Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua chuyển đổi số

Antoinette Sayeh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển ấn tượng nhất trong những năm qua tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng trên 8% năm 2022. Những chính sách kinh tế thận trọng đã giúp cho đất nước duy trì tăng trưởng cao, giá cả ổn định, và tỷ lệ nợ công thấp trong một thời gian dài.

Nhờ tiến hành những cải cách kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đã bước vào đại dịch Covid-19 với nền tảng kinh tế vững chắc, nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào và thương mại mạnh mẽ, giúp tăng cường vùng đệm kinh tế đối ngoại. Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch nhờ sản lượng sản xuất, xuất khẩu, bán lẻ tăng trưởng tốt, du lịch phục hồi.

Nhưng cũng như các nước khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Nhu cầu sụt giảm từ các đối tác thương mại cản trở xuất khẩu. Lạm phát bắt đầu tăng lên từ năm 2022 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Mặc dù giá nhiên liệu có thể giảm dần so với mức đỉnh từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, nhưng cũng vẫn ở mức cao.

Những cải cách kinh tế trong quá khứ và hiện tại có thể giúp Việt Nam lèo lái trong môi trường khó khăn hiện nay. Một lĩnh vực đang mở ra con đường đầy hứa hẹn có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước nữa là chuyển đổi số.

Mở rộng chuyển đổi số

Gần hai phần ba dân số Việt Nam hiện đã được tiếp cận với Internet. Giá cả tương đối thấp và kết nối di động đã gia tăng nhanh chóng. Việt Nam cũng tiếp nhận đầu tư của một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Apple, và Intel. Cũng như tại các quốc gia khác trong khu vực, những quy định hạn chế đi lại trong đại dịch đã thúc đẩy sự lớn mạnh của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Chỉ 40% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ có đủ kỹ năng công nghệ để sử dụng và duy trì các hệ thống số. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt các rào cản lớn trong tiếp cận, sử dụng công nghệ số – đặc biệt là rào cản về tài chính.

Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng hơn 40% trong năm 2020, nhanh hơn phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Chúng tôi ước tính rằng 53% dân số trong nước đã từng mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo, hoặc thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, và Tiki. Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi xu hướng dần bỏ thanh toán tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số thay thế, đặc biệt là ví điện tử.

Thu hẹp khoảng cách công nghệ số giúp tăng cường năng suất và phát triển

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với khoảng cách số ở Việt Nam. Khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp và giữa các đối tượng khác nhau trong lực lượng lao động. Chỉ 40% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ có đủ kỹ năng công nghệ để sử dụng và duy trì các hệ thống số. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt các rào cản lớn trong tiếp cận, sử dụng công nghệ số – đặc biệt là rào cản về tài chính. Việt Nam cũng đang tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực về số người học lên trình độ đại học cũng như kỹ năng số của lực lượng lao động.

Việc tạo thuận lợi cho các ngành, doanh nghiệp, người lao động bình đẳng trong tiếp cận công nghệ sẽ giúp Việt Nam gặt hái đầy đủ những lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà số hóa đem lại.

Thu hẹp những khoảng cách này sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và tư, và tạo điều kiện cho thêm nhiều người tiêu dùng tham gia vào nền kinh tế mới cũng như giúp Việt Nam đạt tới tiềm năng kinh tế. Tăng cường tài chính toàn diện cho mọi người sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng ở xa, mở ra những thị trường mới. Nhìn chung, phổ biến công nghệ nhanh chóng hơn và tăng cường khả năng sử dụng công nghệ số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất và thúc đẩy phát triển.

Con đường chính sách

Việt Nam có thể triển khai các chính sách giúp đẩy mạnh số hóa như nâng cấp hạ tầng số nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ. Một vấn đề quan trọng nữa là tạo điều kiện cho người lao động tham gia các khóa đào tạo để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành, và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất ở Việt Nam. Khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt sẽ giúp họ triển khai các công nghệ mới.

Cuối cùng, sự điều chỉnh các quy định quản lý nhà nước cho phù hợp với sự phát triển của ngành công nghệ số và cải thiện môi trường pháp lý, trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu, sẽ giúp tăng cường sử dụng công nghệ số. Việc tạo thuận lợi cho các ngành, doanh nghiệp, người lao động bình đẳng trong tiếp cận công nghệ sẽ giúp Việt Nam gặt hái đầy đủ những lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà số hóa đem lại.

Một tín hiệu đáng mừng là Chính phủ đã xác định lĩnh vực công nghệ số là một trong những động lực tăng trưởng của quốc gia trong những thập kỷ tới và cam kết đầu tư vào lĩnh vực này, giúp Việt Nam đạt mức thu nhập cao hơn. Điều này, cùng với những chính sách được xây dựng một cách thận trọng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, và việc thực hiện đầy đủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam đi qua giai đoạn khó khăn và tiềm ẩn nhiều bất trắc hiện nay để tiến tới xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong dài hạn.

(*) Bà Antoinette Sayeh là Phó giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới