Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh, về sát mức trước đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh, về sát mức trước đại dịch

Lê Linh

(TBKTSG Online)- Nền kinh tế thế giới vẫn đang tổn thương bởi các tác động của đại dịch Covid-19 nhưng thương mại toàn cầu đã gần như phục hồi hoàn toàn và trở thành điểm tựa tâm lý cho giới đầu tư.

Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh, về sát mức trước đại dịch
Vận tải container đường biển trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10 theo công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz và Viện Nghiên cứu Logistics và Kinh tế hàng hải của Đức. Ảnh: franklintempleton.com

Châu Á dẫn dắt đà phục hồi

Cách đây một năm, thương mại quốc tế là mối lo ngại lớn đối với giới đầu tư khi nhiều cuộc chiến thương mại diễn ra cùng lúc, đặc biệt là cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Lúc đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa ở các nền kinh tế lớn trở thành nguồn hỗ trợ đối với họ.

Nhưng bức tranh hiện nay có sự thay đổi lớn. Các nhà xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ ngay cả khi các ngành dịch vụ dựa vào nhu cầu nội địa tiếp tục hứng đòn do dịch bệnh Covid-19 tái trỗi dậy khắp nơi trên toàn cầu.

Dữ liệu của Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế (CPB) thuộc Bộ Kinh tế Hà Lan, công bố hôm 25-11, cho thấy trong quí 3, dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới tăng 12,5% so với quí 2.

Đây là mức tăng trưởng lớn nhất kể từ CPB thống kê dữ liệu thương mại toàn cầu vào năm 2000.

Giá trị thương mại xuyên biên giới trong tháng 9 chỉ kém 2% so với vào thời điểm cuối năm 2019. Đà phục hồi thương mại toàn cầu hiện nay diễn ra nhanh hơn so với các cơn suy thoái trong thời gian gần đây.

Sau cú sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ), châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dòng chảy thương mại quốc tế mất gần hai năm mới phục hồi hoàn toàn.

Nhiều chỉ số khác xác nhận đà phục hồi thương mại toàn cầu tiếp tục duy trì kể từ cuối quí 3. Các cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng ở các nhà máy khắp trên thế giới cho thấy lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng trong tháng 10.

Trong khi đó, chỉ số đo lường vận tải container đường biển trên toàn cầu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz và Viện Nghiên cứu Logistics và Kinh tế hàng hải của Đức đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10.

Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á dẫn dắt đà phục hồi này. Số liệu của CPB cho thấy trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á đã vượt mức trước đại dịch, trong khi đó, xuất khẩu của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) và Mỹ giảm lần lượt 2,6% và gần 9% so với trước đại dịch.

Các nhà phân tích dự báo trong quí cuối năm 2020, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4% so với quí 3. Các tiến triển của vaccine Covid-19 cũng làm dấy lên hy vọng  đại dịch sớm được kiểm soát hơn, giúp các doanh nghiệp tăng chi tiêu và tuyển dụng lao động trở lại.

Nhưng cùng lúc đó, các dấu hiệu suy yếu đang phát ra từ thị trường lao động Mỹ  và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tăng mạnh trở lại. Tại khu vực eurozone, nền kinh tế có thể tăng trưởng âm trở lại trong quí 4.

Ngành sản xuất dựa vào xuất khẩu tăng trưởng tốt

Giữa bức tranh vĩ mô còn nhiều bất ổn đó, giới đầu tư chắc chắn sẽ tập trung vào dữ liệu mới nhất cho thấy khoảng cách đang nới rộng giữa khu vực kinh tế dựa vào xuất khẩu trên toàn cầu, đang có triển vọng phục hồi về mức trước đại dịch, và khu vực kinh tế tập trung vào thị trường nội địa đang trở nên khó khăn hơn.

Trong tuần qua, hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố kết của khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 11. cho thấy hoạt động kinh doanh ở eurozone, Anh và Nhật Bản đang suy giảm trở lại. Biến động hàng tháng của chỉ số PMI liên quan chặt chẽ đến số ca nhiễm trong đại dịch Covid-19 tăng trở lại gần đây trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn sẽ thấy sản lượng ngành sản xuất vẫn duy trì đà tăng trưởnh dù sản lượng của ngành dịch vụ trở lại trạng thái khủng hoảng. Tại eurozone và Anh, chênh lệnh điểm số giữa PMI ngành sản xuất và PMI ngành dịch vụ đang ở mức lớn nhất trong gần 25 năm.

Lý do là các hộ gia đình giảm chi tiêu cho các dịch vụ nhưng tăng chi tiêu mua sắm hàng hóa. Ngay cả ở những nước tái triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như Pháp, các nhà máy vẫn được chính phủ khuyến khích duy trì hoạt động sản xuất

Bức tranh trái ngược giữa ngành sản xuất và ngành dịch vụ này phù hợp với đà phục hồi mạnh mẽ của dòng chảy thương mại toàn cầu được dẫn dắt bởi Trung Quốc. Là nước đầu tiên bị đại dịch Covid-19 tác động, Trung Quốc cũng là nước thoát ra khủng hoảng sớm nhất bằng cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước của Trung Quốc cải thiện chậm chạp hơn.

Trong khi đó, Mỹ là một ngoại lệ khi gói kích thích tài khóa khổng lồ bao gồm trợ cấp một lần và tăng trợ cấp thất nghiệp của nước này giúp người dân có thêm thu nhập, tạo ra nhu cầu bùng nổ do bị dồn nén trong những tháng phong tỏa.

Hai chỉ số PMI ngành sản xuất lẫn dịch vụ của Mỹ đều cải thiện trong tháng 11. Dữ liệu của Bộ Thương mại công bố hôm 25-11 cũng cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 10, nối dài đà tăng sang tháng thứ sáu liên tiếp dù thu nhập hộ gia đình bắt đầu giảm do hiệu ứng từ các chương trình cứu trợ của chính phủ suy yếu.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đang ở sát mức kỷ lục do nhập khẩu tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây, các ngành xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bắt đầu lấy lại sức mạnh và hứa hẹn giúp thu hẹp mức thâm hụt thương mại.

Nếu hoạt động mua sắm tăng trưởng mạnh trên toàn cầu trong mùa Giáng sinh sắp tới, điều này sẽ hỗ trợ thêm cho khu vực sản xuất hàng hóa. Nhìn chung, các  doanh nghiệp, có hoạt động kinh doanh, dựa nhiều vào thương mại toàn cầu, sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Tại châu Âu, các nhà sản xuất, có xu hướng tập trung vào xuất khẩu, đang tăng trưởng tốt hơn các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa.

Vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc triển khai vaccine Covid-19, các vết sẹo kinh tế ở thời kỳ hậu khủng hoảng và chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi như thế nào sau đại dịch Covid-19. Nhưng hiện tại, thương mại quốc tế là câu chuyện phục hồi duy nhất mang lại phần nào sự an tâm và niềm tin cho giới đầu tư.

Bất chấp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng khắp nước, người tiêu dùng Mỹ chi tiêu kỷ lục 9 tỉ đô la để mua sắm trực tuyến trong ngày hội mua sắm giảm giá Thứ Sáu Đen (Black Friday) vào hôm 27-11, theo dữ liệu của Adobe Analytics.

Con số này tăng gần 22% so với cùng ký năm ngoái khi người mua sắm lùng sục các trang web để săn hàng giá rẻ và tránh các cửa hàng và khu mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh. Bên cạnh mua sắm các mặt hàng điện tử giảm giá điện thoại di động, tivi, máy chơi game như mọi năm, người tiêu dùng Mỹ còn tăng mua thực phẩm, áo quần ở các kênh trực tuyến.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới