Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủy điện Bản Vẽ: lấp lửng việc mua bảo hiểm tai nạn 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủy điện Bản Vẽ: lấp lửng việc mua bảo hiểm tai nạn 

Sự cố sập mỏ đá thủy điện Bản Vẽ đã vùi lập 18 cán bộ công nhân – Ảnh: VNexpress

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần Sông Đà 2, một trong những nhà thầu thi công dự án thủy điện Bản Vẽ – công trình vừa xảy ra sự cố sập mỏ đá ngày 15-12, cho biết đã mua bào hiểm xã hội cho người lao động tại công trình nhưng chưa khẳng định về việc mua bảo hiểm tai nạn lao động.   

Trao đổi với TBKTSG Online về trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho những người thiệt mạng và giải quyết hậu quả vụ sập mỏ đá tại công trình thuỷ điện Bản Vẽ, ông Nguyễn Công Danh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 2 khẳng định: “Nhà thầu chúng tôi đã mua bảo hiểm toàn bộ thiết bị ở công trình và mua bảo hiểm cho người lao động”.

Tuy nhiên, ông Danh không nhớ chính xác Sông Đà 2 đã mua loại bảo hiểm nào cho các công nhân của mình. Trong khi đó, Trưởng phòng Tổ chức của Công ty sông Đà 2, ông Phạm Văn Tỉnh chỉ nói: “Chúng tôi đã mua bảo hiểm xã hội từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và Hoà Bình cho các công nhân”.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc có mua bảo hiểm tai nạn lao động cho các công nhân làm việc trên công trình xây dựng không thì lãnh đạo của Công ty Sông Đà 2 và Sông Đà 5 – hai nhà thầu thi công dự án, đều trả lời rằng: “Sẽ kiểm tra lại và trả lời sau”.

Theo tìm hiểu của phóng viên TBKTSG Online, Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 đã tham gia mua bảo hiểm cho công trình với đơn vị bảo hiểm công trình chính là Công ty Bảo hiểm Bảo Minh và hai đơn vị khác là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Pjico tham gia bảo hiểm các hạng mục khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Pjico Nghệ An, các công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với công trình chính đó là thủy điện chứ không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với các công trình phụ khác cụ thể ở đây là mỏ đá.  

Vị giám đốc này nói mỏ đá là nơi nhà thầu khai thác đá để phục vụ công trình và nó không nằm trong phần thuộc trách nhiệm bảo hiểm của ba công ty. Tuy nhiên, đại diện các đơn vị bảo hiểm đã đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân.  

Ông Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 (đại diện chủ đầu tư công trình), nói rằng Công ty Sông Đà 2 và Sông Đà 5 là đơn vị thi công chính, và do đó, là hai đơn vị có trách nhiệm mua bảo hiểm thiệt hại về con người.

Riêng về bảo hiểm cho công trình, một đại diện khác của Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 cho hay họ đã mua bảo hiểm như Luật xây dựng quy định.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, vụ sập hầm khai thác đá công trình thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có khả năng sẽ không nhận được tiền bồi thường bảo hiểm thiệt hại vật chất công trình vì mỏ đá không thuộc công trình chính.  

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư công trình thủy điện Bản Vẽ và theo quy định của Bộ Tài chính, tất cả các chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách bắt buộc phải tham gia mua bảo hiểm vật chất công trình để bảo toàn tài sản cho Nhà nước và ngoài ra phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự liên quan đến người thứ ba.  

Theo ông Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch của Ban Quản lý Dự án Thủy Điện 2 thì đây là mỏ đá chính cung cấp tất cả đá cho toàn bộ công trình thủy điện Bản Vẽ. Theo đánh giá sơ bộ, thiệt hại vật chất trong vụ tai nạn khoảng 20 tỉ đồng.  

Cũng liên quan đến việc giải quyết hậu quả tai nạn, theo thông tin chính thức từ Công ty cổ phần Sông Đà 2, tính đến tối ngày 18-12, lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm kiếm được 7 thi thể nạn nhân chứ không phải 8 thi thể như một số thông tin trước đó. Công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiến hành 24/24 giờ với sự tăng cường thiết bị trợ giúp của Công ty Sông Đà 9.

NGỌC LAN – THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới