Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thung lũng Silicon: Khi việc tuyển dụng “đụng” luật nhập cư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thung lũng Silicon: Khi việc tuyển dụng “đụng” luật nhập cư

Th. Phương

Anh Mavinkurve thường làm việc với các đồng nghiệp trong nhóm ở khắp thế giới qua hình thức hội thảo video.

(TBVTSG) – Các doanh nghiệp công nghệ cho rằng những quy định nhập cư và visa phức tạp, ngày càng nghiêm ngặt của Mỹ đã cản trở họ tuyển dụng kỹ sư công nghệ tài năng khắp thế giới…

“Sanjay đâu rồi?”. Đó là câu hỏi của một người trong số hàng chục kỹ sư tại một cuộc họp ở Google. Họ đang nhóm họp để bàn về cách thức phát triển những bản đồ dễ dùng dành cho điện thoại di động. Người quản lý nhóm cho biết: “Máy bay anh ta sẽ đến lúc 9 giờ 30 phút”.

Google có trụ sở tại Thung lũng Silicon thuộc bang California (Mỹ), nhưng Sanjay G. Mavinkurve, người sinh tại Ấn Độ và là một trong những kỹ sư quan trọng của dự án này, lại làm việc tại một văn phòng của Google ở Toronto, Canada. Mavinkurve, 28 tuổi, có visa làm việc tạm thời tại Mỹ, nhưng vợ của anh, Samvita Padukone, cũng sinh tại Ấn Độ, lại không.

Các quy định nhập cư ngăn cản cô làm việc tại Mỹ nếu chồng cô không có thẻ xanh (giấy chứng nhận thường trú). Vì thế, anh chuyển đến Canada để có thể sống cùng với vợ.

Người ủng hộ, kẻ phản đối

Mavinkurve bắt đầu làm việc cho Google vào tháng 8-2003, trong vai trò của một nhà quản lý sản phẩm tại những nhóm phát triển trang web tin tức Google News và thanh công cụ Google. Sau đó, anh chuyển sang làm việc trong bộ phận tìm kiếm video, và bộ phận phát triển những phiên bản đầu tiên của ứng dụng bản đồ Google Maps cho điện thoại di động.

Anh được biết đến nhiều bởi tài năng cải thiện kiểu dáng sản phẩm và khiến chúng trở nên đơn giản khi sử dụng. Dù vậy, anh vẫn có lý do để lo lắng cho công việc của mình hiện nay, do số lượng visa làm việc tạm thời dành cho người lao động nhập cư lành nghề được cấp khá hạn chế ở Mỹ.

Người nước ngoài thúc đẩy khả năng phát minh sáng tạo của các công ty Mỹ bằng cách giúp họ hiểu rõ hơn về người tiêu dùng ở nước ngoài.

Những người lao động nhập cư như Mavinkurve đóng vai trò không nhỏ đối với Google nói riêng và Thung lũng Silicon nói chung. Google và các công ty lớn khác cho biết những kỹ sư công nghệ từ nước ngoài, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…, đã góp phần biến đổi ngành công nghiệp này, tạo ra sự thịnh vượng và việc làm.

Theo thống kê, 50% kỹ sư tại trung tâm công nghệ cao này hiện nay là người sinh ở nước ngoài, tăng 40% so với năm 1970. Ngoài ra, theo Vivek Wadhwa, một học giả về nhập cư làm việc tại Đại học Duke và Đại học Harvard, khoảng 50% công ty được thành lập ở Thung lũng Silicon từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000 có người sáng lập sinh ở nước ngoài. Dù vậy, các doanh nghiệp công nghệ cho rằng những quy định nhập cư và visa phức tạp, ngày càng nghiêm ngặt đã cản trở họ tuyển dụng kỹ sư công nghệ tài năng khắp thế giới.

Trường hợp của Mavinkurve là một ví dụ cho thấy cách thức những chính sách nhập cư có thể “xua đuổi” một doanh nhân tiềm năng khao khát tạo ra sự thịnh vượng và việc làm ở Mỹ. Ngoài ra, nó cũng nêu bật lý lẽ của ngành công nghiệp công nghệ rằng nước Mỹ sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh nếu không thể tuyển dụng kỹ sư nước ngoài dễ dàng hơn.

Craig R. Barrett, Chủ tịch hãng Intel, nói: “Chúng ta đang chứng kiến sự suy sụp của nước Mỹ như là một cường quốc kinh tế. Đây không phải là giả thuyết mà là điều đang diễn ra”. Ông Barrett quy trách nhiệm cho nền giáo dục nước Mỹ vốn không thể dễ dàng được chỉnh sửa. Ông cho rằng một biện pháp tạm thời là để các công ty tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư nước ngoài hơn nữa.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Barrett vấp phải sự phản đối của những người chống sự nhập cư tự do và những người ủng hộ kỹ sư công nghệ sinh tại Mỹ. Kim Berrt, một kỹ sư đang điều hành một tổ chức ủng hộ kỹ sư công nghệ sinh tại Mỹ, nói : “Có lẽ có đến hai tỷ người trên thế giới muốn sống và làm việc tại bang California, nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể sống ở đây. Có nhiều người Mỹ sẵn sàng làm những công việc này”.

Cuộc tranh luận nói trên càng thêm gây gắt khi kinh tế nước Mỹ đang suy giảm. Những người ủng hộ người lao động sinh tại Mỹ đang chỉ trích các công ty sa thải nhân viên trong lúc vẫn giữ lại những kỹ sư nước ngoài có visa làm việc tạm thời. Ngược lại, ngành công nghiệp công nghệ cho rằng những phát minh cải tiến từ những kỹ sư trình độ cao này góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng lâu dài của Mỹ.

Thung lũng Silicon “khát” tài năng nhập cư

Theo thống kê, 50% kỹ sư tại Thung lũng Silicon hiện nay là người sinh ở nước ngoài, tăng 40% so với năm 1970. Khoảng 50% công ty được thành lập ở trung tâm công nghệ cao này từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000 có người sáng lập sinh ở nước ngoài.

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực nước ngoài ở Mỹ đã tăng dần kể từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi các nhà chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận giá trị của người nhập cư lành nghề.

Đến năm 1990, Quốc hội Mỹ dành ra 65.000 visa làm việc tạm thời – gọi là visa H-1B – cho người lao động nước ngoài có tay nghề cao trong một động thái cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực công nghệ. Visa này cho phép khoảng thời gian làm việc ba năm và một lần gia hạn tự động thêm ba năm.

Vào thời điểm lĩnh vực công nghệ bùng nổ, con số này được tăng lên 115.000 vào năm 1999 và 195.000 vào năm 2001. Tuy nhiên, đến năm 2004, số lượng visa H-1B giảm xuống còn 65.000 (bên cạnh 20.000 visa H-1B dành cho những người tốt nghiệp đại học ở Mỹ). Kể từ năm 2004, sự chênh lệch giữa số lượng visa H-1B được tìm kiếm và số lượng được cấp ngày càng tăng. Trong năm 2008, số lượng visa H-1B mà các công ty tìm kiếm lên đến 163.000. Trong số này, Google nộp đơn xin 300 visa, nhưng bị từ chối 90.

Nhân viên công ty Google tại trụ sở ở thành phố Mountain View, bang California (Mỹ).

Lực lượng lao động nước ngoài đóng vai trò không nhỏ trong sự thành công của Google. Trong 20.000 nhân viên của công ty này, có từ 1.200 đến 1.800 người sinh ra ở nước ngoài và có visa làm việc tạm thời. Ngoài ra, nhiều nhân viên khác (Google không tiết lộ con số cụ thể) trở thành công dân Mỹ hoặc được cấp thẻ xanh.

Người nước ngoài thúc đẩy khả năng phát minh sáng tạo của các công ty Mỹ bằng cách giúp họ hiểu rõ hơn về người tiêu dùng ở nước ngoài. Chẳng hạn như nhờ lời khuyên của nhân viên sinh tại Trung Quốc, Google đã đưa vào bản đồ di động của mình những nhà hàng thức ăn nhanh vốn được người dân địa phương dùng nhiều trong việc tìm đường sá.

Khi không xin được visa cho những người mình muốn tuyển dụng, Google tìm cách đưa họ sang làm việc tại văn phòng làm việc ở nước ngoài của mình. Giải pháp này không phải là không có trở ngại, chẳng hạn như sự cách biệt về múi giờ.

Peter Norvig, Giám đốc nghiên cứu của Google, nói: “Ở đây (tức là ở California) cách Hyderabad (Ấn Độ) 11 giờ đồng hồ nên việc hội họp qua video không tiện cho lắm về mặt giờ giấc.” Rủi ro lớn hơn đến từ việc nhân viên trở nên không vui khi làm việc từ xa hoặc từ những công ty nước ngoài muốn tuyển dụng họ.

Google ước tính rằng, họ chi khoảng 20 triệu đô-la Mỹ mỗi năm cho những nỗ lực nhập cư, bao gồm việc vận động hành lang, chi phí cho công ty luật. Microsoft không tiết lộ khoản chi phí này nhưng có lẽ họ chi nhiều hơn Google. Nhóm phụ trách vấn đề nhập cư của công ty này gồm 20 luật sư và nhân viên. Ở góc độ chính trị, ngành công nghiệp công nghệ vận động hành lang Quốc hội thông qua một tổ chức gọi là Compete America, tập hợp những công ty lớn như Intel, Microsoft, Google và Oracle.

Trở lại câu chuyện của Mavinkurve, người kỹ sư này cho biết anh không khỏi thất vọng trước tình cảnh của mình hiện nay. Làm việc ở xa khiến anh khó có được sự tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, hiệu quả không cao và làm chậm tiến độ công việc. Anh mệt mỏi bởi những chuyến đi lại (anh thường bay đến Mỹ hai lần mỗi tháng), tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh mình không thể định cư lâu dài ở Mỹ và lập công ty riêng do anh không thể rời Google, công ty bảo trợ visa cho anh.

Mavinkurve cho rằng với những đóng góp của mình, nước Mỹ lẽ ra phải đón nhận anh. Pablo Chavez, nhà tư vấn chính sách cấp cao của Google, đồng tình với suy nghĩ của Mavinkurve, đồng thời không khỏi lo lắng : “Thế hệ kỹ sư tiếp theo của Google đang bị khước từ. Nếu một kỹ sư nước ngoài không đến Google, có nhiều khả năng người này sẽ trở về Ấn Độ để cạnh tranh lại chúng tôi”.

(The New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới