Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủy điện trên dòng Mê Kông đe dọa thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủy điện trên dòng Mê Kông đe dọa thế giới

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông tác động cụ thể như thế nào tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mang ra mổ xẻ tại hội thảo: “Nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông đến ĐBSCL” vào hôm 30-11 tại TP Cần Thơ. Các nhà khoa học đều cho rằng đây là mối nguy cho ĐBSCL.

Hội thảo do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước (FORWET) tổ chức. Tại hội thảo, các nhà khoa học thuộc 3 nhóm nghiên cứu ở 3 tỉnh, thành ĐBSCL gồm An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng đã nêu lên nhiều tác động từ việc xây dựng các đập thủy điện đến khu vực ĐBSCL mà trong báo cáo “Môi trường chiến lược của dòng chính sông Mê Kông” (gọi tắt là báo cáo SEA) do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế báo cáo trước đó không nêu lên được.

Thủy điện trên dòng Mê Kông đe dọa thế giới
ĐBSCL sẽ bị tác động lớn bởi việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Kông. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp ra sức đối phó với trận lụt năm 2011 – Ảnh Trung Chánh

Mối nguy cho ĐBSCL

“Qua nghiên cứu bản cáo môi trường chiến lược 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, chúng tôi nhận thấy báo cáo đã nêu lên rất nhiều vấn đề tác động đến khu vực hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có ĐBSCL. Thế nhưng, còn nhiều vấn đề khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng vẫn chưa được đánh giá cụ thể và đầy đủ”, ông Trần Văn Hải, Trưởng Phòng môi trường tài nguyên nước An Giang, đại diện cho nhóm nghiên cứu của An Giang cho biết.

Theo ông Hải, báo cáo SEA chưa đánh giá được ảnh hưởng của việc xây dựng 12 đập thủy điện đến dòng chảy lũ; dòng chảy kiệt; đến các vấn đề bồi lắng, xói lở do thay đổi dòng chảy…

“Đặc biệt đối với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ tác động rất lớn đến vùng ĐBSCL. Cụ thể, phù sa về vùng ĐBSCL sẽ giảm mạnh, sản lượng khai thác thủy sản cũng dần mất đi”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của thành phố Cần Thơ, cho biết: “Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL; chế độ và chất lượng nước thay đổi là những vấn đề cần phải quan tâm”.

“Việc đánh giá của SEA cho vùng ĐBSCL rất tổng quát, không nói lên được tác động chính ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. SEA chỉ khuyến cáo “chưa nên xây dựng đập thủy điện” mà lẽ ra phải nói “không nên làm””, ông Thạnh cho biết.

Đối với nhóm nghiên cứu của tỉnh Sóc Trăng, ông Đỗ Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, cho biết tình hình xói lở, bồi đắp các cù lao, xâm nhập mặn và tình hình đánh bắt cá đồng ngày một bị ảnh hưởng là những vấn đề đang xảy ra do việc xây dựng các đập thủy điện.

“Tình hình sạt lở các cồn ở Sóc Trăng hiện đang ở mức báo động. Cụ thể, đối với cù lao Phong Nẫm có chiều dài bờ sông  22,5 kí lô mét thì đã có 12,5 kí lô mét bị sạt lở, chiếm đến trên 55,5%; cồn Cò có 7,9 kí lô mét bờ sông thì có đến 4,4 kí lô mét bị sạt lở, chiếm 55,7% hay cù lao Mỹ Phước và cù lao Dung đều có tỉ lệ sạt lở bờ sông trên 56%”, ông Phú cho biết.

Đánh giá tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, nhiều nhà khoa học  cho biết nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống người dân…    

Lên tiếng vì lợi ích chung

Ý kiến của nhiều nhà khoa học tại hội thảo, cho biết Việt Nam lên tiếng phản đối việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông không phải vì lợi ích riêng cho ĐBSCL hay cho Việt Nam mà vì lợi ích chung của cả thế giới.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia về môi trường thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho biết việc xây dựng các đập thủy điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, không vì thế mà dân ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ bị đói.

“Chúng ta không phải ngán cái đó (xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông – PV) nhưng cái điều Việt Nam quan tâm và lên tiếng là vì lợi ích chung của cả thế giới kìa”, ông Ni cho biết.

“Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, xây dựng đập thủy điện cùng lắm Việt Nam sẽ không còn 7 triệu tấn đó để xuất khẩu thôi, chứ sản xuất cho tiêu thụ nội địa chúng ta có thừa. Cái khó là khó cho người nghèo ở các nước nhập khẩu phải mua gạo giá cao thôi”, ông Ni cho biết thêm.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ nói: “Không có đồng bằng nào có sản lượng lương thực lớn như ĐBSCL của Việt Nam mình hết. Nó góp phần rất lớn vào an ninh lương thực không chỉ của riêng nông dân của vùng, của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân để Việt Nam lên tiếng phản đối việc xây các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới