Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu quốc gia giá bao nhiêu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương hiệu quốc gia giá bao nhiêu?

Thái Bình

(TBKTSG Online) – Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu Brand Finance vừa công bố “Báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2015”, trong đó giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay bị giảm 32 tỉ đô la Mỹ so với năm ngoái và bị tụt 6 vị trí trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn duy trì được độ mạnh (strength), xếp hạng A cả năm ngoái và năm nay.

Thương hiệu quốc gia giá bao nhiêu?
Bảng 1: Các thương hiệu quốc gia có giá trị lớn nhất

Thương hiệu quốc gia (nation brand) có ý nghĩa quan trọng trong giao thương quốc tế, không chỉ phản ánh hình ảnh “nhận diện” của quốc gia đó mà còn là công cụ quảng bá hữu hiệu những lợi thế so sánh của quốc gia tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Trong dịp công bố Báo cáo Thương hiệu quốc gia 2015, ông David Haig, CEO của Brand Finance, nhận xét: “Trên thương trường toàn cầu, thương hiệu quốc gia là tài sản quan trọng nhất của mỗi quốc gia, có tác dụng khuyến khích thu hút đầu tư, tăng thêm giá trị cho hàng hóa xuất khẩu và hấp dẫn khách du lịch”.

Giá trị một thương hiệu quốc gia được Brand Finance nghiên cứu theo 26 tiêu chí, chia thành 3 nhóm lớn (Đầu tư, Xã hội và Hàng hóa và Dịch vụ); mỗi nhóm lại chia thành các nhóm nhỏ hơn; ví dụ trong nhóm Đầu tư có 3 nhóm nhỏ (Điều hành, Thị trường, Con người và Kỹ năng); nhóm Hàng hóa và Dịch vụ cũng có 3 nhóm nhỏ (Điều hành, Thị trường và Du lịch). Mỗi tiêu chí này được đánh giá theo thang điểm 100, kết quả trung bình của tất cả các tiêu chí được gọi là Chỉ số Sức mạnh Thương hiệu (Brand Strength Index – BSI). Căn cứ vào chỉ số BSI, các thương hiệu quốc gia lại được xếp hạng A,B,C theo kiểu xếp hạng độ tín nhiệm tín dụng.

Giá trị thương hiệu quốc gia tính thành tiền có tương quan nhưng không nhất thiết đồng nhất với tổng sản lượng kinh tế (GDP) của quốc gia mà tăng giảm theo tác động của các diễn biến kinh tế -xã hội của quốc gia đó trong thời kỳ khảo sát.

Bảng 2: 10 thương hiệu QG có sức thu hút đầu tư mạnh nhất

Ví dụ, xu thế giảm giá mạnh các mặt hàng nguyên liệu chiến lược (commodities) do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã tác động đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên, làm giá trị thương hiệu quốc gia của Úc giảm 10%, còn 1.400 tỉ đô la Mỹ, Canada bị giảm 8%, còn 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Kết quả báo cáo thương hiệu quốc gia năm nay cho thấy những lợi thế mà một thương hiệu quốc gia mạnh có thể tạo ra cũng như những cản trở có thể làm suy yếu thương hiệu quốc gia. “Các chính phủ, các tổ chức thương mại và doanh nghiệp cần có những biện pháp đảm bảo thương hiệu quốc gia của mình được sử dụng thích đáng về mặt chiến lược, được quản lý tốt, được giám sát thường xuyên và hiểu rõ cách thức ứng phó khi xảy ra khủng hoảng nhằm tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa thiệt hại cho thương hiệu quốc gia”, ông David Haig nói.

Trong báo cáo Thương hiệu quốc gia năm nay 2015, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam được xác định ở mức 140 tỉ đô la Mỹ, giảm 32 tỉ đô la (19%) so với năm ngoái. Trên bảng xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 49 trong 100 quốc gia được khảo sát, tụt 6 bậc so với vị trí 43 hồi năm ngoái. Tuy nhiên, thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn duy trì được độ mạnh (strength), xếp hạng A cả năm ngoái và năm nay.

Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất hành tinh – vẫn duy trì vị trí số 1 trên bảng xếp hạng với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 19.703 tỉ đô la, tăng 2% so với năm ngoái; Trung Quốc giữ vị trí số 2 với giá trị thương hiệu 6.314 tỉ đô la, bằng 1/3 so với Hoa Kỳ và giảm 1% so với năm ngoái.. (xem bảng 1: Top 20 thương hiệu quốc gia có giá trị cao nhất năm 2015).

Một số nền kinh tế như Singapore, Hồng Kông, New Zealand… quy mô nhỏ, giá trị thương hiệu quốc gia cũng không lớn nhưng đáp ứng tốt 26 tiêu chí đánh giá nên đạt chỉ số BSI rất cao, và đó là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút đầu tư.

Nếu xét giá trị thương hiệu quốc gia thì Singapore với giá trị 412 tỉ đô la, kém rất xa so với Hoa Kỳ và Trung Quốc, song xếp theo chỉ số độ mạnh của thương hiệu (BSI) thì Singapore lại dẫn đầu toàn cầu với hạng AAA trong khi Hoa Kỳ chỉ đạt AAA- và Trung Quốc đạt AA-. Vì thế Singapore được giới đầu tư đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất để bỏ vốn kinh doanh sinh lời. (xem bảng 2: Top 10 thương hiệu QG có sức thu hút đầu tư mạnh nhất)

Brand Finance là một tổ chức tư vấn độc lập, có trụ sở chính tại Anh và văn phòng đại diện tại 24 quốc gia khác, thực hiện đánh giá và xếp hạng giá trị thương hiệu trong hơn 20 năm qua. Vận dụng những công cụ xác định giá trị thương hiệu của các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, kết hợp với dữ liệu của các tổ chức như CIA World Factbook, Tổ chức Thương mại thế giới (UNWTO), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Triển vọng Kinh tế thế giới (World Economic Outlook)… Brand Finance tính toán và xác định giá trị thương hiệu của 100 quốc gia trên toàn cầu và công bố thành các báo cáo hằng năm.

Báo cáo của Brand Finance là một công trình nghiên cứu có tác dụng tham khảo rất tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đa quốc gia.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới