Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thực thi trách nhiệm xã hội – Nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thực thi trách nhiệm xã hội – Nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI

Thái Thanh

(SGTO) – Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là thực thi tốt mô hình phát triển bền vững (PTBV). Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy kinh tế, xã hội và môi trường, trách nhiệm xã hội cũng là yếu tố cần được chú trọng hơn hết, góp phần thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Thực thi trách nhiệm xã hội – Nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI
Các sinh viên sau khi ra trường sẽ được nhận vào làm tại Lee & Man với thu nhập ổn định khởi điểm 6-7 triệu đồng/tháng. Ảnh: Lee & Man

Trách nhiệm xã hội: Mảnh ghép “phụ” hoàn chỉnh của mô hình PTBV

Trách nhiệm xã hội và thực hành đạo đức (CSR) đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định thành công của doanh nghiệp, đồng thời là quy tắc không thể thiếu với mọi doanh nghiệp cần sự trường tồn và phát triển bền vững.

Ngoài ra, với danh tiếng là doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, họ cũng thu về cho mình khoản doanh thu lớn hơn so với những đối thủ. Nghiên cứu CSR toàn cầu năm 2015 cho thấy, 91% số người tiêu dùng toàn cầu mong đợi các doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Hơn nữa, 84% số người tiêu dùng nói rằng họ tìm kiếm các sản phẩm có trách nhiệm bất cứ khi nào có thể. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội và ưu tiên các sản phẩm từ những doanh nghiệp tuân thủ đạo đức kinh doanh.

Dựa trên mô hình phát triển bền vững với ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường, trách nhiệm xã hội có thể đóng vai trò là một trong những "công cụ" tích hợp, hỗ trợ và tăng cường “sức nặng” của ba trụ cột trên. Trên thực tế, việc cân bằng giữa bài toán kinh tế, với hạn chế những tác động xấu của doanh nghiệp tới cộng đồng, môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động, cũng như của cộng đồng địa phương và xã hội nói chung là một việc làm không hề đơn giản.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, khái niêm CSR còn mới với nhiều doanh nghiệp và năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn trong thực hiện CSR còn hạn chế. Đây là rào cản không nhỏ trong mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chính phủ đang hướng tới và khuyến khích doanh nghiệp thực thi.

Doanh nghiệp FDI tích cực tiếp sức cho cộng đồng

Việc xây dựng mô hình doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội là rất quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào. Riêng với các doanh nghiệp FDI, điều này còn ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển lâu dài ở một quốc gia. Trên thực tế, CSR được giới thiệu vào nước ta thông qua hoạt động của các công ty FDI. Các công ty này thường xây dựng các bộ quy tắc và các chuẩn mực đạo đức kinh doanh có tính phổ quát để áp dụng ở nhiều khu vực, thị trường khác nhau.

Cho đến nay, một số doanh nghiệp đa quốc gia đã thực hiện các hoạt động xã hội bài bản, đạt hiệu quả cao và góp phần vào sự phát triển của cộng đồng, tiêu biểu là chương trình cùng nhau làm sạch trái đất của Ajinomoto Việt Nam, hay chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ em tại các tỉnh miền núi của Unilever.

Một số doanh nghiệp FDI khác tập trung phát triển khía cạnh không kém quan trọng khác là đào tạo nhân lực chất lượng, điển hình như cách làm của công ty giấy Lee & Man Việt Nam (Hậu Giang). Công ty đã phối hợp với trường Cao đẳng Điện lực và Đại học Nông lâm TP.HCM… để mở lớp đào tạo sinh viên ngành điện và kỹ thuật sản xuất giấy từ địa phương và tài trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt cho các em.

Bên cạnh đó, công ty cũng thường xuyên tổ chức hoặc cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng vận hành nhà máy. Mới đây, Lee & Man đã đưa vào sử dụng “Khu nhà ở cho chuyên gia và nhân viên” với mức đầu tư hơn 380 tỉ đồng, bao gồm hơn 400 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 nhân viên cùng gia đình, người thân. Đây là minh chứng thể hiện cam kết của công ty trong việc hỗ trợ giải quyết bài toán về nhân lực tại địa phương và khu vực.

Hỗ trợ chính quyền địa phương để chung tay xây dựng các công trình xã hội

Chia sẻ về định hướng mang đến giá trị hữu ích cho cộng đồng, ông Patrick Chung – Tổng Giám đốc Lee & Man Việt Nam cho biết: “Với Lee & Man Việt Nam, CSR luôn song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải là yếu tố “phụ” cộng thêm và là một phần không thể tách rời trong tiến trình phát triển bền vững.

Do đó, bên cạnh việc đầu tư sản xuất, chăm lo cho người lao động, Lee & Man luôn chủ động kiến tạo và tham gia nhiều dự án xã hội khác nhau cũng như tích cực hỗ trợ cho hoạt động cộng đồng tại địa phương, qua đó góp phần đóng góp cho sự phát triển toàn diện của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.”

Cụ thể, trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, Lee & Man đã tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng trường học, tặng quà như tập sách, cặp, xe đạp, học bổng,… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, học giỏi ở tỉnh Hậu Giang và một số huyện lân cận.

Góp phần giải quyết bài toán môi trường, Lee & Man đã phát động công nhân viên tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường như thu dọn rác thải, chai nhựa, túi nilon tại khu vực, cũng như đồng hành cùng UBND tỉnh tổ chức giải chạy Marathon với ý nghĩa “Mỗi vận động viên chạy – một cây xanh được trồng”, qua đó, giúp nâng cao sự nhận thức của công nhân viên về cảnh quan môi trường sống và tính song hành cần thiết giữa sản xuất và sự thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, an sinh xã hội cũng là yếu tố được công ty đặt lên hàng đầu thông qua các hoạt động quyên góp xây dựng các công trình xã hội cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt trong thời gian qua, công ty đã chung tay cùng chính quyền địa phương để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Lee & Man đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang trích 350 triệu đồng để mua máy khử trùng, sản phẩm do ngành y tế tỉnh Hậu Giang phát minh. Đây là sự hỗ trợ đầy thiết thực và kịp thời ở những giai đoạn khó khăn của khu vực nói riêng và cả nước nói chung của doanh nghiệp giấy này.

Có thể nói, việc phát triển chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hiện chiến lược như là một lợi thế cạnh tranh, mang lại những giá trị tốt đẹp, bền vững cho cộng đồng và xã hội là một trong những tiêu chí hàng đầu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nghiên cứu, triển khai bài bản để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới