Thứ Ba, 21/03/2023, 23:43
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thực phẩm “ăn theo” giá gạo vẫn tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thực phẩm “ăn theo” giá gạo vẫn tăng

Giá bán các loại gạo tại chợ Hòa Hưng đã giảm nhưng vẫn chưa giảm về mức như trước cơn sốt gạo – Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Các loại thực phẩm được chế biến từ gạo như bún, mì, bánh phở đã bị đẩy giá lên cao ngay khi diễn ra cơn sốt giá gạo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khi giá gạo đã giảm thì giá các mặt hàng trên vẫn chưa giảm theo.

Cụ thể, ngay sau khi gạo tăng giá, giá bún tươi, bánh phở, bánh canh tại siêu thị Big C được bán với giá 12.000 đồng/kg thay vì 8.000 đồng/kg như trước. Trong khi đó, giá bún tươi các loại bán lẻ tại các chợ tăng từ 6.000-7.000 đồng/kg lên 9.000-10.000 đồng/kg.

Chị Thúy, một tiểu thương bán các mặt hàng bún, bánh phở, bánh canh lâu năm tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình cho biết từ khi có sốt gạo, giá các mặt hàng này tăng cao nhưng người dân vẫn mua. Theo chị Thúy, có lẽ vì khách hàng mua các mặt hàng này với số lượng ít, không nhiều như mua gạo nên họ chấp nhận mức giá tăng này.

Các quán cơm bình dân phục vụ người lao động tại TPHCM trong những ngày sốt gạo đã đồng loạt tăng giá, cụ thể quán cơm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1 tăng từ 12.000 đồng/đĩa lên 15.000 đồng/ đĩa, quán ăn trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 trước đây giá bán 10.000 đồng/đĩa giờ là 14.000 đồng/đĩa. Chủ các quán cơm này cũng cho biết giá bán tăng vì giá gạo tăng, thế nhưng khi giá gạo đã giảm rồi thì họ vẫn chưa có ý định giảm giá và người lao động vẫn phải chấp nhận.

Sức mua gạo giảm

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong những ngày gần đây, cảnh chen lấn mua gạo tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.op Mart không còn diễn ra. Hệ thống siêu thị Co.op Mart bán gạo dẻo thơm với giá 11.300 đồng/kg, rẻ hơn các chợ đến 1.700 đồng/kg. Tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu vào buổi sáng Chủ Nhật ngày 4-6, thỉnh thoảng mới có khách hàng lấy hai, ba túi gạo loại 5 kg. Chị Phương, một khách hàng ngụ tạo quận Gò Vấp, cho biết chỉ mua một túi gạo vì ở nhà đang cần dùng, chứ không mua để tích trữ vì cơn sốt đã qua rồi.

Còn tại siêu thị Big C trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, ở gian hàng gạo có treo một dòng thông tin: “Nhằm trấn an quý khách hàng, khẳng định Việt Nam không khan hiếm gạo đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, hệ thống siêu thị Big C quyết định bán gạo với giá vốn trong thời gian một tháng”. Ở siêu thị này, gạo nở xốp giá 10.200 đồng/kg, gạo thơm “Chín con rồng vàng” giá 15.000 đồng/kg, gạo thơm “Bông sen vàng” giá 14.000 đồng/kg. Dù vậy, số lượng khách mua hàng vẫn không tăng.

Dạo một vòng quanh chợ Hòa Hưng, bảng giá gạo vẫn dao động tùy theo từng loại nhưng giá thấp nhất là gạo thơm Thái 11.000 đồng/kg, gạo Nàng thơm chợ Đào vẫn ở mức 19.000đồng/kg. Giá trung bình các loại gạo thơm khoảng 17.000đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm sốt giá. Tuy nhiên, sức mua đối với mặt hàng lương thực thiết yếu này đã giảm hẳn so với thời điểm cuối tháng 4, người mua thưa thớt dù các tiểu thương trong chợ đã dùng các chiến lược ưu đãi như “giao hàng tận nơi dù chỉ là 10kg gạo”.

Chị Ngọc Hà, một khách hàng đến chợ Hòa Hưng mua gạo cho biết chỉ mua khoảng 5kg để ăn dần thôi, khi hết lại mua tiếp. “Chính phủ nói gạo đâu còn tăng giá nữa mà lo, biết đâu mai mốt còn xuống nhiều hơn”, chị Hà nói.

THANH THƯƠNG – THANH LÊ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới