Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương mại điện tử, còn nhiều dư địa tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương mại điện tử, còn nhiều dư địa tăng trưởng

Dương Vy Quyên

Thương mại điện tử sẽ sôi động hơn và tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam trong tương lai. Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo diễn ra trong khuôn khổ “Vietnam Access day 2018” do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức từ ngày 13 đến 15-3-2018 ở TPHCM.

Theo ý kiến đánh giá của nhiều doanh nghiệp, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Tăng trưởng nhảy vọt trong 5 năm tới

Tại hội thảo, ông Raphael Wilhelm, người đồng sáng lập kênh mua sắm trực tuyến SoNice, nhận xét rằng thu nhập của người Việt Nam ngày càng tăng và họ có xu hướng chi tiêu ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, hàng hoá trên thị trường Việt Nam hiện nay rất đa dạng, tạo ra nhiều sự lựa chọn. Đây là động lực để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Ông Wihelm chia thị trường thương mại điện tử Việt Nam thành hai loại: loại hình gồm những giao dịch thông qua các trang web giao dịch trực tuyến hoặc ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động như Lazada hay Tiki, và loại hình bao gồm các giao dịch giữa khách hàng với khách  hàng (C2C) như mua bán qua Facebook, Instagram.

“Loại hình thứ nhất có quy mô hiện vào khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Loại hình còn lại có quy mô lớn hơn rất nhiều, vào khoảng 6 tỉ đô la. Theo kinh nghiệm của tôi, quy mô của cả hai loại hình này ước tính sẽ tăng khoảng 20%/năm. Trong vòng 5-6 năm tới, quy mô của mỗi loại hình sẽ lớn gấp đôi hiện tại”, ông Wilhelm đánh giá.

Bob Willett, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, có quan điểm tích cực hơn Raphael Wilhelm nhiều về tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Ông Willet cho rằng mức tăng trưởng này phải trên 20%.

“Có nhiều thứ còn chưa tốt trong thị trường này. Nó không phải nằm ở phía khách hàng mà ở ngay những nhà bán lẻ. Chẳng hạn, cách thức tiếp cận với khách hàng còn có nhiều vấn đề. Điều đó đã hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử. Song, cũng không thể ngăn cản đà tăng trưởng tất yếu này”, ông Willett nói.

Tuy nhiên, đánh giá về quy mô thị trường thương mại điện tử, cũng có ý kiến nhận xét với con số đưa ra không tương đồng. Ông Andy Trần, Giám đốc phát triển kinh doanh của Tiki, cho rằng quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay không tới 4 tỉ đô la Mỹ. Nếu chỉ tính riêng các giao dịch mua sắm trực tuyến trên các trang cung cấp dịch vụ thì chỉ vào khoảng 1 tỉ đô la.

“Nếu cộng thêm các giao dịch giữa khách hàng với nhau trên các trang mạng xã hội như Facebook thì cũng chỉ lên tới 2 đến 3 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, tỷ trọng thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2-3% trong tổng giá trị bán lẻ hàng hóa. Có lẽ số liệu lạc quan nhất cũng chỉ ở khoảng 8-10 triệu người Việt Nam trên tổng số 90 triệu dân từng mua sắm hàng trên mạng”, ông Andy Trần bình luận. Theo ông, những con số đó chứng tỏ loại hình này mới chỉ ở mức sơ khai và vẫn còn nhiều khoảng trống để tăng trưởng. Chưa kể, người trẻ tuổi là đối tượng khách hàng chính và trong tương lai số lượng này chắc chắn tăng lên.

“Chúng tôi luôn nói với những nhà đầu tư rằng số liệu thị trường hiện nay tương đối nhỏ nhưng triển vọng lại rất lớn. Nếu so sánh với Trung Quốc, nơi thương mại điện tử chiếm tới 25% thị trường bán lẻ, Nhật Bản là 17% và Hàn Quốc là 18% thì tỷ trọng này ở Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở 2-3% mà sẽ tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới”, ông Andy Trần nói.

Thị trường còn nhiều khoảng trống

Theo vị giám đốc phát triển kinh doanh của Tiki, những dịch vụ trực tuyến sẽ được quan tâm hơn trong tương lai, thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm vật lý/hữu hình/phi dịch vụ như ở giai đoạn sơ khai này. Hiện tại các doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực dịch vụ trực tuyến, nhưng dường như họ vẫn chưa phát triển được hết tiềm năng.

Còn theo ông Yee Chung Seck ở Công ty Baker McKenzie, hiện có rất nhiều dịch vụ ở Việt Nam chưa tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà hàng còn chưa cho đặt chỗ qua mạng.

“Để tham gia vào mạng lưới dịch vụ trực tuyến, những doanh nghiệp nhỏ này sẽ phải tốn nhiều thời gian, công sức lẫn kinh phí nâng cấp hệ thống công nghệ, vận chuyển hàng hóa. Song, đó vẫn là những gì các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống tại Việt Nam nên hướng đến. Nếu làm được như vậy, các công ty có thể mở rộng lượng khách hàng và có thêm nguồn thu không chỉ từ người dân địa phương mà còn từ các khách du lịch”, ông Yee Chung Seck nhận xét.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp dự đoán những mặt hàng như thuốc, sữa, sản phẩm trang trí nội thất, văn phòng phẩm cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển của thương mại điện tử.

Từ góc nhìn của một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc điều hành của Ví điện tử MoMo, đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, khả năng thích ứng công nghệ cao, Internet rẻ và phổ biến. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Chính phủ đã điều chỉnh, thay đổi nhiều chính sách, luật về lĩnh vực này để phù hợp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử. Chính phủ có các hành động để thúc đẩy thanh toán di động. Trong 10 năm trước, Chính phủ chỉ cấp phép cho hai công ty nhưng hai năm gần đây thì đã cấp 20 giấy phép, tạo động lực để nhiều công ty tham gia sân chơi này.

Khắc phục những hạn chế

Dù được đánh giá là đầy tiềm năng và dự đoán một tương lai hết sức sáng sủa, nhưng cũng có ý kiến cho rằng loại hình thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Theo ông Wilhelm của SoNice, nhiều công ty bán hàng trực tuyến trong nước đang hoạt động đơn lẻ. Đó không phải là cách để tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng. Việc thu hẹp khoảng cách giữa những gì doanh nghiệp nghĩ rằng khách hàng của họ cần với những gì khách hàng mong muốn mới thực sự là cách tối đa hóa lợi nhuận, phát triển bán hàng trực tuyến và tăng tần suất mua sắm.

Vị đồng sáng lập SoNice này chia sẻ, ở Anh, các doanh nghiệp đã hình thành tư duy liên kết, đưa thương mại điện tử có mặt trong hầu hết các cửa hàng ở trung tâm mua sắm. Các nhà bán lẻ đã thỏa thuận với các cửa hàng để đặt các máy cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến ở đó. Như vậy, nếu khách hàng đến mua sắm ở một cửa hàng nào đó và không tìm được thứ mình cần, các nhân viên có thể hướng dẫn họ tự tìm ra nơi bán mặt hàng này trên mạng.

“Vấn đề cần quan tâm trên thị trường lúc này là làm sao cho việc tiếp cận hàng hóa trở nên dễ dàng. Khi chúng ta bắt đầu nói về thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thảo luận làm thế nào để việc mua bán hàng hóa trở nên thuận tiện hơn. Khách hàng cho dù ra cửa hàng hay lên mạng mua sắm, họ đều muốn nhận được chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt như nhau. Đáng tiếc đây không phải là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ”, ông Bob Willett nhận xét.

Thêm vấn đề khác, theo ông Raphael Wilhelm, tiềm năng của thị trường nông thôn còn rộng mở, tuy nhiên doanh nghiệp muốn tiếp cận vẫn có nhiều khó khăn. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng, đướng sá chưa tốt, việc xây dựng trung tâm phân phối và giao hàng ở khu vực nông thôn chưa thuận tiện. 

Ngoài ra, ông Wilhelm cho rằng, trái với các thị trường khác trên thế giới, hiện ở Việt Nam việc mua sắm hàng hóa trực tiếp dễ dàng hơn rất nhiều so với mua hàng trên mạng. Khách hàng phải đăng nhập vào một trang web bán hàng trực tuyến, đăng ký tài khoản, gõ từ khóa tìm kiếm và thực hiện hàng loạt các thao tác mới có thể mua được món hàng mình cần. Việc này tốn thời gian hơn nhiều so với việc đi ra một cửa hàng tạp hóa gần nhà. Cho nên, cần phải có những điều chỉnh để giao dịch trực tuyến trở nên đơn giản, tiện lợi và an toàn hơn. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới