Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy công nghệ mã nguồn mở ở Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thúc đẩy công nghệ mã nguồn mở ở Việt Nam

Ông Matt Thompson (trái) trao kỷ niệm chương cho sinh viên Lê Duy Khánh, đại sứ đại học của Sun tại trường Đại học Bách khoa TPHCM – Ảnh: Trường An

(TBVTSG) – Ông Matt Thompson, Giám đốc cấp cao về công nghệ của Sun Microsystems, đã có một cuộc trao đổi với TBVTSG về công nghệ mới mà Sun đang giới thiệu tại Việt Nam cũng như chiến lược phát triển của Sun trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, Sun Microsystems mong muốn hợp tác với những công ty CNTT. Bất cứ công ty phát triển phần mềm nào ở Việt Nam cũng có thể là đối tác của chúng tôi. Tôi muốn họ thành công vì điều đó cũng sẽ kéo theo sự thành công của chúng tôi.

TBVTSG : Ông đã nhắc đến việc Java FX có thêm chức năng phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động. Vậy chức năng này thực sự đã được tích hợp trong Java FX chưa?

Ông Matt Thompson: Công cụ phát triển ứng dụng cho các thiết bị di động thật ra đã có mặt trên thị trường từ tháng 5-2007, với tên gọi Java FX Mobile Edition (ME). Chúng tôi đã trình làng công nghệ này tại hội nghị 3GSM ở châu Âu vào tháng 2 vừa qua và sẽ trình diễn nó một lần nữa tại hội nghị Java One ở San Francisco, Mỹ vào tháng 5 tới. Vấn đề ở đây là chúng tôi làm sao để giới thiệu công nghệ này đến các đối tác là các nhà sản xuất điện thoại di động, các công ty viễn thông chứ trên thực tế công cụ này đã sẵn sàng. Cần lưu ý rằng hiện nay trên thế giới có gần 2,2 tỷ điện thoại di động có ứng dụng trên nền Java. Đây là lý do tuyệt vời cho việc truyền bá Java FX ME.

Java FX áp dụng được ở những thiết bị nào, thưa ông?

Java FX có thể phát triển ứng dụng trên máy tính, điện thoại di động, hộp bắt sóng ti-vi (set-box). Chúng tôi đã hợp tác với hầu hết các công ty sản xuất điện thoại di động lớn trên thế giới để triển khai Java FX như Nokia, Samsung, LG, RIM… Con số 6 tỉ máy tính được sử dụng trên thế giới hỗ trợ Java cũng sẽ là những thiết bị mà Java FX nhắm đến trong tương lai. Các ứng dụng sau khi được thiết kế trên máy tính sẽ có thể tải vào và dùng trên điện thoại di động. 

Bên cạnh đó, định dạng mới Blu-ray áp dụng trên đĩa DVD, do Sony và một số công ty lớn khác hỗ trợ, cũng dùng công nghệ Java. Đây là một công nghệ mà chúng tôi muốn phát triển, nó phục vụ cho việc tương tác với các phương thức truyền thông đa phương tiện (rich media).

Sun hy vọng sẽ đạt được những kết quả gì thông qua chương trình đưa công nghệ mã nguồn mở vào Việt Nam?

Tại Việt Nam, Sun đi theo một mô hình kinh doanh rất đơn giản, đó là càng có nhiều người nằm trong hệ thống của cộng đồng phát triển Java thì sẽ có nhiều người sử dụng Internet, mạng viễn thông và từ đó dẫn đến nhu cầu về cơ sở hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, dịch vụ… Và lợi nhuận Sun kiếm được là từ việc cung cấp phần cứng cho các tổ chức này. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để tất cả các lập trình viên của Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ lập trình của Java.

Nói tóm lại, mô hình làm việc của Sun rất đơn giản, tất cả những gì liên quan đến thiết kế hoàn toàn miễn phí. Chỉ khi nào các ứng dụng đó đem lại lợi nhuận trong kinh doanh, chúng tôi mới bắt đầu tìm cách hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp phần cứng của Sun phục vụ cho cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp đó. Nói chung, chúng tôi không “đánh” vào phần mềm.

Trước đây Sun không chú trọng đến việc phát triển Java tại Việt Nam, tại sao nay các ông lại đẩy mạnh nó?

Thật ra, Sun đã đầu tư vào Việt Nam trong 3 năm gần đây. Hiện nay, có thể nói Việt Nam đang có bước phát triển vượt bậc. Phương châm kinh doanh của chúng tôi là đầu tư vào những khu vực phát triển nhanh và đầu tư tương ứng với mức độ tăng trưởng của thị trường đó. Trước đây, chúng tôi tập trung vào các mảng thị trường khác và lúc này chúng tôi nghĩ là thời điểm để đặt sự cam kết vào Việt Nam.

Các nhà phát triển ứng dụng đã quen với công nghệ của Microsoft. Vậy chiến lược của Sun sẽ như thế nào để đẩy mạnh mã nguồn mở tại Việt Nam?

Mặc dù các kỹ sư lập trình Việt Nam thường hay sử dụng công nghệ của Microsoft nhưng ở môi trường đại học, sinh viên lại rất quen thuộc với Java. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp nối quá trình bằng cách tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn nữa với công nghệ Sun nói chung và ngôn ngữ Java nói riêng. Mã nguồn mở sẽ là chìa khóa quan trọng cho việc phát triển CNTT tại Việt Nam vì nó dễ dàng và tiện lợi, ai cũng dùng được và hoàn toàn miễn phí. Đúng là hiện nay các nhà lập trình vẫn chuộng công cụ, ngôn ngữ mã nguồn đóng nhưng trong 10 năm nữa, thế hệ kỹ sư lập trình mới sẽ đi theo khuynh hướng mã nguồn mở và Sun Microsystems sẽ là người đem công nghệ đến cho họ.

Vậy Sun có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng phát triển tại Việt Nam hay không?

Chúng tôi hiện không có đội ngũ này tại Việt Nam mà chỉ có một đội ngũ tại Singapore hỗ trợ cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trên hệ thống Mạng lưới nhà phát triển Sun (Sun Microsystems Developers Network – SDN), thành viên sẽ nhận được hỗ trợ từ cộng đồng người sử dụng Java trên toàn thế giới cũng như những cập nhật mới nhất của các công nghệ mới do Sun phát triển.

Thách thức lớn nhất đối với Java tại Việt Nam cũng như trên thế giới là gì, thưa ông?

Java đã tồn tại được hơn 10 năm và không thể phủ nhận đây là một trong những ngôn ngữ lập trình thông dụng nhất trên thế giới. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất đối với Sun là làm sao duy trì được vị thế của Java. Bây giờ, chúng tôi vẫn đang làm tốt việc này. Nhưng không thể nói chắc chắn được điều gì trong 10 năm kế tiếp. Trong cuộc sống luôn xuất hiện những nhân tố mới, nhưng Sun luôn cố gắng phát triển và cộng tác với nhiều ngôn ngữ lập trình khác. Và thách thức trong vấn đề áp dụng mã nguồn mở là niềm tin. Có nghĩa là người sử dụng có niềm tin khi sử dụng mã nguồn mở hay không. Với những ứng dụng mã nguồn mở chẳng hạn như e-mail, bạn có bảo đảm rằng e-mail bạn gửi đã đến nơi một cách an toàn hay không ?

Sun có nhiều đối tác không và những công ty nào được chọn làm đối tác của Sun?

Cộng đồng đối tác của Sun Microsystems rất lớn. Tại Việt Nam, Sun mong muốn hợp tác với những công ty CNTT. Chìa khóa phát triển của Sun không phải là tạo ra ứng dụng mà là cung cấp nền tảng để người lập trình tạo ra ứng dụng. Vì thế, bất cứ công ty phát triển phần mềm nào ở Việt Nam cũng có thể là đối tác của chúng tôi. Dù là sử dụng phần mềm hay phần cứng của Sun, họ đều nghiễm nhiên trở thành đối tác của chúng tôi. Tôi muốn họ thành công vì điều đó cũng sẽ kéo theo sự thành công của chúng tôi.

Xin cảm ơn ông

TRƯỜNG AN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới