Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thuế nhập khẩu clinker giảm xuống 0%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thuế nhập khẩu clinker giảm xuống 0%

Việc Chính phủ đồng ý giảm thuế clinker xuống 0% được xem như một giải pháp cho ngành xi măng trong cơn sốt giá nguyên liệu tăng cao – Ảnh: Báo Thương mại

(TBKTSG Online) – Trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 25-5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ vừa đồng ý cho giảm thuế nhập khẩu clinker xuống còn 0% như một giải pháp giúp bình ổn thị trường xi măng trong nước.

Việc Chính phủ chấp thuận đề xuất giảm thuế nhập khẩu clinker xuống còn 0% do Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương đề xuất cách đây 2 tuần, có khả năng sẽ có một lượng lớn clinker sẽ được nhập về Việt Nam từ đầu tháng 6 trở đi để phục vụ cho việc sản xuất xi măng. Giải pháp này nhằm bình ổn tình trạng khan hiếm xi măng trong nước, đặc biệt sự thiếu hụt xi măng tại thị trường phía Nam trong thời gian vừa qua, ông Nam cho hay.

Theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, tính đến thời điểm này, đã có trên 65.000 tấn xi măng đã được vận chuyển từ phía Bắc vào TPHCM.

Sắp tới, Bộ Xây dựng tiếp tục lên kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành khác chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng phía Bắc vận chuyển thêm khoảng 70.000 tấn xi măng nữa vào các tỉnh phía Nam Nam trong tháng 6 tới.

Theo quan sát của phóng viên của Thời báo Kinh tế Sài gòn Online trong ngày 25-5, giá một số loại xi măng như Holcim, Hà Tiên 1 tại nhiều đại lý vật liệu xây dựng ở thành phố vẫn không giảm so với giá bán hồi đầu tháng. Thậm chí có đại lý còn cho biết muốn mua được xi măng thì phải mua luôn các loại vật liệu khác như gạch, thép… của đại lý thì mới có hàng.

Ông Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở Gò Vấp cho biết, giá bán sỉ xi măng “có điều kiện” như nêu trên thì còn có thể mua với giá khoảng 83.000 đồng/bao, nếu mua lẻ thì phải chịu giá 85.000 đồng/bao trở lên, nhưng phải đặt cọc trước vì xi măng vẫn đang khan hiếm.

Mặc dù đã có một lượng xi măng khá lớn được vận chuyển vào Nam, nhưng theo các nhà thầu xây dựng tại TPHCM cho biết, họ vẫn đang phải tiếp tục mua xi măng với giá ngất ngưỡng trên 85.000 đồng/bao.

Ông Lê Thành Công, giám đốc Công ty Xây dựng D&C ở quận Tân Bình, TPHCM cho biết, tính đến hôm nay (25-5), mặc dù nghe thông tin trên báo chí nói nhiều đã có một lượng lớn xi măng được chuyển từ Bắc vào để cung ứng cho thị trường phía Nam, nhưng thực tế hiện tại, xi măng trên thị trường thành phố còn khá khan hiếm và giá bán vẫn chưa giảm.

Hiện tại, ông Công vẫn phải mua xi măng Holcim và Hà Tiên 1 tại các đại lý với giá 85.000 đồng/bao, thậm chí có một số đại lý còn thông báo sẽ tăng lên đến 87.000 đến 90.000 đồng/bao vào tuần tới.

Vài ngày qua, ông Công cho hay ông vẫn tiếp tục lặn lội nhiều đại lý để mua xi măng, đôi khi phải mua vét từ 5 – 10 bao từ nhiều đại lý khác nhau, nhưng vẫn không đủ hàng để bảo đảm tiến độ thi công hàng ngày.

“Sáng nay do công trình tiếp tục thiếu xi măng nên tôi buộc phải liên hệ mua 100 tấn xi măng Kim Đỉnh tận Huế với giá 85.000 đồng/bao (giá này đã tính luôn tiền vận chuyển) để đảm bảo đủ lượng xi măng cho công trình dự án nâng cấp đô thị TPHCM đang thi công ở quận 6”, ông Công nói.

Mặc dù Bộ Xây dựng thông báo rằng các nhà máy phải giữ nguyên giá bán xi măng. Nhưng nhiều nhà thầu cho rằng để điều này trở thành hiện thực thì các cơ quan chức năng phải yêu cầu các nhà máy xi măng tại thành phố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về địa điểm và giá bán cụ thể để nhà thầu tiện liên hệ mua đuợc xi măng trong lúc này.

Theo các nhà thầu xây dựng, việc công khai địa điểm và giá bán xi măng cung ứng này sẽ giúp họ giảm được phí phân phối trung gian và chủ động được nguồn xi măng cho công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm hạ tầng cơ sở của nhà nước.

Ngoài khó khăn do khan hiếm xi măng, theo các nhà thầu, ngay cả họ có mua đuợc xi măng, nhưng theo yêu cầu kỹ thuật, họ cũng phải mất thêm hàng tháng nữa mới có thể sử dụng loại xi măng mới vì phải trải qua nhiều thủ tục trình duyệt lại vật liệu với tư vấn giám sát và chủ đầu tư.

“Ngặt nỗi, tới thời điểm được chấp thuận sử dụng loại xi măng mới thì có thể giá xi măng trên thị trường đã thay đổi, và do đó nhà thầu lại phải tiếp tục tìm loại xi măng khác để thay thế. Cái vòng luẩn quẩn này khiến nhà thầu rất mỏi mệt do tốn thêm nhiều chi phí, và công trình liên tục bị trì trệ do thiếu vật liệu thi công”, ông Công bức xúc.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới