Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy công cụ giáo dục trong thế giới số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thúc đẩy công cụ giáo dục trong thế giới số

Hoàng Xuân Phương

(TBVTSG) – Khi thế giới số trở thành môi trường phát triển nguồn vốn tri thức thì nền giáo dục diễn ra trong không gian phẳng. Ở đó thầy và trò, trường và lớp trên mọi châu lục có thể tiếp cận tương tác, cùng nâng cao trình độ hiểu biết để cùng giải quyết các vấn đề đặt ra cho mỗi người, mỗi khu vực hay toàn thế giới. Đây là xu hướng chung mà việc cải tổ giáo dục ở Việt Nam đang quan tâm hướng đến.

Nổi lên với quan niệm thế giới phẳng, Thomas Friedman trong The World Is Flat cho thấy nền giáo dục ngày nay mang hai đặc tính căn bản là toàn cầu và tương tác. Các kết nối qua phương tiện công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và mạng Internet được hoàn thiện và phát triển nhanh đến chóng mặt. Đối tượng của nền giáo dục không chỉ là học sinh sinh viên mà cả những người đã đi làm, các bà nội trợ và các nhà nghiên cứu khoa học, tạo nên một xã hội học tập xuyên biên giới. Họ chủ động tìm kiếm với Google, chia sẻ với Flickr, phát tán với YouTube hay TeacherTube, phát biểu ý kiến qua blog hay biên soạn tác phẩm nhờ wiki.

Từ nền giáo dục truyền thống đến nền giáo dục số hóa

Học sinh trong nền giáo dục mới không chỉ tiếp nhận thụ động các tri thức tích lũy từ sách vở bản in mà cùng với giáo viên, họ trở thành những nhân tố chủ động, vừa là người tiếp nhận vừa là kẻ sáng tạo xoay quanh một đề tài.

Chính ở góc độ sáng tạo mà họ nhận ra sự vật, giải thích được sự việc và rồi nhập tâm (thuộc bài) chứ không phải theo lối học từ chương đọc – chép nặng nề.

Những bài toán đố phải vắt óc suy nghĩ trước đây được thay thế bằng các trò chơi trực tuyến mang tính giáo dục. Học viên nay kết thúc một bài học hay học phần bằng xác định giải pháp (solution) chứ không phải chỉ những đáp số (result).

Trên thực tế nền giáo dục số hóa không làm giảm giá trị trường lớp hay học viện, cũng không thay thế nền giáo dục truyền thống vốn là kho tàng tích lũy vô giá của nhân loại.

Trái lại nó bổ sung, hoàn thiện, mở rộng và nâng tầm hiểu biết để thực sự trở thành thứ vốn con người, nghĩa là tạo chân kiềng thứ ba cho nền kinh tế tri thức.

Vị trí của cả thầy và trò đều được nâng cao nhờ vào khả năng sáng tạo (create), truyền đạt (communicate) và biên soạn (collaborate) khi sử dụng thành thạo các công cụ thông tin trong môi trường số của thế hệ Web 2.0.

Công cụ giáo dục trong thế giới số

Thế hệ Web 2.0 không chỉ được định nghĩa bằng các công cụ thông tin như blog, wiki, podcast, vodcast, RSS feed hay Google map mà cả với khả năng nối mạng xã hội rộng khắp và hữu hiệu của nó. Các kỹ thuật truyền thông này kết nối văn bản, hình ảnh và âm thanh qua giao thức Internet (CoIP) nên có thể tích hợp trong các loại điện thoại di động, các sổ tay số hóa (PDA) và trong các loại máy tính.

Ưu thế Web 2.0 đưa thầy và trò, trường và lớp từ khắp các châu lục đến được với nhau, điều mà thế hệ Web 1.0 trước đó đã không làm được. Nhờ vậy việc đưa CNTT vào dạy và học nay phát triển rất nhanh.

Các nhà giáo dục thường chia công cụ hỗ trợ số hóa việc dạy và học làm ba nhóm chức năng: đóng góp (contribution), biên soạn (collaboration) và kết nối (connection). Nổi lên trong chức năng đóng góp là các loại web log (blog, nhật ký điện tử), từ mobile blog (mblog) đến video blog (vblog), cùng với podcast, vodcast và RSS feed tạo nên bộ công cụ truyền tải thông điệp cá nhân, nhờ đó mà mọi học viên đều có thể tham gia sáng tạo hay nghiên cứu đề tài.

Mỗi người đều có cơ hội tạo ra trang web hay sử dụng wordpress.com để viết blog, youtube.com để trình chiếu video. Các kỹ thuật blog trở nên dễ dàng nhờ các trang hướng dẫn như 21Publish, Edublogs.org hay Blogger của Google.

Chức năng biên soạn thể hiện nơi thể loại web wiki như Wikispace, PBWiki, Jotspot. Điển hình như wikipedia nơi mà người đọc có thể tham gia hiệu chỉnh, bổ sung hay loại bỏ sai sót nơi nội dung một trang web. Wiki dùng nhiều cho việc học nhóm hay nghiên cứu tập thể.

Số lượng trò chơi giáo dục (education game) tăng lên rất nhanh và gồm đủ mọi ngành học mọi trình độ, sử dụng cho hàng trăm hay hàng ngàn người một lúc nhờ phương tiện đa tương tác MMOGs. Trong khi đó kết nối là chức năng cơ bản nhất, bao gồm các ứng dụng chia sẻ hình ảnh với Flickr, Dumpr, Picnik, Bubbleshare; chia sẻ video qua YouTube, TeacherTube; chia sẻ file giữa các máy không qua máy chủ gọi là pear-to-pear (P2P).

Tương lai của giáo dục trong kinh tế tri thức

Cuộc chuyển mình từ giáo dục truyền thống sang giáo dục số hóa, từ việc học sách (print-base learning) sang học trên mạng (e-learning) rồi học lưu động (m-learning) diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Các phương pháp dạy và học không thay thế nhưng bổ sung và hoàn thiện cho nhau.

Việc đưa CNTT vào công tác giảng dạy ở nước ta mới bắt đầu gần đây, nhưng nhiều nơi phương pháp học trên mạng không chỉ dừng ở mức học trực tuyến (online learning) mà đến mức hiện diện trực tuyến (telepresence) trong các lớp học nhiều khi cách xa cả ngàn cây số. Một số cơ sở giáo dục khai thác phương pháp học lưu động nhờ vào các trang bị cá nhân như laptop, PDA, iPod và các điện thoại di động.

Cách thức đầu tư và chi phí cho việc phát triển giáo dục số hóa ở mỗi nước đang là vấn đề bàn cãi nhưng các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách thấy rằng việc tiến đến nền giáo dục trong môi trường số là tất yếu. Càng tiếp cận nền kinh tế tri thức thì chỉ số phát triển GDP càng liên quan mật thiết với chất lượng giáo dục.

Sự phát triển bền vững nơi mỗi nước cũng tùy vào trình độ số hóa nền giáo dục vì nhờ đó mà nâng cao hiệu suất, giảm bớt hoang phí, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên và rút ngắn thời gian ứng phó với các cuộc khủng hoảng mang tính khu vực hay toàn cầu.

Thông qua chính sách giáo dục, nhiều nước nay khuyến khích việc học trên mạng hay học lưu động trên cơ sở chuẩn hóa trình độ mỗi cấp theo mặt bằng chung. Biện pháp này làm giảm áp lực xây thêm trường lớp, thay vào đó là đầu tư cho các phần mềm và đào tạo kỹ năng khai thác CNTT cho thầy và trò.

Các máy móc và trang bị cá nhân dùng vào việc học sẽ dễ dàng được nâng cấp. Các bài học sẽ sinh động hơn. Học viên có thể tham gia lớp học trong phòng, tại nhà, hay lưu động tại nơi làm việc, thậm chí có thể chọn cả giờ học cho thích hợp. Đây hẳn là xã hội học tập khả dĩ nhanh chóng nâng cao dân trí và đủ sức cung ứng lực lượng lao động kỹ thuật cao tay nghề khéo cho nền kinh tế tri thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới