Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương mại Việt Nam – EU: Thách thức từ thay đổi về logistics

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương mại Việt Nam – EU: Thách thức từ thay đổi về logistics

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Việt Nam-EU đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn từ một số hoạt động hậu cần (logistics) không diễn ra như thông lệ.

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú tại Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam-EU 2020 diễn ra hôm 9-12 tại Hà Nội với sự tham gia của 150 cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và EU qua hình thức trực tiếp và trực tuyến (online).

Thương mại Việt Nam - EU: Thách thức từ thay đổi về logistics
Logistics trong thời kỳ mới hậu Covid 19 sẽ phải chịu nhiều thách thức, thay đổi do quy trình xuất nhập khẩu sang EU trở nên khắt khe hơn. Ảnh: Cảng PTSC trong khu vực Cụm cảng nước sâu Cái Mép -Thị Vải. Ảnh: TL

Ông Phú dẫn chứng, thời gian qua một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm. Các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi…

Những sự thay đổu này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực thi Hiệp định FTA Việt Nam-EU từ tháng 8 vừa qua, đang tạo những thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong liên minh, kéo theo những yếu tố thuận lợi cho ngành logistics. Mặt khác, xuất khẩu sang EU đang tăng trưởng, đưa thị trường này vào danh sách các thị trường lớn nhất của Việt Nam, cùng với Mỹ và Trung Quốc.

Vẫn theo nhận định của ông Phú, để hoạt động trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam-EU hiệu quả hơn, việc tối ưu hóa chất lượng, hình thức thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-EU trong điều kiện kinh tế mới hậu Covid 19 là một trong những giải pháp cấp thiết.

Còn theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), những thách thức mà các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt, gồm có: hạn chế về chất lượng dịch vụ, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực.

Những khó khăn chính trong chuyển đổi kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hiện nay gồm: tình hình tài chính, nguồn nhân lực và lựa chọn công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao 13-15%/năm. Hiện Việt Nam có khoảng 4000 doanh nghiệp logistics, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải…

“Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận định. Do đó, định hướng của Chính phủ là phát triển ngành này thành ngành kinh tế thu hút sự quan tâm, phát triển các doanh nghiệp logistics trong nước để hạn chế dần sự áp đặt của các doanh nghiệp logistics quốc tế lớn.

Thực tế, có những khó khăn trong hợp tác logistics giữa Việt Nam và EU, như thủ tục hành chính khắt khe và quy trình kiểm soát quốc tế trong thời đại dịch nên doanh nghiệp Việt và EU cần trao đổi thêm nhiều dịp để tối ưu hóa dịch vụ logistics.

Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải đang khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tăng tính kết nối của các phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa những quy trình hoạt động.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics. Do đó, theo gợi ý của ông Hải, các doanh nghiệp EU có thể tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics ở Việt Nam, cũng như tham gia triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong logistics, đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics, hợp tác trong những lĩnh vực mới như: logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh.

Chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội hợp tác với những dịch vụ logistics ưu việt của Hà Lan, ông Sjaak de Klein, Trưởng nhóm cấp cao về Giải pháp chuỗi cung ứng châu Á, Hội đồng Phân phối Quốc tế Hà Lan (HIDC) cho biết, cảng Rotterdam của nước này là cảng lớn nhất châu Âu, mở rộng đến hơn 200 cảng biển nước sâu, đặc biệt, cảng này tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua số hóa. Bên cạnh đó là sân bay Amsterdam Schiphol là sân bay kết nối tốt thứ 2 trên thế giới…

Ông Sjaak de Klein cũng cam kết, HIDC sẵn sàng tư vấn về chuỗi cung ứng Châu Âu (thiết kế hậu cần, cấu trúc tài chính…) cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Gilbert Canameras, Chủ tịch Francorisk, chuyên gia tư vấn ngoại thương Pháp chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam về thực hành quản lý rủi ro logistics khi hợp tác với các doanh nghiệp EU.

Theo ông Gilbert Canameras, việc đánh giá, xử lý rủi ro là yêu cầu hàng đầu đối với bất cứ doanh nghiệp nào bởi khi doanh nghiệp tham gia vào thế giới thay đổi liên tục, các rủi ro sẽ càng ngày càng tăng cao.

Doanh nghiệp cần trang bị hệ thống dự báo rủi ro để giảm thiểu các rủi ro. Với từng rủi ro như rủi ro từ yếu tố nội tại (hỏng máy móc, con người) hay yếu tố khách quan (chính trị…), doanh nghiệp cần xác định rủi ro nào có thể chấp nhận và rủi ro nào không thể chấp nhận và đưa ra những biện pháp phù hợp để giảm thiểu.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính riêng 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU dù giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn đạt mức cao, với 33,23 tỉ đô, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 12,42 tỷ đô la Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới