Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thuốc cho người bệnh: chất lượng hay giá rẻ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thuốc cho người bệnh: chất lượng hay giá rẻ?

Hoàng Nhung

Thuốc cho người bệnh: chất lượng hay giá rẻ?
Chính sách đấu thầu thuốc vào kênh bệnh viện cần hợp lý hơn để khuyến khích các doanh nghiệp dược nội đầu tư mở rộng sản xuất và cải tiến chất lượng. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Tình trạng nhiều thuốc giá rẻ trúng thầu vào trung tâm mua sắm của sở y tế hoặc của bệnh viện đang được nhiều người lên tiếng vì lo ngại cho hiệu quả điều trị.

Đánh đồng chất lượng

Theo giám đốc một công ty dược tại TPHCM, hiện nay nhiều công ty chỉ nhận gia công đóng gói tại Việt Nam nhưng được coi là công ty thuốc sản xuất trong nước và vô tư trúng thầu dưới danh nghĩa này. Nhiều loại thuốc sản xuất theo dạng nhượng quyền tại Việt Nam (thuốc generic) cũng vậy. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ cần chuyển giao hồ sơ nhượng quyền cho một nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO – GMP tại Việt Nam thì sản phẩm nhượng quyền được xem như tương đương sản phẩm đạt chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP(*). Tất cả những thực tế này khiến cho thuốc sản xuất trong nước thực sự lép vế.

Ngành dược của Việt Nam hiện nay tập trung vào sản xuất thuốc generic là chính. Có sự khác biệt khá lớn giữa thuốc generic chất lượng cao và thuốc generic chất lượng thấp, từ chất lượng hoạt chất chính đến bí mật công nghệ của tá dược.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc generic chỉ có thể sản xuất ra loại thuốc gần giống với thuốc gốc (thuộc phát minh, sáng chế) về hoạt chất chính. Còn thành phần công thức tá dược thì họ phải tự đầu tư nghiên cứu để có thể đạt tính sinh khả dụng (khả năng hấp thụ vào máu) và tương đương sinh học gần giống nhất với thuốc phát minh.

Để có thể sản xuất được thuốc generic giá rẻ, nhiều doanh nghiệp dược phẩm chấp nhận sử dụng các nguồn nguyên liệu chất lượng thấp với giá thành rẻ nhằm cạnh tranh chủ yếu về giá và hoạt động tiếp thị, cho dù hiệu quả điều trị của các thuốc này không cao.

Để có thể sản xuất được thuốc generic giá rẻ, nhiều doanh nghiệp dược phẩm chấp nhận sử dụng các nguồn nguyên liệu chất lượng thấp với giá thành rẻ nhằm cạnh tranh chủ yếu về giá và hoạt động tiếp thị, cho dù hiệu quả điều trị của các thuốc này không cao. Người bệnh sử dụng các loại thuốc này phải kéo dài thời gian điều trị và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đặc biệt, uống kháng sinh trong một thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng lờn thuốc.

Một chuyên gia về dược phẩm phân tích rằng hai loại nguyên liệu chính khá phổ biến được hầu hết các công ty dược trong nước sử dụng là: paracetamol (giảm đau, hạ sốt, nhức đầu) và amoxicillin trihydrate (kháng sinh dòng penicillin – điều trị các loại viêm nhiễm mức độ nhẹ).

Theo thống kê về giá nhập khẩu nguyên liệu paracetamol, có sự chênh lệch khá lớn giữa nguyên liệu có xuất xứ từ Mỹ và nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc, với mức bình quân gần 39%. Cụ thể: đối với nguồn nguyên liệu sản xuất tại Mỹ, chênh lệch giữa giá thấp nhất và giá bình quân khá thấp (3,6%), chênh lệch giữa giá cao nhất so với giá bình quân và giá thấp nhất trong khoảng 40-45%. Đối với nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, chênh lệch giữa giá cao nhất và giá thấp nhất lên đến 129%, giữa giá cao nhất và giá bình quân đến 90%, giữa giá thấp nhất so với giá bình quân chung cũng lên đến 21%. Điều này cho thấy nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc có mức biến động khá lớn do quốc gia này có rất nhiều nhà sản xuất nguyên liệu giá cao, chất lượng cao bên cạnh số lượng không nhỏ các nhà sản xuất định hướng sản xuất nguyên liệu giá rẻ, chất lượng thấp.

Đối với nguyên liệu amoxicillin trihydrate, chênh lệch bình quân giữa nguyên liệu được sản xuất tại Tây Ban Nha so với nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc lên đến 36%, còn so với nguyên liệu xuất xứ Ấn Độ là 20%.

Ông Nguyễn Văn Liêm, nguyên Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ Dược Sài Gòn (Sapharco), cho biết đối với loại thuốc generic, hiện nay Việt Nam chưa có điều kiện để thử tương đương sinh học so với thuốc gốc, do đó, Bộ Y tế đã liệt kê danh mục thuốc nào cần phải thử tương đương sinh học, thuốc nào không cần thử trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo ông, thuốc nào làm đàng hoàng giá rẻ nhưng chất lượng tốt, và thuốc nào giá rẻ mà chất lượng kém cần được minh định rõ. Bộ Y tế nên có một hội đồng để đánh giá và không nhận vào đấu thầu các loại thuốc chất lượng kém. Đồng thời bộ cũng nên thay đổi từ việc suy đoán thành việc thử nghiệm và chứng minh điều này.

Giá rẻ không thể đi cùng chất lượng?

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói: “Hiện chẳng có thống kê hay nghiên cứu nào từ ngành chức năng để đánh giá lại chất lượng thuốc trúng thầu”. Theo ông thì “rất khó để thuốc giá rẻ mà có chất lượng tốt”. Ví dụ, một người bị viêm họng, nếu dùng một liều kháng sinh được sản xuất ở châu Âu, nguyên liệu cũng từ châu Âu trong năm ngày, với giá 20.000 đồng, thì sẽ khỏi. Nếu dùng thuốc của Ấn Độ hay Trung Quốc, có giá 18.000 đồng nhưng đến 10 hoặc 15 ngày mới lành bệnh. Khi kéo dài thời gian điều trị, sẽ gây khó khăn cho người bệnh, làm bệnh viện thêm quá tải.

Ông Quyết dẫn chứng cụ thể, rằng đều là kháng sinh Ciprofloxacin hàm lượng 200 mg/100 ml dùng tiêm tĩnh mạch, nhưng loại do châu Âu sản xuất có giá 80.000 đồng/chai trong khi loại của châu Á sản xuất chỉ 8.000 đồng/chai. Về mặt pháp lý cả hai loại thuốc trên đều được cấp phép nhập vào Việt Nam, được chấm điểm kỹ thuật trên 70 điểm và được dự thầu vào bệnh viện. Với công thức chọn thầu giá rẻ sau đó, tất nhiên loại thuốc 8.000 đồng/chai giành phần thắng.

Các bác sĩ cũng như chuyên gia dược phẩm cho rằng một doanh nghiệp chỉ cần không có vi phạm nào về chất lượng thuốc trong một năm gần nhất, đáp ứng được yêu cầu về điều kiện giao hàng và một số tiêu chí nhỏ khác là đã có đủ 70 điểm tối thiểu để vượt qua được vòng chấm điểm kỹ thuật. Vòng chấm điểm này dù đã bổ sung một số điểm cộng cho các sản phẩm có xuất xứ nguyên liệu rõ ràng và có chứng minh tương đương sinh học nhưng số điểm cộng là không đáng kể (tối đa chỉ được cộng 5 điểm so với doanh nghiệp bình thường). Do đó, về cơ bản, cách đánh giá “kỹ thuật” chưa thực sự quan tâm đến chất lượng thuốc.

Điều này dẫn đến nhiều trường hợp tổng chi phí cho cả phác đồ điều trị nếu sử dụng thuốc chất lượng thấp trở nên cao hơn so với phác đồ điều trị dùng thuốc chất lượng cao do tính hiệu quả của thuốc khác nhau.

Cần thay đổi cách đấu thầu

Để có được nguồn thuốc điều trị chất lượng, hiệu quả cao, ông Quyết đề xuất hồ sơ hai gói thầu về kỹ thuật và tài chính phải được nộp cùng một lúc, gói thầu kỹ thuật phải được chấm trước rồi mới đến gói giá cả.

Ông Huỳnh Trung Chánh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dược Domesco, cho rằng Việt Nam nhập khẩu đến 95% nguyên liệu từ nước ngoài trong đó có cả châu Âu và châu Á. Chính vì không có quy định điều kiện về nguồn gốc nguyên liệu nên các công ty uy tín của Việt Nam thua đậm trên sân nhà trong đợt đấu thầu tập trung vừa qua. Họ nhập nguyên liệu chủ yếu từ châu Âu, có giá gấp ba lần so với nguyên liệu ở châu Á. Nguyên liệu châu Âu được kiểm soát nghiêm ngặt, khi làm ra thuốc ít bị ảnh hưởng trong quá trình bảo quản.

Quả thật, từ khi Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế ra đời, khối doanh nghiệp dược lớn như Traphaco, Dược Hậu Giang hay Imexpharm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với thuốc giá rẻ nhập khẩu từ Bangladesh, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Quá trình lựa chọn nhà thầu cần các tiêu chuẩn phân loại chi tiết hơn và nên xét đến các yếu tố về chất lượng nguồn nguyên liệu, thương hiệu và cả bề dày của sản phẩm trên thị trường.

(*) PIC/s là hệ thống hợp tác về thanh tra dược phẩm

Mời đọc thêm

Sở Y tế TPHCM lên tiếng về vụ đấu thầu thuốc

“Ma trận” phân phối dược phẩm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới