Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thủy sản Cà Mau: lượng tăng, chất giảm  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủy sản Cà Mau: lượng tăng, chất giảm  

Thu hoạch tôm sú ở ĐBSCL – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản đang là lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh ở Cà Mau hiện nay nhưng trong năm 2007 đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về hàm lượng kháng sinh, tạp chất trong thủy hải sản.

Phát triển mạnh về quy mô

Năm 2007, sản lượng thủy sản Cà Mau đạt 300.000 tấn, xuất khẩu hơn 55.400 tấn, thu về 600 triệu đô la Mỹ. Cà Mau hiện có 22 doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, 26 nhà máy chế biến thủy hải sản.

Riêng trong năm qua, Cà Mau có hơn 100 doanh nghiệp tư nhân mới, lĩnh vực kinh doanh phần lớn là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Nhiều dự án lấn biển, khoanh vùng đầm lầy để nuôi tôm, cua, cá, lịch theo mô hình công nghiệp đang được triển khai.

Tại một số vùng như Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân, mô hình nuôi tôm cá quảng canh cải tiến đang được áp dụng đại trà. Tại huyện Ngọc Hiển, mô hình nuôi tôm kết hợp với nuôi cá, tôm, cua, sò huyết, ốc len dưới tán rừng; nuôi tôm kết hợp với hoa màu, cây ăn trái đang nở rộ.

Xã Tân Phú, huyện Thới Bình, hiện có 5.200 héc ta nuôi tôm, 1.800 héc ta kết hợp nuôi tôm-trồng lúa, nhờ thủy sản người dân thuộc địa bàn vùng sâu này đã vượt nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng.

Ông Võ Văn Bê, ở ấp Nhà Máy A, nhờ mô hình nuôi nuôi cá chình, cá bống tượng năm qua đã thu lời hơn 500 triệu đồng. Ông Triệu Văn Nhu, ấp Tràm Thẻ Đông, thu nhập mỗi năm trên dưới 1 tỉ đồng từ nuôi cá, tôm giống.

Cảng cá Cà Mau có gần 100 chành (điểm thu mua), mỗi ngày tiêu thụ bình quân từ 20-40 tấn tôm cá các loại. Đây cũng là vựa thu mua cá kèo lớn nhất miền Tây Nam bộ với 5-7 tấn/ngày, khi vào mùa, lượng cá về cảng lên đến 40-50 tấn.

Ông Trần Văn Chính, chủ chành cá Ba Nga cho biết,  cảng cá trước đây chủ yếu thu mua cá biển và cá nước ngọt thiên nhiên, hiện nay phần nhiều từ nguồn nuôi.

Nhưng chất lượng còn buông lỏng

Năm 2008, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch đưa sản lượng thủy sản lên 320.000 tấn (tăng 6,67% so với năm 2007), riêng sản lượng tôm đạt 112.000 tấn. Bên cạnh việc đầu tư nuôi tôm quảng canh, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, phát triển nuôi trồng hải sản ven biển… tỉnh sẽ yêu cầu các nhà máy công nghiệp xử lý nguồn nước thải ra môi trường và buộc các doanh nghiệp chế biến, các đại lý thu mua hải sản cam kết về chất lượng của sản phẩm.

Năm 2007, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã phát hiện và xử lý 21 vụ kinh doanh hải sản bị tiêm chích tạp chất, sử dụng kháng sinh cấm, thu giữ 8.819 kg tôm các loại.

Ông Phương Cổn, quyền chi cục trưởng Quản lý thị trường Cà Mau, cho biết, vi phạm về kinh doanh hải sản tại Cà Mau chủ yếu là dùng rau câu, Agar, một loại chất cấm trong chế biến thực phẩm, tiêm vào con tôm nhằm làm tăng trọng và dùng một số hóa chất tẩm ướp sản phẩm để giữ độ tươi.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Cà Mau phát hiện Công ty TNHH Nguyễn Dương đang bán 1.247kg tôm sú sơ chế có tạp chất lạ cho Xí nghiệp Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngọc Linh tại An Khánh, huyện U Minh. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy số tôm này có chứa chất Agar.

Theo ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, tạp chất trong mặt hàng thủy sản chủ yếu tập trung vào con tôm, do các đại lý cấp 2, cấp 3 (mua bán nhỏ lẻ) thực hiện, riêng đại lý cấp 1 và các doanh nghiệp thường không làm ăn tắc trách kiểu này.

Ông Cổn nhận định, với nghiệp vụ của ngành quản lý thị trường hiện nay, thì việc phát hiện để xử lý tạp chất, kháng sinh cấm trong con tôm là không dễ, nhiều vụ phải làm mất mấy tháng trời mới có kết quả.

Ông Đức cho biết các cơ sở chế biến thủy hải sản ở Cà Mau hầu như chưa trang bị được thiết bị kiểm tra dư lượng kháng sinh và tạp chất. Để có được thiết bị máy móc, phòng ốc, nhân viên kỹ thuật, mỗi doanh nghiệp phải tốn trên dưới 1 tỉ đồng để đầu tư.

Chất lượng thủy sản giảm sút còn do môi trường ô nhiễm. Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng đa phần là canh tác theo lối tự phát, khâu xử lý, bảo vệ môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mực.

Việc đào đất, khoanh vùng thành vuông nuôi tôm cá làm tắc dòng chảy của sông rạch tự nhiên, nước trong vùng nuôi thủy sản chảy ra sông nhưng thủy triều không thể rửa sạch. Nguồn nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ các nhà máy ngày càng nhiều nhưng chưa qua xử lý cũng là nguyên nhân làm cho tôm cá kém năng suất và nhiễm bệnh.

Thủy sản “nhiễm” dư lượng kháng sinh cấm, tạp chất lạ khiến nhiều lô hàng đã bị thải hồi. Giám đốc Sở Thương mại Nguyễn Hồng Quang cho biết, xuất khẩu thủy hải sản vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở thị trường Mỹ, Nhật. Do vậy, thị phần xuất khẩu trong năm qua hầu hết đều giảm (Mỹ giảm 4,4% so với cùng kỳ; châu Á giảm 5,56%; Úc giảm 1,64%).

ĐỊNH QUÁN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới