Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thực phẩm sạch khó vào bếp ăn tập thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thực phẩm sạch khó vào bếp ăn tập thể

Vũ Yến

Thực phẩm sạch khó vào bếp ăn tập thể
Trong năm 2018 tiếp tục có 88 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sản phẩm bình ổn thị trường tại một siêu thị Co.opmart. Ảnh: YL

(TBKTSG Online) – Tình trạng chung chi, chiết khấu tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, bếp ăn công nhân ở không ít khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TPHCM là có thật, khiến thực phẩm của các doanh nghiệp bình ổn thị trường không thể chen chân là phản ánh của đại diện một số doanh nghiệp tại buổi tổng kết chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 – tết Mậu Tuất 2018 diễn ra chiều nay (12-4).

Có mắt xích, chân rết

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc công ty TNHH tư vấn và quản lý Nông Gia Trang  cho biết chính ông đã đi chào hàng rau củ quả tại các bếp ăn ở KCX-KCN, ở các trường học nhưng không thể vào bởi người có thẩm quyền mua hàng, thường là bếp trưởng hoặc chủ cơ sở, bếp ăn đòi chung chi, chiết khấu cao, có khi lên đến 20- 30%. Theo đó, những sản phẩm sạch, an toàn, giá cao không thể chen chân, cạnh tranh với những sản phẩm giá thấp mà những nơi này mua chỗ khác.

“Có lần tôi hỏi người có trách nhiệm mua hàng tại sao họ có thể mua hàng không chất lượng như vậy để nấu thì họ cho biết, thực tế thực phẩm đó chế biến ra thức ăn mà người bếp truởng không ăn, người nấu chính cũng không ăn, chỉ có công nhân ăn thôi”, ông Lãm kể.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, cũng bức xúc cho biết từ nhiều năm trước bà, cũng như nhân viên đã đi các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM để bán hàng lưu động và chào hàng vào các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân nhưng không có đơn vị nào mua trứng của Ba Huân.

Nguyên nhân, theo bà Huân do các bếp ăn có “chân rết”, có mắt xích và có đường dây cung cấp riêng, mua nông sản thực phẩm trôi nổi, chất lượng không đảm bảo với giá rẻ. Ngay cả việc bán hàng lưu động vào các KCX-KCN cũng rất khó khăn, Công ty Ba Huân từng mang xe bán hàng lưu động đến KCN Hiệp Phước bán cả ngày nhưng chỉ được 500.000 đồng.

"Chúng tôi đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào máy móc thiết bị, sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguốn gốc xuất xứ rõ ràng và rất mong muốn kết nối bán hàng vào hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân với giá rẻ hơn 5-10% nhưng đành bó tay. Vì vậy, cần phải có sự kết nối của các đơn vị, các sở, ngành", bà Huân kiến nghị.

Trong khi các doanh nghiệp bức xúc vì không thể đưa hàng hóa vào các bếp ăn trong KCX-KCN thì đại diện Ban quản lý KCX-KCN TPHCM (Hepza) lại mong muốn, đề nghị các doanh nghiệp chú trọng đưa hàng vào bán ở KCX-KCN nhiều hơn, đa dạng hơn.

Đại diện Hepza cho biết hiện có khoảng 290.000 công nhân lao động ở các KCX- KCN trên địa bàn có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, giá phải chăng nhưng số lượng điểm bán hàng bình ổn chưa nhiều. Hàng tháng, có hơn 20 chuyến bán hàng lưu động của các doanh nghiệp bình ổn thị trường đến các KCX-KCN nhưng hàng hóa chưa đa dạng, chủ yếu là thực phẩm khô, nước mắm, nước tương, gạo… trong khi công nhân rất cần mua thực phẩm tươi sống an toàn, giá phải chăng.

“Công nhân cần những thực phẩm tươi sống, an toàn đóng gói trong bao bì gọn nhẹ”, đại diện Hepza nói.

Trước bức xúc, kiến nghị của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết sắp tới Sở sẽ ngồi lại với các sở ngành để tìm giải pháp. Nhưng trước mắt bà Trang cho rằng Ban An toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hành chính là kiểm tra kiểm soát chặt an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.  

Chương trình bình ổn năm 2018

Theo quyết định về việc tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 đối với các mặt hàng sữa, lương thực thực phẩm, mùa khai trường và các mặt hàng dược phẩm vừa được UBND TPHCM ban hành, năm nay có 88 doanh nghiệp tham gia (gồm 66 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng), lượng hàng hóa bình ổn chuẩn bị tăng khoảng 15-30% so với kế hoạch thực hiện năm 2017.

Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 10 nhóm hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị. Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới gồm: vở, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh, giày. Các mặt hàng sữa bình ổn gồm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng, sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất. Riêng CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu sẽ bình ổn 21 nhóm thuốc với 176 hoạt chất và 383 mặt hàng.

Về cơ chế điều phối giá, giá hàng bình ổn doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-15%, tùy nhóm mặt hàng.

Nguồn vốn triển khai CTBOTT năm nay tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất, doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với hạn mức và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường.

CTBOTT 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 có hiệu lực từ ngày 1-4-2018 và kết thúc vào ngày 31-3-2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới