phủ thêm 9.200 tỉ đồng và trái phiếu doanh nghiệp thêm 7.900 tỉ đồng.

Hay như Techcombank với huy động vốn tăng hơn 10,2%, ngược lại dư nợ cho vay giảm 0,4%, nên cũng tăng nắm giữ chứng khoán đầu tư lên hơn 90.600 tỉ đồng, tức tăng thêm 27.100 tỉ đồng, tương đương tăng gần 43%. Trong đó, trái phiếu chính phủ tăng 6.100 tỉ đồng, tương đương tăng gần 42%, còn trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 22.300 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 78%, lên mức 50.700 tỉ đồng, chiếm đến 56% tổng số dư chứng khoán đầu tư đang nắm giữ.

SeABank dù huy động vốn tăng chưa đến 0,1%, chủ yếu do phát hành giấy tờ có giá giảm mạnh gần 44% trong khi tiền gửi khách hàng vẫn tăng 7,3%, nhưng với dư nợ cho vay giảm 0,7% so với đầu năm và vốn điều lệ tăng thêm 1.300 tỉ đồng, nên ngân hàng này cũng có điều kiện tăng số dư chứng khoán đầu tư thêm 6.000 tỉ đồng, tương đương tăng 29%.

BacA Bank cũng tăng số dư chứng khoán đầu tư thêm gần 15% so với đầu năm, khi dư nợ chỉ tăng vỏn vẹn 1,3% nhưng huy động vốn tăng đến 25%. Đáng lưu ý là VPBank với tăng trưởng huy động vốn hơn 14%, cao hơn tăng trưởng tín dụng nên cũng tăng số dư chứng khoán đầu tư thêm 9.900 tỉ đồng, tương đương mức tăng 14,7%, đặc biệt trong đó trái phiếu chính phủ giảm 3.800 tỉ đồng, trái phiếu các tổ chức tín dụng khác phát hành giảm gần 11.300 tỉ đồng, ngược lại trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 23.900 tỉ đồng, tương đương tăng 168%, lên mức 38.200 tỉ đồng.

Với mẫu số chung là tăng trưởng huy động đều cao hơn tăng trưởng tín dụng, nên các ngân hàng còn lại cũng tăng cường ở hoạt động đầu tư, như MSB tăng 5.700 tỉ đồng, tương đương 12% ở số dư chứng khoán đầu tư; ACB tăng 6.400 tỉ đồng, tương đương tăng 11,4%, Vietcombank tăng 7.800 tỉ đồng; MBBank tăng 7.100 tỉ đồng, Sacombank tăng 5.500 tỉ đồng.

Tiết chế huy động

Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng thừa vốn quá nhiều, một số ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất để tiết chế nguồn vốn đầu vào. Như ABBank có tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn hồi đầu năm chỉ ở mức 76%, trong khi tăng trưởng dư nợ cho vay chín tháng qua cũng ở mức thấp là 3,8%, nên dù huy động vốn từ khách hàng giảm 1,7% so với đầu năm, thì tỷ lệ này đến cuối tháng 9 cũng chỉ ở mức 80,3%, vẫn thấp hơn mức trần theo quy định là 85%.

Hay như MBBank với số dư phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh 9.000 tỉ đồng, tương đương tăng 35% so đầu năm, nên dù số dư tiền gửi khách hàng giảm 2.500 tỉ đồng, tương đương giảm 0,9% so đầu năm và dư nợ cho vay tăng thêm 18.600 tỉ đồng, tương đương 7,8%, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn từ khách hàng của ngân hàng này chỉ tăng từ 79,5% lên 83,9%, vẫn thấp hơn mức trần tối đa cho phép. MSB cũng giảm 1% ở tiền gửi khách hàng nói riêng và giảm 0,5% tổng số dư huy động (gồm phát hành giấy tờ có giá) như đã nói.

Điều quan trọng hơn là lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm trong thời gian qua cũng đã giúp các ngân hàng tiết giảm được chi phí đầu vào. Như MBBank ghi nhận chi phí trả lãi riêng của quí 3 vừa qua giảm hơn 400 tỉ đồng, tương đương 11,8% so với cùng kỳ; Vietcombank giảm hơn 300 tỉ đồng, tương đương giảm 3,5%; MSB giảm 158 tỉ đồng, tương đương giảm 11,2%, Techcombank giảm 102 tỉ đồng, tương đương giảm 3,9%. Các ngân hàng còn lại dù chứng kiến số dư huy động vốn tăng mạnh, chi phí trả lãi tuy có tăng thêm so cùng kỳ nhưng mức tăng cũng không đáng kể và vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của số dư tiền gửi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới