Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: hại nhiều hơn lợi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: hại nhiều hơn lợi

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Khi phân tích những mặt được và chưa được của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường, các nhà khoa học thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều thống nhất quan điểm không nên xây dựng 2 dự án thủy điện này vì hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, những hệ quả gây ra là rất lớn, không gì có thể bù đắp được.

Quan điểm này được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo thường niên năm 2012 của mạng lưới sông ngòi Việt Nam với chuyên đề đặc biệt “Lưu vực sông Đồng Nai – Tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”, tổ chức hôm 16-12 tại TPHCM.

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: hại nhiều hơn lợi
Theo các nhà khoa học việc xây dựng 2 dự án thủy điện ở giữa vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khó lường – Ảnh: TL.

>>> Xem thêm các tin bài về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Đánh giá chưa thuyết phục

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập vĩnh viễn 171,36 héc ta, trong đó diện tích vườn quốc gia Cát Tiên thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên là 77,9 héc ta. Còn dự án thủy điện 6A làm ngập vĩnh viễn 184,61 héc ta, trong đó chiếm dụng diện tích thuộc vườn quốc gia Cát Tiên là 50,55 héc ta. Những con số này được tính toán dựa vào phần diện tích bị ngập nước, phần đất rừng bị chiếm do xây dựng công trình. Trong khi tổng công suất của 2 nhà máy này chỉ 241 MW.

Trong đánh giá tác động môi trường được Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) thuê một đơn vị tư vấn đánh giá có đoạn viết: “Khi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng cao làm ngập khu vực rừng trước đây không bị ngập, điều này tạo cho cây rừng tiếp xúc với mực nước và mặt nước gần hơn, do đó cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây”.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), gọi đây là lập luận ngây ngô bởi ở các khu rừng không ngập nước thường xuyên cây rừng đã tồn tại hàng chục năm trong điều kiện khô hạn vào mùa nắng và chỉ nhận nguồn nước vào mùa mưa. Kết cấu thổ nhưỡng ở khu vực này là cứng chắc nhưng thoáng khí. Khi ngâm nước lâu ngày đất sẽ nhão và dễ bị rửa trôi. Nếu bị ngập lâu ngày rễ cây sẽ bị ngộp và chết chứ không thể phát triển như lập luận của đơn vị tư vấn.

Đó là chưa kể, trong quá trình triển khai, công nhân hoặc lâm tặc sẽ lợi dụng để chặt trộm cây rừng ngoài phạm vi thiết kế. Điều này đã từng xảy ra tại các công trình thủy điện ở Việt Nam khi lâm tặc lợi dụng để phá rừng săn bắn thú rừng. Do vậy, phần diện tích rừng bị mất mà đơn vị tư vấn đưa ra là không đáng tin cậy. Con số này có thể còn nhiều hơn 20-30%.

Còn việc trồng lại rừng và di dời các loài động vật rừng quý hiếm, ông Tuấn cho rằng cũng không khả thi. Bởi trong báo cáo không thấy có phần diện tích đất dự trữ cho việc trồng rừng, đến nay ở Việt Nam chưa có thủy điện nào thực hiện đúng cam kết trồng lại đủ số diện tích rừng đã bị phá. Còn việc di dời động vật nguy cấp gần như là việc không thể.

Theo phản biện của các nhà khoa học thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam, khi hình thành một hồ chứa nước lớn và kéo dài sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường sống của các loài động thực vật trong rừng. Một số loài có nguy cơ mất đi vĩnh viễn và làm giảm đi tính đa dạng sinh học.

Liên quan đến việc tính toán thủy văn của dòng chảy, ông Tuấn đặt câu hỏi nếu thủy điện Đồng Nai 5 không xả nước thì Đồng Nai 6 và 6A lấy nước đâu để vận hành? Như vậy, chắc chắn việc tính toán thủy văn dựa vào chuỗi đo đạc mực nước và lưu lượng nhiều năm sẽ không còn đúng.

“Ngoài ra, phần đánh giá về động đất và động đất kích thích của 2 dự án chưa được nghiên cứu mà chỉ dựa trên tổng kết của thế giới về điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích. Điều này là không đúng bởi bài học thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án. Không những vậy, phần tài liệu tham khảo viết rất sơ sài và thiếu cẩn trọng, không theo một quy tắc nào trong các báo cáo khoa học, nhiều trích dẫn trong báo cáo không có ở tài liệu tham khảo”, ông Tuấn nói.

Xây thủy điện, Bàu Sấu sẽ dần biến mất

Nhận xét về bản đánh giá tác động môi trường, ông Đặng Ngọc Quang đến từ Trung tâm dịch vụ môi trường nông thôn nêu ra sự bất cập là đơn vị tư vấn do chủ đầu tư thuê thì dĩ nhiên họ phải đứng về phía chủ đầu tư. Ông cho rằng việc đánh giá tác động môi trường phải do một đơn vị tư vấn độc lập và có uy tín thực hiện, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế thì mới thực sự khách quan.

Còn ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng cần rà soát đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai bởi hiện nay các dự án thủy điện đã quá dày. Khi xây dựng 2 dự án thủy điện này, một năm làm lợi cho Nhà nước 300 tỉ đồng. Nếu so sánh 300 tỉ đồng với những giá trị bị mất và những hậu quả ở vùng hạ lưu thì lựa chọn cái nào? Nhà nước không nên để dự án này là tiền lệ cho sự phá rừng Cát Tiên.

Là người gắn bó với vườn quốc gia Cát Tiên đã nhiều năm, ông Phạm Hữu Khánh, Phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên cảnh báo nếu 2 dự án thủy điện này tiếp tục được xây dựng thì Bàu Sấu sẽ dần bị biến mất. Không những vậy, các danh hiệu quốc tế như khu dự trữ sinh quyển cũng có thể bị mất. Vì vậy, không nên xây dựng 2 dự án thủy điện này.

Kết thúc hội thảo các nhà khoa học đã thống nhất một quan điểm chung là Chính phủ cần xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án thủy điện này và không nên xây dựng để tránh những hậu quả khó lường.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của tỉnh Đồng Nai hôm 14-12, lãnh đạo tỉnh này cũng kiên quyết phản đối việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Bồi thường thiệt hại chỉ 230-320 đồng/mét vuông rừng

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bồi thường thiệt hại và kinh phí bảo vệ môi trường cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 là 57 tỉ đồng (chiếm 0,011% tổng mức đầu tư). Trong đó chi phí bồi thường thiệt hại 197 héc ta rừng (gồm vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đồng Nai) là 460 triệu đồng, tương đương 230 đồng/mét vuông.

Còn dự án thủy điện Đồng Nai 6A, bồi thường thiệt hại và kinh phí bảo vệ môi trường là 57 tỉ đồng (chiếm 0,015% tổng mức đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường thiệt hại 175 héc ta rừng là 560 triệu đồng, tương đương 320 đồng/mét vuông.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới