Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy chứ không phải ngăn trở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thúc đẩy chứ không phải ngăn trở

Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Dịch Covid-19 là một tác nhân bất ngờ đẩy nhanh nhiều xu hướng, từ chỗ mới manh nha thành ra những trào lưu mạnh mẽ. Mua hàng qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, hội họp từ xa, làm việc ở nhà… là những xu hướng như thế, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước phát triển đột biến. 

Không cần các chuyên gia chuyển đổi số bày cách, không cần đợi các chính sách khuyến khích, rất nhiều hộ gia đình từ chỗ gói gọn phạm vi kinh doanh trong một địa bàn nhỏ đã nhanh chóng thích nghi, chuyển hoạt động lên không gian mạng, thông qua các sàn TMĐT để từ đó có thể giao dịch với khách hàng từ mọi miền trên cả nước. Phải thừa nhận, người dân nước ta rất nhạy bén và biết thích ứng với công nghệ. Từ chỗ bày biện một ít hàng hóa trong một tiệm tạp hóa nhỏ, người bán hàng nay có các cửa hàng trực tuyến bắt mắt, hấp dẫn không kém một cửa hàng bề thế ở ngoài đời.

Vai trò của người làm chính sách là nhân đó tìm cách thúc đẩy các xu hướng có lợi cho nền kinh tế như tăng tỷ trọng TMĐT, tăng lượng giao dịch không dùng tiền mặt, hay như khi có dịch bệnh, khuyến khích mua hàng qua mạng để tránh tụ tập đông người ở chợ truyền thống. Trong bối cảnh đó, các quy định như sàn TMĐT sẽ phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân hay hộ gia đình bán hàng trên sàn là vội vàng, không phù hợp với trào lưu mới và nếu không khéo sẽ làm chậm đi quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Mặc dù sau đó Tổng cục Thuế đã lên tiếng, nói rõ lộ trình triển khai việc các sàn TMĐT phải kết nối thông tin với cơ quan thuế đến đầu năm 2022 mới thực hiện, nguyên tắc thúc đẩy chứ không phải ngăn trở các xu hướng mới đòi hỏi cơ quan thuế phải có cách tiếp cận khác.

Giả dụ cá nhân kinh doanh qua mạng, thấy sử dụng các sàn TMĐT trong nước sẽ bị khấu trừ thuế, ắt hẳn họ sẽ nghĩ đến việc chuyển sang các sàn TMĐT ở nước ngoài như đẩy mạnh kinh doanh qua mạng Facebook chẳng hạn. Với công nghệ hiện nay, các cá nhân kinh doanh dễ dàng sử dụng các ứng dụng như Shopify để thiết lập kênh kinh doanh riêng cho mình. Cũng có thể sẽ xuất hiện các sàn TMĐT, dù nhắm vào thị trường nước ta, nhưng lại đặt ở nước ngoài hay bằng cách nào đó tránh đi cái ràng buộc kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Điều quan trọng hơn, đa phần những cá nhân kinh doanh qua mạng hiện nay chỉ là chuyển đổi hình thức kinh doanh, chủ thể kinh doanh vẫn như cũ. Tại sao ngành thuế không nghĩ đến việc phối hợp với các chủ thể này để tính toán thu thuế cho hợp lý. Đứng trên bình diện vĩ mô, tổng doanh thu bán hàng không thể tăng đột biến và mức thuế thu được vẫn không hao hụt, thậm chí còn tăng bất kể dịch bệnh.

Cách tiếp cận mới phải là thay đổi góc nhìn từ chỗ tận thu, thu sao khỏi bỏ sót sang chỗ nuôi dưỡng nguồn thu để miếng bánh ngày càng to cho tất cả mọi người. Người làm chính sách lúc đó sẽ phải quan sát thị trường, ghi nhận mọi ngóc ngách, mọi diễn biến mới, tìm hiểu các quy luật và hình thành các đối sách phù hợp.

Hiện nay để đưa các gói hỗ trợ đến tay người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 cần tiêu tốn không ít công sức. Thay vào đó, nên triển khai các gói hỗ trợ tự động như giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng thiết yếu. Điều chỉnh chính sách để khoan nóng vội đưa ra các chủ trương theo kiểu chủ sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn chính là một trong những cách hỗ trợ tự động như thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới