Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thực phẩm Việt ra thế giới: Câu chuyện bán hàng hiệu quả và bền vững

KTSG Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm khi giá nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực sản xuất và nắm bắt cơ hội phục hồi từ thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Xoay quanh câu chuyện các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao giá trị thương hiệu và tiếp cận thị trường quốc tế, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức chuỗi tọa đàm trực tuyến với hai chủ đề “Nâng cao giá trị các sản phẩm Thương hiệu vàng” và “Thực phẩm Việt tiếp cận thị trường thế giới”. Các tọa đàm được lần lượt phát sóng trên Fanpage của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Trên thực tế, những nỗ lực của doanh nghiệp đã được ghi nhận trong việc góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam – nơi thực hiện các các đợt giãn cách xã hội kéo dài cùng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát thì cũng là lúc người tiêu dùng nhìn nhận lại thói quen mua sắm thực phẩm và đặt ra những tiêu chí cao hơn về an toàn, chất lượng cho bữa ăn hàng ngày của họ. Từ đó đặt ra những yêu cầu cho doanh nghiệp định hình lại chiến lược và sản phẩm, thiết kế lại mô hình chuỗi cung ứng để thích ứng với trạng thái bình thường mới, khi mô hình truyền thống hiện hữu đã cho thấy những rủi ro trong đại dịch.

Các diễn giả tham gia tọa đàm, gồm bà Lý Kim Chi – Chủ tịch hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket, ông Kao Siêu Lực – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu, đã chia sẻ rằng thay đổi là yếu tố tất yếu trong thời điểm này, tuy nhiên thay đổi ra sao để vừa có thể giữ được giá trị thương hiệu vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường là bài toán mà các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Trong chiến lược chung để củng cố và phát triển ngành lương thực thực phẩm, doanh nghiệp phải nỗ lực để giữ được vị trí trên thị trường nội địa đồng thời tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đó cũng là động lực để doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất trong tình hình mới. Nhưng để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại. Đã có không ít câu chuyện về những chuyến hàng hóa buộc phải quay trở lại do không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường nhập khẩu, và điều này trở thành mối lo ngại cho những doanh nghiệp mới muốn bắt đầu tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo bà Lý Kim Chi, doanh nghiệp lương thực thực phẩm cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội khi muốn tiếp cận thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm của thế giới. Bên cạnh việc thể hiện được tinh thần minh bạch, trách nhiệm và chiến lược sản xuất bền vững, doanh nghiệp cũng cần cập nhật liên tục các quy định về tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Kao Siêu Lực, mong muốn chính phủ, bộ ngành cùng các hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động kết nối nguồn cung nguyên vật liệu, có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp bước ra thị trường thế giới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng hàng hóa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ từ phía các thị trường nước ngoài.

Mời quý độc giả đón xem tại đây:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới