Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thung lũng Silicon ‘thắt lưng buộc bụng’ để vượt qua thời dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thung lũng Silicon ‘thắt lưng buộc bụng’ để vượt qua thời dịch bệnh

Chánh Tài

(TBKTGS Online) – Thung lũng Silicon, trung tâm khởi nghiệp của nước Mỹ, quá quen thuộc với khẩu hiệu “Tiến nhanh và đột phá” (Move fast and break things). Nhưng giờ đây, trước sự tàn phá kinh tế khủng khiếp của dịch Covid-19, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ở thung lũng này đang khẩn cấp hành động theo khẩu hiệu mới: “Cắt giảm nhanh và cắt giảm sâu” (Cut fast and cut deep).

Thung lũng Silicon 'thắt lưng buộc bụng' để vượt qua thời dịch bệnh
Francis Davidson, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sonder, startup cho thuê căn hộ ngắn hạn. Ảnh: WSJ

Doanh nghiệp khởi nghiệp đón nhận cú sốc

Hồi năm ngoái, thách thức lớn nhất của Francis Davidson, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp (startup) cho thuê căn hộ ngắn hạn Sonder, có trụ sở ở San Franciso thuộc vùng Thung lũng Silicon, là phải chống trả hơn 10 đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh vực. Nhưng vấn đề đó không quá khủng khiếp đối với doanh nhân 27 tuổi vì anh vẫn đang nắm trong tay một doanh nghiệp có giá trị 1 tỉ đô la Mỹ.

Giờ đây, ác mộng mới thực sự bắt đầu khi tác động kinh tế của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu trong tháng 4 của Sonder giảm ít nhất 50%, trong khi, các chi phí cố định không thay đổi. Nhiệm vụ khó khăn  của anh là thương lượng với các chủ căn hộ để họ giảm bớt phí thuê, từ chối hoàn tiền cho khách đã đặt thuê căn hộ và sa thải 30% nhân sự.

Một trong những quyết định khó khăn nhất của anh gần đây là sa thải một nhân viên tuyển dụng nhân sự, người vừa mất đứa con sơ sinh hồi năm ngoái.

Anh nói: “Đây là cú sốc lớn nhất là mà từng đối mặt trong sự nghiệp. Tôi sáng lập công ty này lúc tôi 19 tuổi. Tôi chưa từng chứng kiến một cơn suy thoái kinh tế nào cả”.

Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra một cơn chấn động mạnh đối với những người sáng lập startup ở Thung lũng Silicon vốn đã quen đón nhận dòng tiền đầu tư dồn dập từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm ồ ạt rót tiền đầu tư cho đủ loại hình startup, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mà còn bất động sản, bán nệm trực tuyến, dắt chó đi dạo…

 

Nhờ nguồn vốn dồi dào, các nhà sáng lập startup chạy theo cách tiếp cận “chơi lớn”. Nhưng giờ đây, họ phải xoay sở đủ cách để ách bảo vệ sự sống còn của các startup mà họ đã dày công phát triển.

Đối với nhiều startup, điều này có nghĩa là phải cắt giảm nhân sự, giảm ngân sách tiếp thị về zero, loại bỏ bổng lộc dành cho nhân viên, khẩn cấp tìm thêm nguồn vốn mới…

Theo dữ liệu thống kê sơ bộ của trang trang web layoffs.fyi, khoảng 250 startup ở Mỹ đã sa thải gần 25.000 nhân viên do tác động của dịch Covid-19.

Hơn 7.000 tài xế đưa đón học sinh đến trường và tham gia các hoạt động khác của startup HopSkipDrive, có trụ sở ở bang California, đang ngồi chơi xơi nước. Mô hình kinh doanh của startup HopSkipDrive về cơ bản là hợp tác với hàng ngàn trường học ở 13 khu vực đô thị lớn của Mỹ để cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh.

Joanna McFarland, người sáng lập HopSkipDrive, biết rằng công việc kinh doanh sẽ gặp khó khăn sau khi các trường học ở khu vực Seattle, bang Washington bị buộc phải đóng cửa 6 tuần bắt đầu từ ngày 12-3 khi dịch Covid-19 lan rộng ở thành phố này.

Bà nói: “Đó  là lúc tôi nhận ra mọi trường học ở các đặc khu liên bang cũng sẽ đóng cửa”. Bà đã nhanh chóng tìm kiểm kiểm soát tổn thất bằng cách sa thải 15% nhân sự, cắt sạch ngân sách quảng cáo đồng thời gác lại các kế hoạch mở rộng thị trường

Giới đầu tư mạnh tay mặc cả

Theo công ty đầu tư tài chính Pitchbook, năm ngoái, giới đầu tư mạo hiểm rót 136 tỉ đô la Mỹ vào các startup ở Mỹ, chỉ kém một chút so với con số kỷ lục 141 tỉ đô la vào năm 2018. Nắm trong tay ngân sách dồi dào, nhiều doanh nhân khởi nghiệp phớt lờ tính kỷ luật trong chi tiêu.

Sự dễ dãi của các nhà đầu tư mạo hiểm cho phép họ đốt tiền đầu tư để mở rộng thị phần, thay vì tìm cách có lợi nhuận nhanh chóng.

Khi mà dịch Covid-19 tàn phá kinh tế Mỹ với việc nhiều bang ở Mỹ đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở nhà, nhiều nhà sáng lập startup đang chứng kiến doanh thu của công ty họ lao dốc, thậm chí mất trắng.

Đối với những nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót tiền vào các startup, họ đang giành lợi thế đàm phán góp vốn chỉ sau một đêm.

Gần đây, do thiếu thốn tiền mặt, nền tảng cho thuê phòng trực tuyến Airbnb đã vay 2 tỉ đô la Mỹ từ một số nhà đầu tư với lãi suất lên đến 10%, kèm theo điều khoản cho phép họ quyền mua cổ phiếu của Airbnb với mức định giá giảm 40% so với cách đây 3 năm nếu họ không muốn trả nợ bằng tiền mặt.

Hồi tháng 1, Bhavuk Kaul, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Plate IQ, một nhà cung cấp phần mềm cho nhà hàng, có trụ sở ở TP. San Francisco, đã ký một thỏa thuận ghi nhớ với Công ty quản lý đầu tư K1 Investment Management (gọi tắt là K1) ở Los Angeles về kế hoạch đầu tư 15 triệu đô la Mỹ.

Vào lúc đó, Kaul rất tự tin vì công ty ông đã đạt được mức doanh thu gấp đôi vào năm ngoái và có đến 4 nhà đầu tư muốn rót vốn vào Plate IQ. Thế nhưng thỏa thuận mà Kaul đã ký với K1 đòi hỏi anh phải từ chối 3 nhà đầu tư còn lại.

Mọi chuyện tưởng chừng như không có gì bất thường thì dịch Covid-19 đến, khiến doanh thu của các nhà hàng lao dốc.

Sau đó, Kaul cho biết một lãnh đạo của K1 đã gọi điện đến thông báo dừng kế hoạch rót vốn đầu tư vì những thay đổi quá lớn về tình hình thị trường. Plate IQ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Bước vào thời kỳ cắt giảm chi tiêu

Năm 2018, khi Andrew Kitchell, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup Lyric Hospitality, đối thủ của Sonder trong lĩnh vực cho thuê căn hộ ngắn hạn, lên kế hoạch huy động vốn, ông đặt mục tiêu thu hút 30 triệu đô la. Song nhờ cơn sốt đầu tư vào các startup đang dâng cao vào thời điểm đó, Lyric Hospitality huy động được số vốn cao gấp ba lần so với kế hoạch ban đầu.

Giờ đây, nhiều căn hộ mà Lyric Hospitality đang quản lý vắng bóng khách thuê khi dịch Covid-19 khiến người dân Mỹ ở nhà.

Kitchell nói: “Đây là lúc cắt giảm chi phí và đợi cơn bão qua đi rồi với tìm cách phát triển trở lại với hướng đi đúng đắn”.

Hôm 20-3, ông nhắn nhủ với đội ngũ nhân viên rằng họ sẽ phải rời công ty trong vòng hai tháng, bốn tháng hoặc thậm chí sáu tháng tới. Davidson, người sáng lập Sonder, cũng phải đưa ra các quyết định khó khăn. Anh đã nhanh chóng cắt giảm những bổng lộc thường thấy ở Thung lũng Silicon.

Nhân viên của anh sẽ không còn được nhận suất ăn trưa miễn phí và cũng bị cắt khoản trợ cấp trợ cấp ăn trưa 10 đô la/ngày nếu họ muốn ăn ở nơi khác. Họ cũng không còn được phuc vụ miễn phí trái cây tươi, snack, bột ngũ cốc ăn sáng tại công ty. Khoản trợ cấp 50 đô la cho mỗi nhân viên hàng tháng để phục vụ các hoạt động xây dựng đội ngũ cũng bị cắt bỏ.

Đây là những khoản cắt giảm dễ dàng vì nhân viên của Sonder đã được yêu cầu làm việc từ xa tại nhà. Nhưng Davidson vẫn muốn duy trì chế độ thắt lưng buộc bụng này sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Davidson cho biết anh đã tự cắt giảm mức lương của mình về zero.

Mối lo lớn hơn của Davidson là chi phí cho những hợp đồng thuê căn hộ dài hạn. Anh đã thương lượng để các chủ bất động sản giảm hơn 20 triệu đô la Mỹ tiền thuê căn hộ nhưng vẫn muốn họ giảm thêm nữa. Vì sự sống còn của Sonder, Davidson cũng quyết định sẽ không hoàn tiền cho khách hủy đặt thuê căn hộ bất chấp sự phản đối của họ. Davidson cho biết quyết định này giúp Sonder tiết kiệm ít nhất 8 triệu đô la.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới