Thủy điện “nuốt” rừng nhiều hơn trồng lại
Phạm Thái
![]() |
Một khoảnh rừng ở Đắc Lắc phải nhường chỗ cho cây công nghiệp. Ảnh minh họa: Phạm Thái |
(TBKTSG Online) – Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy đến hết năm 2012 có hơn 20.000 hec ta rừng tự nhiên bị phá để sử dụng cho nhiều mục đích, nhiều nhất là để làm thủy điện, nhưng chỉ mới trồng bù hơn 700 hec ta.
Bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất nhập khẩu gỗ năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29-3 tại TPHCM ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay vừa qua Chính phủ cho đánh giá lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Qua đó cho thấy có khoảng 20.000 hecta rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, chủ yếu là để phục vụ cho các dự án thủy điện, bao gồm các diện tích rừng bị ngập trong hồ thủy điện, phá rừng để làm đường, xây dựng… Nhưng theo báo cáo của các địa phương thì các chủ đầu tư công trình thủy điện mới trồng trả lại hơn 700 hec ta rừng.
Ông Hải cũng nói rằng vừa qua Bộ đã cho dừng gần 200 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt sang các mục đích khác, như trồng cây công nghiệp vì có dấu hiệu lợi dụng để phá rừng.
“Chính phủ có yêu cầu địa phương rà soát lại các dự án và yêu cầu đình chỉ những dự án có dấu hiệu lợi dụng để phá rừng. Vi phạm bị phát hiện liên quan nhiều nhất đến thành phần, quá trình thẩm định và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt”, ông nói.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Chính phủ cũng có chủ trương yêu cầu chủ đầu tư trồng bù phần diện tích rừng bị mất hoặc nộp tiền cho Quỹ bảo vệ phát triển rừng. Trường hợp địa phương đó hết đất thì có thể trồng ở địa phương khác. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thông tư hướng dẫn cụ thể phương án thực hiện, dự tính sẽ ban hành trong tháng 4 này.